Ðể ngày hè không là nỗi ám ảnh

21-05-2013 10:05 | Thời sự

Năm học 2012 - 2013 đang đi đến những ngày cuối cùng, học sinh, sinh viên (HSSV) các bậc học chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè. Nghỉ hè là dịp vui chơi thư giãn của học sinh sau 1 năm học tập nhưng cũng khiến không ít phụ huynh lo lắng bởi công việc thì không được nghỉ, con trẻ không biết gửi cho ai trong khi tai nạn, nguy hiểm luôn rình rập các em bất cứ lúc nào.

Năm học 2012 - 2013 đang đi đến những ngày cuối cùng, học sinh, sinh viên (HSSV) các bậc học chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè. Nghỉ hè là dịp vui chơi thư giãn của học sinh sau 1 năm học tập nhưng cũng khiến không ít phụ huynh lo lắng bởi công việc thì không được nghỉ, con trẻ không biết gửi cho ai trong khi tai nạn, nguy hiểm luôn rình rập các em bất cứ lúc nào. Hiện nay, không chỉ thành phố mới lo thiếu chỗ chơi cho con trẻ mà nông thôn cũng vậy. Nắng như thiêu đốt trên đầu, các em quanh quẩn trong nhà mãi cũng chán, tìm đến ao, hồ, leo trèo, tai nạn sinh hoạt cũng từ thiếu chỗ chơi mà ra. Ở thành phố, bước ra đường là gặp xe như mắc cửi, cộng với đó, nhiều cám dỗ của thời đại công nghệ... luôn là nỗi lo tiềm ẩn mà người làm cha, làm mẹ không khỏi bồn chồn khi hè về.

Ðiều đáng nói là nhiều trẻ chưa nhận thức được sự nguy hiểm nên thường chủ quan, mặc dù không biết bơi nhưng tự ý tắm mà không có sự quản lý của người lớn. Ngày 14/5, tại sông Sêrêpok, huyện Buôn Ðôn, tỉnh Ðăk Lăk, 4 trong số 5 em học sinh đi bơi đã bị đuối nước, đây là bài học đắt giá cho phụ huynh cũng như các em học sinh. Cùng là đuối nước, trưa 19/5, 2 học sinh Dương Tiến Thành và Huỳnh Nhật Long (đều là học sinh lớp 7B, Trường THCS Nguyễn Thị Định, phường Phú Lâm, TP. Tuy Hòa, Phú Yên) ra biển chơi đã bị sóng đánh ra xa và bị đuối nước. Bên cạnh đó, trong thời gian nghỉ hè, hiện tượng HSSV vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông diễn ra rất phức tạp. Hiện nay, hầu hết các trường học đều tổ chức cho học sinh tham gia ký cam kết không vi phạm pháp luật; quan tâm công tác giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật; phòng ngừa vi phạm pháp luật và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nhằm giúp cho các em không vi phạm pháp luật, không phạm tội. Tuy nhiên, các chương trình giáo dục pháp luật chưa sát với thực tế, chưa gắn với các giải pháp quản lý học sinh. Chính vì vậy, để bảo đảm an toàn giao thông cho HSSV trong dịp hè năm 2013, ngành giáo dục và đào tạo cần phối hợp các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích trong dịp hè cho học sinh; phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa cho HSSV, chú ý phòng, chống tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước. Ðặc biệt, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn cho con em mình kỹ năng bơi và xử lý các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước. Hơn nữa, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở HSSV nghiêm túc chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, thực hiện quy tắc giao thông đường bộ; các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp HSSV vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy và thông báo về nhà trường, đồng thời nhà trường thông báo cho các cơ quan chức năng về quyết định xử lý của nhà trường.

Ðể cho kỳ nghỉ hè là những ngày bổ ích, lý thú, HSSV nên tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở câu lạc bộ, thư viện, nhà văn hóa, sân chơi thể thao... của địa phương, nhà trường. Căn cứ vào thực tế, điều kiện của nhà trường và nguyện vọng của hội cha mẹ học sinh, nhà trường phối hợp các trung tâm thể dục thể thao, các nhà văn hóa, nhà thiếu nhi... tổ chức có hiệu quả các lớp dạy bơi, lớp dạy vẽ, thể dục nhịp điệu, bóng rổ..., mở các CLB như nghệ thuật, Toán học, Văn học, Ngoại ngữ, CLB sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Kha Nguyễn


Ý kiến của bạn