Hà Nội

Ðể năm 2016 có văn minh lễ hội

27-01-2016 00:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời điểm sau Tết cổ truyền cũng như trong năm, ở nước ta có nhiều lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn...

Thời điểm sau Tết cổ truyền cũng như trong năm, ở nước ta có nhiều lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều lễ hội còn bộc lộ hạn chế, sự phản cảm khiến dư luận bức xúc. Bởi thế, Bộ VH-TT&DL đã có những động thái cứng rắn nhằm có các lễ hội năm 2016 tại các địa phương đảm bảo vốn truyền thống cũng như văn minh hơn.

Được và chưa được

Theo báo cáo công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015 của Bộ VH-TT&DL, năm 2015, lễ hội ở nước ta diễn ra phù hợp truyền thống văn hóa, phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính; phần hội phong phú hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm... Bên cạnh đó, các lễ hội ở nước ta trong năm qua đã gắn kết các hoạt động văn hóa truyền thống với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, truyền thống văn hóa lâu đời, tốt đẹp, các sinh hoạt lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh và giá trị của nhân dân.

Theo BTC lễ hội Gióng 2016 (Sóc Sơn, Hà Nội), hình ảnh cướp giò hoa tre phản cảm ở lễ hội năm trước sẽ không lặp lại.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên, năm 2015, nhiều lễ hội ở nước ta còn bộc lộ những mặt hạn chế. Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, nhiều lễ hội ở nước ta có biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Đồng thời, một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố phản cảm, gây bức xúc dư luận, trong đó phải kể đến tập tục “Chém lợn” ở lễ hội Ném Thượng (tỉnh Bắc Ninh), lễ hội “Cầu trâu” (Hương Nha, Phú Thọ), tập tục “Cướp phết” ở lễ hội Phết (Tam Nông, Phú Thọ), cướp lộc hoa tre tại lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)... hoặc việc chen lấn, mua bán ấn tại lễ hội Đền Trần (Nam Định).

Bên cạnh đó, không ít lễ hội ở nước ta trong năm qua còn để xảy ra hiện tượng đốt nhiều vàng, mã không đúng nơi quy định ở một số di tích gây tốn kém, lãng phí, gây nguy cơ cháy, nổ cao. Không những thế, dù đã được siết chặt quản lý nhưng tại một số lễ hội còn để xảy ra tình trạng đổi tiền hưởng chênh lệch giá, vi phạm quy định về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cũng như trái với thuần phong mỹ tục. Và một vấn nạn đã được nhắc đến nhiều tại các lễ hội ở nước ta, đó là tình trạng mất vệ sinh môi trường, tình trạng xả rác bừa bãi của người tham gia lễ hội vẫn diễn ra như một điều tất yếu. Bởi vậy, ông Hoàng Tuấn Anh  - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh, trong năm 2016, các địa phương cũng như các đơn vị liên quan cấp nhà nước cần đặc biệt lưu ý đến những vấn đề còn hạn chế, tồn tại, tìm nguyên nhân để đưa ra phương hướng giải quyết.

Để có lễ hội văn minh

Hướng đến mùa lễ hội năm 2016 vẫn đảm bảo yếu tố văn hóa truyền thống nhưng văn minh, đẩy lùi những hạn chế của mùa lễ hội trước, Bộ VH - TT&DL vừa có văn bản số 155/BVHTTDL-VHCS về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2016 gửi đến tất cả các địa phương. Theo văn bản của Bộ VH-TT&DL, các sở ngành trực thuộc Bộ không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích trục lợi, vi phạm nếp sống văn minh. Đồng thời, với những lễ hội lớn, thu hút đông người và kéo dài ngày, phải xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hơn nữa, các lễ hội phải có phương án phòng, chống thảm họa thiên tai, cháy nổ; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân và du khách tham gia.

Đáng chú ý, Bộ VH-TT&DL yêu cầu các đơn vị trực thuộc vận động nhân dân loại bỏ hoặc thay thế các tập tục không còn phù hợp, những hành vi bạo lực, phản cảm gây bức xúc dư luận xã hội. Không để các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích. Nhằm đảm bảo cho các lễ hội diễn ra an toàn, đúng với truyền thống văn hóa, Bộ VH-TT&DL sẽ thành lập một số đoàn công tác đi kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại một số địa phương trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân.

Trong một diễn biến liên quan, BTC lễ hội Gióng mới đây cho biết, năm nay, lễ hội đền Sóc sẽ được quản lý chặt chẽ hơn và sẽ có biện pháp ngăn chặn việc cướp giò hoa tre phản cảm như năm ngoái như không mang gậy vào lễ hội, tăng cường lực lượng bảo vệ, an ninh hỗ trợ. Mùa lễ hội năm nay, BTC lễ hội Gióng cũng không cho phép bán hàng tại khu di tích để bảo đảm sự tôn nghiêm, chủ động lên phương án bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm nếp sống văn minh nơi thờ tự.

Đáng chú ý hơn nữa, vừa qua, đại diện chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã cam kết không thực hiện nghi thức chém lợn phản cảm giữa sân đình tại lễ hội Ném Thượng năm 2016. Và theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, mùa lễ hội năm 2016 vẫn rất cần sự nhập cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, truyền thông. Những năm qua, từ báo chí và truyền thông phản ánh công tác tổ chức, diễn biến ở các lễ hội mà cơ quan quản lý nhà nước đã tiếp thu, từ đó điều chỉnh để tạo nên những chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội được tốt hơn.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn
Tags: