Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh rất dễ lây lan, nếu không xử trí kịp thời trẻ rất dễ bị mất nước, muối và có thể dẫn đến tử vong do trụy tim mạch. Tuy vậy, bệnh có thể phòng ngừa được.
Tiêu chảy cấp do Rotavirus là nguyên nhân gây tử vong cho trên 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi và có thêm gần 2 triệu người mang bệnh nặng trên thế giới hàng năm. Tại Hoa Kỳ, trước khi bắt đầu thực hiện chương trình dùng vaccin Rotavirus thì virut này đã gây ra mỗi năm khoảng 2,7 triệu trường hợp viêm dạ dày - ruột nặng ở trẻ em, gần 60.000 trường hợp nhập viện và khoảng 37 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, bệnh thường xảy ra vào mùa đông - xuân (ở phía Nam, bệnh xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất là vào tháng 3 và tháng 9). Rotavirus lây truyền qua đường phân - miệng. Virut được thải ra ngoài theo phân của người bệnh, tồn tại rất lâu trong phân và làm lây lan ra môi trường nếu việc quản lý phân không tốt. Từ môi trường nhiễm Rotavirus, chúng có thể qua bàn tay, thực phẩm nhiễm bệnh, bụi trên sàn nhà, các đồ vật vào miệng, xuống dạ dày, ruột gây bệnh. Tại dạ dày - ruột, virut phá hủy tế bào ở thành ruột non nên chúng gây viêm dạ dày - ruột cấp. Mặc dù Rotavirus đã được phát hiện vào năm 1973 và gây ra tới 50% số trường hợp nhập viện do tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh và trẻ em, nhưng mức độ nguy hiểm của nó vẫn không được biết đến rộng rãi trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở những nước đang phát triển.
Cho trẻ uống vaccin để phòng ngừa Rotavirus.
Có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không chữa trị kịp thời
Sau khi bị nhiễm khoảng 12 giờ đến 4 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy. Thông thường, nôn mửa sẽ xuất hiện trước tiêu chảy từ 6 - 12 giờ và có thể kéo dài khoảng 2 - 3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu tiêu chảy. Phân lỏng, toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có nhầy, mũi nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần. Đặc biệt, một số trường hợp tiêu chảy và nôn có thể lên đến hơn 20 lần/ngày (rất nặng). Đa số các trẻ sẽ hết tiêu chảy sau 4 - 8 ngày, hiếm gặp hơn có trường hợp tiêu chảy kéo dài đến 2 tuần dù trẻ đã khỏe, bắt đầu chơi đùa và đòi ăn trở lại. Trẻ có thể có sốt nhẹ, đau bụng (quấy khóc, ít ngủ). Do nôn và tiêu chảy nên trẻ sẽ mệt lả, da xanh, môi khô, lưỡi trắng (bẩn), da khô, nhăn, ít nước tiểu và ít đi tiểu do mất nước và chất điện giải, nếu không được chăm sóc thích hợp có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của trẻ. Đây là biến chứng nguy hiểm và trầm trọng nhất của bệnh vì sẽ dẫn đến trụy tim mạch và tử vong. Vì vậy, trong các trường hợp trẻ bị tiêu chảy, có kèm các dấu hiệu trên cần cho trẻ đi bệnh viện ngay.
Lời khuyên của thầy thuốc
Cần hết sức cảnh giác khi thấy trẻ bị tiêu chảy, nôn mửa, nếu với số lần nhiều, cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tốt nhất là khám ở chuyên khoa nhi hoặc khoa truyền nhiễm. Trong khi chưa thể đưa trẻ đi khám bệnh được thì cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Không cần cầu kỳ mà có thể cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước cháo loãng, nước khoáng (không có gas), nước gạo rang hoặc nước dừa tươi, nếu có sẵn oresol (ORS) thì pha ngay cho trẻ uống. Nên dùng ORS loại 5,63g/gói, cho 1 gói vào 1 cốc nước đựng 200ml, khuấy đều rồi cho trẻ uống. Trẻ nhũ nhi: 50ml/lần x 2 - 3 lần/ngày; trẻ từ 2 - 6 tuổi: 100ml/lần x 2 - 3 lần/ngày; trẻ từ 6 - 12 tuổi: 150ml/lần x 2 - 3 lần.
Không nên dùng thuốc chống tiêu chảy khi chưa có ý kiến của bác sĩ, bởi các thuốc này có thể làm giảm nhu động ruột, gây liệt ruột, ngưng đi ngoài khiến phân không được thải ra ngoài (trong khi thuốc đó không thể diệt virut được). Do đó, trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy mà phân không được tống ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây trướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, tử vong.
Cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp theo lứa tuổi của trẻ như cháo, súp (trẻ lớn hơn thì ăn cơm). Với trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho trẻ bú, thậm chí cho bú nhiều hơn cả số lần và cả thời gian cho bú (kéo dài thời gian cho trẻ bú). Cần theo dõi số lần đi lỏng, số lượng và tính chất của phân cũng như số lượng nước, số lần bú, cơm, cháo trẻ đã ăn, uống để cung cấp cho bác sĩ biết khi đưa trẻ đến khám bệnh. Khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirrus thể nhẹ thì cũng không nên cho trẻ đến lớp vì sẽ lây cho trẻ khác. Cần quản lý phân của trẻ không để vương vãi ra môi trường. Người chăm sóc trẻ cần đi găng, rửa tay sạch bằng xà phòng sau mỗi lần tiếp xúc, chăm sóc, thay tã, bỉm cho trẻ. Cần rửa tay sạch cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh (trẻ lớn). Cho trẻ uống vaccin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus gây ra là hết sức cần thiết.
Cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp theo lứa tuổi của trẻ như cháo, súp (trẻ lớn hơn thì ăn cơm). Với trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho trẻ bú, thậm chí cho bú nhiều hơn cả số lần và cả thời gian cho bú (kéo dài thời gian cho trẻ bú). Cần theo dõi số lần đi lỏng, số lượng và tính chất của phân cũng như số lượng nước, số lần bú, cơm, cháo trẻ đã ăn, uống để cung cấp cho bác sĩ biết khi đưa trẻ đến khám bệnh. Khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirrus thể nhẹ thì cũng không nên cho trẻ đến lớp vì sẽ lây cho trẻ khác. Cần quản lý phân của trẻ không để vương vãi ra môi trường. Người chăm sóc trẻ cần đi găng, rửa tay sạch bằng xà phòng sau mỗi lần tiếp xúc, chăm sóc, thay tã, bỉm cho trẻ. Cần rửa tay sạch cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh (trẻ lớn). Cho trẻ uống vaccin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus gây ra là hết sức cần thiết.
BS. Việt Bắc