Hà Nội

Ðể mùa lễ hội giàu bản sắc và văn minh

18-01-2020 08:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đến hẹn lại lên, mùa xuân và đặc biệt thời điểm sau Tết cổ truyền, nhiều lễ hội truyền thống ở các địa phương tại nước ta sẽ diễn ra.

Với những nỗ lực từ các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn sự biến tướng, nhiều lễ hội đã trở thành điểm đến của người dân, đảm bảo tính văn minh và truyền thống văn hóa.

Nhiều chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), sau 1 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, công tác quản lý hoạt động lễ hội đã bám sát các quy định, thể hiện vai trò trách nhiệm quản lý của các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, sự tham mưu, hướng dẫn của ngành văn hóa và vai trò tự chủ của nhân dân trong sáng tạo văn hóa. Thông qua các lễ hội, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, không khí dân chủ trong xã hội được tăng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, tính riêng mùa lễ hội xuân năm 2019, nhiều lễ hội đã có những chuyển biến tích cực và khắc phục được các biến tướng, hình ảnh xấu xí trước đó đã từng làm dư luận dậy sóng. Có thể kể đến lễ hội chùa Hương (Hà Nội), dù luôn có đông đảo du khách thập phương tham gia nhưng năm qua đã không còn hành động chen lấn, xô đẩy hay du khách thiếu ý thức, bức xúc trèo lan can... Các hành vi như thắp hương tràn lan, vứt rác bừa bãi hay rải tiền lẻ khắp nơi đã đỡ hơn những năm trước rất nhiều. Ngoài ra, tình trạng người dân ăn uống bừa bãi tại các điểm dừng chân không còn nữa, thay vào đó là ý thức giữ vệ sinh bằng cách bỏ rác vào đúng nơi quy định.

Ðể mùa lễ hội giàu bản sắc và văn minhHội Gióng năm 2019 đã diễn ra an toàn, không còn hiện tượng cướp lộc hoa tre từng khiến dư luận bức xúc.

Một lễ hội diễn ra vào đầu năm mới cũng tại Hà Nội là Hội Gióng, năm 2019 vừa qua, việc phát giò hoa tre, trầu cau cho nhân dân và du khách thập phương lấy may đầu năm đã được Ban tổ chức lễ hội kiểm soát tốt, không có tình trạng chen lấn, xô đẩy phản cảm đã từng làm dư luận bức xúc, báo chí và giới truyền thông tốn nhiều giấy mực. Bên cạnh đó, để đảm bảo mục tiêu tổ chức lễ hội an toàn, văn minh, Ban tổ chức Hội Gióng đã chỉ đạo ban quản lý đền và các thôn làng nâng cao chất lượng các bài văn tế, cách thức tổ chức các nghi lễ đảm bảo trang trọng. Đồng thời tổ chức nhiều hơn các hoạt động trong phần hội, các trò chơi dân gian và các giải thi đấu thể thao như bóng chuyền, cờ tướng, giải vật...

Trong khi đó, lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) năm 2019 cũng đã khắc phục được những mặt tồn tại, hạn chế trước đó. Tình trạng người dân về dự lễ hội bị “chặt chém” tiền gửi xe; tệ nạn móc túi, trộm đồ, ăn xin, bán hàng rong chèo kéo khách trong dịp lễ hội đã được cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan và nhân dân đến lễ Phật, du xuân một cách an toàn và hạnh phúc. Ngoài ra, năm 2019, lễ hội Đền Trần (Nam Định) dù vẫn có hàng vạn người tới tham dự và xin ấn cầu mong phát lộc phát tài, sức khỏe, hạnh phúc... nhưng tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp ấn, tung tiền vào kiệu ấn đã được cải thiện.

Tiếp tục đảm bảo mùa lễ hội văn minh

Mặc dù các lễ hội đầu năm ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực, khắc phục được nhiều hình ảnh xấu xí song thực tế, một số lễ hội còn cho thấy hạn chế, tồn tại như tình trạng khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ... Chính vì thế, hướng tới một mùa lễ hội 2020 bình yên, đảm bảo được yếu tố văn hóa và sự văn minh, để lễ hội phục vụ cộng đồng là mục tiêu mà cơ quan quản lý ngành văn hóa và các địa phương ở nước ta hướng tới. Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân đi lễ hội để lễ hội đảm bảo giá trị văn hóa, tâm linh vốn có, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết, việc thanh tra, kiểm tra trước và sau mùa lễ hội 2020 sẽ được ngành văn hóa tiếp tục được tăng cường, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực.

Đại diện Bộ VH-TT&DL cũng cho biết sẽ kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch... diễn ra trong lễ hội. Bộ Văn hóa sẽ chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức và bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định. Cùng với đó, không đưa hiện vật không có trong hồ sơ xếp hạng vào di tích, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật di sản văn hóa. Với những lễ hội như: lễ hội Đền Trần, hành vi phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm. Đặc biệt, theo bà Trịnh Thị Thủy, cơ quan chức năng sẽ không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn