Vậy là những tháng hè vui chơi đầy bổ ích thấm thoát đã trôi qua nhanh chóng, các trường học từ bậc mầm non, mẫu giáo đến bậc THPT đều đang tất bật, chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới.
Bên cạnh đó là nỗi niềm của các bậc phụ huynh học sinh. Vui mừng khi con bước vào năm học mới, con mình đang trưởng thành dần, tiếp thu được nhiều kiến thức mới làm hành trang cho con khi bước vào đời, nhưng có không ít vị phụ huynh “toát mồ hôi” khi nghĩ đến những khoản mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập, quần áo... cho con. Với mỗi gia đình có con thuộc độ tuổi đi học, thời điểm sắp bước vào năm học mới là lúc họ phải đau đầu tính toán những khoản mua sắm và đóng góp cho nhà trường. Đóng góp thì nhà trường đã quy định, giấy trắng mực đen rõ ràng, không đóng cũng không được.
Với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lần đầu tiên đưa con đến trường thì họ càng “hoang mang”. Đối với những học sinh đầu cấp, hàng trăm thứ phải mua mới cho các con từ đồng phục, sách vở, cặp sách, balô, bút viết, bảng... Với các loại sách tham khảo, sách bài tập không thể dùng nhiều năm (anh chị để lại cho em) và giá cả thì không “mềm” chút nào, cũng đè thêm gánh nặng trên đôi vai của phụ huynh và “đè” cả tấm lưng vốn non nớt, nhỏ bé của các em học sinh tiểu học. Thêm vào đó là việc sắm sửa như thế nào để con em được “yên tâm” đến trường với các quy định về đồng phục. Trước đây, với quần xanh áo trắng, người em có thể mặc chiếc áo năm trước của anh khi nó còn sử dụng được, nay thì khó lòng khi hai anh em học hai trường khác nhau, bởi các trường đã yêu cầu học sinh mặc các kiểu đồng phục do trường quy định. Điều đó sẽ ít nhiều làm tăng khoản chi của cha mẹ học sinh, gây khó khăn cho học sinh nghèo, gia đình có hai, ba anh em cùng đi học ở những trường khác nhau.
Song, nỗi lo “cơm áo, gạo tiền” trong từng gia đình học sinh vẫn luôn thường trực và hiện hữu. Đó là học phí, một số “phụ phí” phát sinh, các phí dịch vụ, phục vụ như: tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh môi trường... làm “thắt lòng” các gia đình hiếu học, nhưng tài chính có hạn.
Nói vậy để ngành giáo dục cần có những chỉ đạo cụ thể về quy định đồng phục, quy định về sách tham khảo... thống nhất trong cả nước, không để mạnh ai nấy quy định như hiện nay. Đặc biệt là hạn chế đến mức thấp nhất sự đóng góp của phụ huynh, nhân dân. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ về cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn để các em được đến trường như nhiều em học sinh khác. Hãy để ngày tựu trường là một niềm vui thực sự của học sinh và cha mẹ của các em.
LÊ THỊ THÚY MONG
(Giáo viên trường tiểu học Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương)