Ðể người lao động “có giá” hơn

30-07-2014 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Gần đây có nhiều thông tin đánh giá rằng năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Gần đây có nhiều thông tin đánh giá rằng năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 15 lần, 11 lần và 10 lần (theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO). Liên tục có những ý kiến rất thú vị và sâu sắc mổ xẻ, phân tích về nguyên nhân của thực trạng này. Mỗi yếu tố góp một phần “dìm” năng suất lao động của người Việt xuống và rất đáng để mỗi công ty, doanh nghiệp, mỗi cá nhân lao động suy nghĩ...

Những góc nhìn sâu sắc và thực tế

Khách quan mà đánh giá, mọi phân tích về nguyên nhân của thực trạng năng suất lao động (NSLĐ) của người Việt kém trong khu vực đều thuyết phục nếu nhìn từ một góc độ của các chuyên gia. Theo TS. Phan Minh Ngọc trong một bài phân tích với những góc nhìn về vĩ mô, trước tiên cần hiểu đúng khái niệm NSLĐ. Vì không thể đo lường NSLĐ của những người lao động thuộc các ngành nghề khác nhau tạo ra những sản phẩm và dịch vụ khác nhau, nên người ta sử dụng một đại lượng chung, đó là giá trị GDP ròng hoặc giá trị gia tăng (đo bằng đơn vị tiền tệ), tạo ra trong một giờ lao động.

Năng suất lao động người Việt Nam kém hơn trong khu vực.

Năng suất lao động người Việt Nam kém hơn trong khu vực.

Trở lại với kết quả so sánh NSLĐ nói trên của ILO. Không có gì đáng ngạc nhiên khi NSLĐ của Việt Nam lại quá thấp so với những nước phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi có GDP bình quân đầu người đều cao tới hơn chục lần so với Việt Nam. Do đó, để giảm chênh lệch này thì đương nhiên phải lấp đi khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người. Mà để giảm chênh lệch thu nhập bình quân đầu người thì phải tăng tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này cũng lý giải thực trạng tốc độ tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam chậm lại kể từ 2008 đến nay: tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tụt giảm đáng kể so với giai đoạn tăng trưởng cao 2002 - 2007.

Để nâng tốc độ tăng trưởng GDP nhằm tăng NSLĐ, chúng ta cần giải được bài toán khó về vốn đang là đề tài nổi cộm hiện nay mà vì thế mới phải có những việc lớn như tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân và FDI, tăng cường hòa nhập với nền kinh tế thế giới...

Để tăng GDP hay tăng NSLĐ thì đều cần phải có vốn tư bản (tiền để đầu tư mua máy móc, công cụ làm việc, càng nhiều tiền thì càng mua được máy móc, công cụ tốt), công nghệ mới (tự động hóa có thể giảm được số người làm việc) và vốn con người (người lao động có kiến thức và kỹ năng tốt thì mới sử dụng và làm chủ được công nghệ mới, thiết bị mới, mới tổ chức được sản xuất một cách hợp lý...).

Nhưng bản thân công nghệ mới và vốn con người, suy cho cùng lại đều phụ thuộc vào vốn tư bản - có tiền thì mới có khả năng đầu tư cho công nghệ cao, hiện đại, đầu tư vào giáo dục, đào tạo nhân lực...

Còn TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng có những quan điểm rất thú vị và sâu sắc về những nguyên nhân, ông tóm lược trong 5 nguyên nhân: Trước hết ở việc tổ chức lao động chưa khoa học. Phần nhiều chúng ta vẫn đang quản trị doanh nghiệp theo thói quen và sự tùy tiện. Nhiều khi vì người mà đẻ ra việc, chứ chưa chắc đã vì việc mà phải chọn người.

Hai là hệ thống đào tạo thiên về việc “dạy lý thuyết bơi, hơn là dạy kỹ năng bơi”. Chúng ta đào tạo ra những người ngồi trên bờ thao thao bất tuyệt về lý thuyết bơi, nhưng xuống nước thì lại chết đuối.

Ba là người Việt Nam thường nhanh, nhưng không sâu. Rất nhanh học theo người khác chẳng mấy khó khăn và dễ tự mãn. Cuối cùng, cái gì có vẻ cũng làm được, nhưng ít khi có cái gì làm được đến nơi đến chốn.

Thứ tư, chúng ta không có đủ tiền để đổi mới công nghệ. Muốn tăng năng suất thì phải có công nghệ mới. Muốn có công nghệ mới phải có tiền. Chưa nói tới chuyện có những công nghệ nguồn muốn mua cũng không được.

Thứ năm, áp lực cạnh tranh nơi có, nơi không. Trong một số lĩnh vực độc quyền như điện lực, xăng dầu... tăng năng suất không bằng tăng giá. Muốn có lợi nhuận bao nhiêu cứ đưa vào giá, việc gì phải tăng năng suất cho mệt.

Ý thức người lao động qua một buổi thực tế “chợ” việc làm

Đầu tháng 7 vừa qua, tôi có đưa vợ đi tham gia Ngày hội tuyển dụng Vincom Center Hạ Long tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh. Khá đông bạn trẻ tới dự tuyển nhưng chứng kiến cách họ tham gia, tôi lại thấy băn khoăn về ý thức của người lao động.

Chuyện đầu tiên là khi điền thông tin vào phiếu, không ít bạn trẻ không điền rõ vị trí mình sẽ đăng ký tuyển dụng, mặc dù nhân viên trung tâm khi đưa phiếu đã nhắc rất cẩn thận. Khi được nhắc, có bạn còn trả lời, ở đây họ tuyển nhiều vị trí, từ bảo vệ, kế toán, nhân viên hành chính tới quản lý, cứ điền đủ thông tin cá nhân, còn vào vị trí gì thì khi phỏng vấn sẽ quyết định.

Chuyện thứ hai là không ít bạn trẻ có mặt ở điểm tuyển dụng rồi nhưng vẫn không biết đơn vị tuyển dụng sẽ tuyển những vị trí nhân sự nào.

Chuyện thứ ba là trong hồ sơ tham gia tuyển dụng của nhiều bạn trẻ vẫn đề là “Hồ sơ xin việc”. Dường như, cơ chế “xin - cho” vẫn khắc sâu trong nếp nghĩ của nhiều người.

Những chuyện trên tưởng nhỏ mà lại không nhỏ bởi nó cho thấy, việc tuyển dụng nhân sự, rồi người đi tham gia tuyển dụng của chúng ta còn thiếu tính nghiêm túc và sự chuyên nghiệp. Trong khi đó, với môi trường làm việc và đòi hỏi hiện nay của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn của nước ngoài, 2 yếu tố đó đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Còn nhớ tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh tổ chức vừa qua, đại diện Tập đoàn BIM bộc bạch: “Khó khăn lớn nhất của Tập đoàn khi đầu tư vào Quảng Ninh là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên nghiệp và kỷ luật trong công việc”.

Thiết nghĩ, để thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, đội ngũ nhân lực, những người đăng ký tìm việc của tỉnh không chỉ phải chú trọng hơn trong học tập, nâng cao trình độ mà cần phải xác định thái độ nghiêm túc, có hiểu biết chuyên nghiệp hơn trong vấn đề tuyển dụng. Hơn nữa, công việc là một phần tất yếu không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, chính vì vậy khi tham gia tuyển dụng, các bạn trẻ cần ý thức rõ hơn công việc mình cần lựa chọn chứ không thể qua loa, tùy hứng được.

Mạnh Tiến

 


Ý kiến của bạn