Mặc dù đã có nhiều loại thuốc điều trị có hiệu quả, nhưng chảy máu do loét dạ dày - tá tràng vẫn là một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh loét dạ dày - tá tràng. Có nhiều trường hợp rất nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị cầm máu kịp thời. Vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Nhận biết có khó?
Biểu hiện đầu tiên là buồn nôn và nôn ra máu: Bệnh nhân có cảm giác tanh lợm ở trong miệng, đầy bụng, khó chịu, buồn nôn sau đó nôn ra máu tươi, máu cục thẫm có lẫn thức ăn. Thông thường là nôn ra máu tươi ngay dữ dội là loét dạ dày, nôn ra máu đen thẫm hay máu đen loãng là loét hành tá tràng.
Đại tiện phân đen, thường xuất hiện ngay sau khi nôn ra máu hoặc xuất hiện ngay từ đầu tiên. Phân sền sệt, đen bóng như hắc ín hay như bã cà phê, mùi thối khẳm, lượng phân khá nhiều. Điều đáng nói, bệnh nhân ít khi đau bụng dữ dội, cảm giác đau nóng rát ở vùng trên rốn, có khi đau bụng xuất hiện trước khi chảy máu vài ngày. Kèm theo bệnh nhân có cảm giác hoa mắt chóng mặt hoặc ngất xỉu sau khi nôn ra máu, có khi bị sốc do mất máu (biểu hiện da xanh nhợt, vã mồ hôi, cảm giác ù tai, khát nước). Trường hợp chảy máu ít, từ từ sẽ không thấy biểu hiện sốc mất máu.
Nếu không được phát hiện và điều trị thì mức độ chảy máu ngày càng nặng thêm. (nôn máu đi ngoài phân đen ngày càng tăng). Xét nghiệm máu cho thấy mức độ thiếu máu nặng. Nếu được theo dõi chặt chẽ và có chỉ định đúng, xử lý kịp thời thì bệnh nhân mới có thể qua được.
Đừng để biến chứng
Biến chứng thủng hoặc hẹp môn vị có các biểu hiện triệu chứng lâm sàng của một viêm phúc mạc do thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị, tình trạng bệnh nhân rất nặng có các dấu hiệu mất máu và rối loạn điện giải, hội chứng nhiễm trùng, những trường hợp này phải có chỉ định điều trị ngoại khoa kịp thời. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngừng chảy máu sau vài ba ngày, mức độ nôn máu và đi ngoài phân đen giảm dần, huyết động ổn định, thể trạng tốt lên và hồi phục, hết chảy máu, một thời gian sau hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chảy máu đã được ngừng chảy sau 3 - 5 ngày lại chảy máu tái phát, mức độ chảy máu không dữ dội, chảy máu ít nhưng dai dẳng kéo dài.
Chẩn đoán phân biệt
Chảy máu do viêm loét dạ dày cũng cần phân biệt với các trường hợp chảy máu đường tiêu hoá trên như:
Viêm niêm mạc dạ dày với những tổn thương loét trợt nông rải rác khắp toàn bộ niêm mạc dạ dày hoặc viêm dạ dày do uống các loại thuốc. Ngoài ra, ung thư dạ dày thường gặp biến chứng chảy máu nhưng chảy máu do ung thư dạ dày biểu hiện lâm sàng không rầm rộ, thường chảy máu ít, tiến triển từ từ, ít khi nôn máu dữ dội, chủ yếu đi ngoài phân đen, kèm theo cơ thể gầy yếu.
Đối với chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản và dạ dày cũng rất thường gặp và cũng có biểu hiện lâm sàng điển hình một chảy máu đường tiêu hoá trên. Còn chảy máu đường mật cũng có nhiều biểu hiện tương tự với chảy máu do viêm loét dạ dày nhưng ngoài triệu chứng nôn ra máu và đi ngoài phân đen còn kèm theo các triệu chứng đau nhiều ở dưới vùng hạ sườn phải, tình trạng nhiễm trùng đường mật mà biểu hiện chính là sốt cao giao động, sốt rét run, vàng da từng đợt. Một điều cần lưu ý là trước khi nôn máu và đi ngoài phân đen thì bệnh nhân xuất hiện đau nhiều vùng gan.
Do đó, khi nghi ngờ chảy máu tiêu hóa, bạn cần phải đi khám và được các bác sĩ chỉ định nội soi hoặc siêu âm để chẩn đoán sớm bệnh nhằm hạn chế diễn biến xấu ảnh hưởng đến sức khỏe.
Điều trị thế nào?
Có nhiều phương pháp để điều trị chảy máu do viêm loét dạ dày - tá tràng, tùy từng mức độ bệnh và cơ thể người bệnh mà các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể.
Đối với trường hợp nhẹ, loét chưa có biến chứng, chảy máu lần đầu, tổn thương được xác định bằng nội soi là ổ loét non, không có dấu hiệu thoái hóa ác tính, tuổi còn trẻ hoặc quá già... thì các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa.
Phẫu thuật nội soi: được chỉ định trong những trường hợp ổ loét đang còn chảy máu, ổ loét đã cầm nhưng cục máu bám có khả năng bong, bệnh nhân già yếu, có các bệnh lý khác kèm theo, bệnh nhân đang có thai…
Điều trị ngoại khoa sẽ được các bác sĩ cân nhắc khi tình trạng bệnh nhân bị chảy máu nặng, chảy máu kéo dài, chảy máu tái phát mà phát hiện bằng nội soi thấy ổ loét vẫn tiếp tục chảy máu. Chảy máu trên bệnh nhân có biến chứng hẹp môn vị, thủng hoặc ổ loét xác định có khả năng thoái hóa ác tính. Tuổi trên 50 có tiền sử loét dạ dày - tá tràng nhiều năm, điều trị nội khoa nhiều lần không khỏi.
Để phòng tránh, người bệnh cần điều trị dứt điểm viêm loét dạ dày - tá tràng nếu mắc. Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi vì viêm loét dạ dày - tá tràng do vi khuẩn H. pylori lây qua đường ăn uống; Cần tuân thủ nghiêm ngặt sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau theo đúng chỉ định, tránh tự ý mua dùng mà không có chỉ định của bác sĩ; Có chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục thể thao tăng cường sức khỏe; Hạn chế uống rượu bia. Cần có cuộc sống thoải mái về tinh thần, tránh bị stress, căng thẳng; Khi có tình trạng khó chịu, đau vùng trên rốn, ợ hơi, ợ chua hoặc nghi ngờ chảy máu..., cần đi khám, làm xét nghiệm, nội soi và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.