Hà Nội

Ðể người khuyết tật hưởng hạnh phúc trọn vẹn

20-04-2015 10:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Việt Nam hiện có khoảng hơn 6 triệu người khuyết tật, đây là con số không nhỏ. Mặc dù trong những năm gần đây, cộng đồng đã có rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ người khuyết tật trong các lĩnh vực như giáo dục,

Việt Nam hiện có khoảng hơn 6 triệu người khuyết tật, đây là con số không nhỏ. Mặc dù trong những năm gần đây, cộng đồng đã có rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ người khuyết tật trong các lĩnh vực như giáo dục, việc làm, tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập và cống hiến. Tuy nhiên, trong cuộc sống của người khuyết tật hiện nay, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới tính của họ vẫn chưa được xã hội nhìn nhận một cách đầy đủ.

Rất nhiều người khuyết tật đã không may mắn như bao người khác vì những khiếm khuyết trên cơ thể, thậm chí họ còn bị một bộ phận không nhỏ trong xã hội coi là những người không tự nuôi được bản thân, sống nhờ vào gia đình. Chính vì thế, những nhu cầu tối thiểu về sức khỏe sinh sản, giới tính của họ thường bị gia đình hoặc người chăm sóc bỏ qua. Đối với những người không hoàn hảo về mặt cơ thể, mọi người thường cho rằng, việc nghĩ đến sức khỏe sinh sản, giới tính là một điều xa xỉ, không phù hợp. Còn phụ nữ khuyết tật lại bị không ít định kiến không nên kết hôn vì không thể làm tròn nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, họ sẽ không thể nuôi dưỡng con cái, họ sẽ làm tăng gánh nặng cho chính bản thân, cả gia đình và con cái của họ có thể bị khuyết tật di truyền...

Chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục là nhu cầu và quyền lợi của bất cứ người khuyết tật nào. Ngay cả việc mong muốn được lập gia đình và có con là nhu cầu chính đáng của người khuyết tật. Tuy nhiên, vấn đề mà họ còn băn khoăn là không biết nên đi khám và tư vấn ở đâu để thuận tiện hơn với mình và để những băn khoăn, lo lắng, trăn trở của mình được giải đáp. Trong khi đó, hiện nay, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cho người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về sức khỏe sinh sản, giới tính cho thanh niên khuyết tật vẫn còn hạn chế, chưa đến được với những thanh niên khuyết tật ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Những trung tâm y tế chuyên ngành dành riêng cho đối tượng này mặc dù đã có nhưng chưa được nhân rộng, khiến cho người khuyết tật khó tiếp cận. Bên cạnh đó, chính bản thân nhiều người khuyết tật cũng chưa nhận thức một cách đầy đủ về vấn đề này.

Theo không ít người khuyết tật, hiện nay, khi họ tham gia câu lạc bộ nhiều thì cũng được đề cập, phổ biến các vấn đề  kỹ năng sống, kiến thức sinh sản, nhưng mà chỉ khu vực nội thành thôi còn các khu vực tỉnh lẻ, nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì hầu như không bao giờ có chuyện phổ biến, chia sẻ những kiến thức về vấn đề này.

Còn theo các chuyên gia về sức khỏe cộng đồng, vấn đề sức khỏe sinh sản, giới tính của người khuyết tật cần được đề cập nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông để gia đình, cộng đồng nhìn nhận đúng đắn, sẵn sàng chia sẻ. Bên cạnh đó, vai trò của gia đình cũng rất quan trọng, các gia đình cần nhận thức tốt về vấn đề tình yêu, tình dục của người khuyết tật để chăm lo đến việc giáo dục giới tính cho những người khuyết tật. Và cuối cùng, để hơn 6 triệu người khuyết tật Việt Nam được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc thì rất cần nhiều hơn nữa sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của cộng đồng và xã hội.

Trần Phương

 

 


Ý kiến của bạn