Hà Nội

Ðể không phát tác viêm tai ngoài

23-07-2014 06:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Viêm tai ngoài là tình trạng viêm cấp hay mạn tính lớp da bao phủ ống tai ngoài.

Viêm tai ngoài là tình trạng viêm cấp hay mạn tính lớp da bao phủ ống tai ngoài. Bệnh hay gặp vào mùa hè nóng bức khi mọi người bơi lội nhiều, nước sông hồ bị ô nhiễm, môi trường ô nhiễm cộng với thói quen ngoáy tai bằng dụng cụ không sạch hoặc lau tai quá nhiều lần làm trầy xước lớp da bảo vệ ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập và gây viêm.

Vì sao dễ viêm tai ngoài?

Ống tai ngoài có cấu tạo dạng ống dài 2 - 3cm, từ cửa tai đến màng nhĩ. Lớp da mỏng bao phủ ống tai có cấu tạo tương đối đặc biệt hơn so với lớp da bên ngoài, bao gồm: lông, nang lông, tuyến bã, tuyến ráy tai. Các tuyến này chế tiết ra ráy tai. Ráy tai có đặc tính không thấm nước giúp bảo vệ da ống tai không bị bong tróc. Ngoài ra, ráy tai còn là một môi trường axit và chứa các thành phần ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm trong ống tai. Ráy tai sau khi được tiết ra sẽ được đẩy dần về phía cửa tai. Đây chính là cơ chế tự làm sạch của ống tai. Nhờ những đặc tính kể trên nên dù có cấu tạo dạng ống hẹp nhưng ống tai ngoài vẫn có khả năng tự bảo vệ riêng chống lại sự xâm nhập và phát triển của vi khuẩn, vi nấm. Do vậy, khi một tác động mạnh gây tổn thương đến tai ngoài hoặc môi trường ẩm ướt khiến cho vi khuẩn, nấm dễ xâm nhập sẽ dẫn đến viêm tai. Các yếu tố thuận lợi gây viêm tai ngoài hay gặp nhất là:

Bơi lội nhiều hoặc tắm gội bằng nước sông hồ bị nhiễm bẩn là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất. Do mọi người không biết cách hoặc không nghĩ khi bơi, nước còn trong tai khiến tình trạng ẩm ướt trong ống tai có nguy cơ vi khuẩn, nấm xâm nhập; Một số người thì có thói quen lau tai tích cực, thường xuyên bằng tăm bông cũng dễ bị viêm ống tai ngoài. Vì đầu tăm bông cọ sát nhiều lần sẽ gây tổn hại lớp da ống tai, đồng thời đầy ráy tai và chất bẩn kẹt vào sâu bên trong ống tai. Sự tích tụ chất bẩn lâu ngày sẽ tạo điều kiện phát triển vi khuẩn và nấm. Chưa kể đến rất nhiều người thường có thói quen ra ngoài hiệu cắt tóc ven đường ngoáy tai bằng dụng cụ không được khử khuẩn, ngoáy tai bằng dụng cụ sắc nhọn gây trầy xước da ống tai... Ngoài ra, những người bị dị ứng các hoá chất kích thích tai như keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc...; Những người mắc bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, vẩy nến, chàm, dị ứng, viêm da tiết bã... cũng dễ gây viêm tai.

Cấu tạo của tai.

Cấu tạo của tai.

Nhận biết thế nào?

Tai ngoài có lớp tổ chức dưới da mỏng nhưng có hệ thống mạch máu và thần kinh phong phú nên bệnh ở tai ngoài có thể biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau nên triệu chứng của bệnh cũng thay đổi nhiều.

Nhọt ống tai hay còn gọi là viêm tai ngoài khu trú do viêm nang lông ở da trên phần sụn của ống tai ngoài, tác nhân gây bệnh thường là vi khuẩn tụ cầu vàng. Bệnh nhân có triệu chứng đau nhức trong tai, đau tăng lên khi ấn hoặc kéo vành tai, nhất là khi nhai, khi ngáp, có thể kèm theo sốt nhẹ. Bệnh này được điều trị bằng kháng sinh đường uống, thuốc giảm đau, chích rạch nhọt, làm thuốc tai với gạc tẩm dung dịch sát khuẩn sau chích rạch. Ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ ở giai đoạn viêm tấy, bệnh nhân có thể dùng khăn nóng chườm tại vùng tai 2-3 lần mỗi ngày để giúp tăng tuần hoàn máu làm giảm viêm sưng.

Viêm tai ngoài lan tỏa: nguyên nhân là do vi khuẩn, nấm, virut, tuy nhiên, thường gặp nhất là viêm tai ngoài do vi khuẩn Pseudomonas, vi khuẩn trú ở ống tai... Khi mắc, bệnh nhân thường ngứa nhiều ở ống tai và hay ngoáy tai. Động tác này chẳng những không làm bớt ngứa mà lại biến cảm giác ngứa thành cảm giác nóng và rát. Khám tai thấy da ống tai đỏ. Trong trường hợp viêm ống tai do nấm, chúng ta thấy ở thành ống tai có những vết màu đen (aspergillus niger) hoặc màu vàng (aspcrgillus flavux) hoặc màu xanh (aspergillus fumigatus). Ở giai đoạn sau, bệnh nhân kêu đau nhiều trong tai, há mồm cũng đau, nhai cũng đau, đau lan ra nửa bên đầu. Soi tai thấy da ống tai dày, đỏ, có rỉ nước. Lông ống tai rất hẹp, có khi không cho được ống soi tai vào. Chất rỉ lúc đầu trong (thanh dịch), về sau trở nên đục, có mủ lẫn biểu bì nát rữa màu trắng. Khi kéo vành tai hoặc ấn tai, bệnh nhân kêu đau như trong nhọt ống tai. Giai đoạn này thường kéo dài vài tuần rồi khỏi hoặc chuyển sang giai đoạn thứ ba, khi đó, bệnh nhân có các triệu chứng đau tăng nhiều khiến cho bệnh nhân ăn, uống, ngủ kém, sụt cân. Da ống tai trở nên dày cứng và bịt kín lỗ tai. Sức nghe bị giảm do ống tai bị hẹp do phù nề hoặc bị ứ đọng chất nhầy mủ.

Nếu trường hợp viêm tai ngoài do virut herpes zoster còn gọi là zona tai, gây đau rát dữ dội kèm nổi những mụn nước (dạng bỏng) trong ống tai, vành tai, vùng trước và sau tai. Thể nặng, bệnh nhân có thể bị liệt mặt, nghe kém tiếp nhận cùng bên và rối loạn thăng bằng. Điều trị sớm bằng thuốc kháng virut (acyclovir) có thể làm giảm diễn tiến nặng của bệnh, giảm khả năng bị liệt mặt và điếc vĩnh viễn.

Viêm tai ngoài ác tính: là tình trạng viêm hoại tử nặng lan rộng từ ngoài vào trong gây viêm tế bào, viêm xương và có thể làm liệt các dây thần kinh sọ, thậm chí có thể gây tử vong khi quá trình viêm lan tới lớp màng trong của não. Có rất nhiều người thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ này, đặc biệt là những người bị đái tháo đường, nhiễm HIV hoặc người già suy nhược... Tác nhân gây bệnh sẽ len lỏi vào cơ thể từ vết rách da ở ống tai ngoài, thậm chí chỉ là những vết thương do rửa tai, ngoáy tai...

Thường thì người bị viêm tai ác tính rất chủ quan, không hề biết bản thân mình đang phải đối mặt với nguy hiểm. Các di chứng thần kinh bao giờ cũng quá nặng nề đối với bệnh nhân bị viêm tai ác tính và thường thì không thể phục hồi. Ở trường hợp điều trị muộn, kháng sinh chỉ ngăn không cho quá trình viêm tiếp tục lan tới các dây thần kinh sọ chưa bị tổn thương, còn dây VII (hoặc các dây thần kinh hỗn hợp khác) khi đã bị liệt rồi thì khó có thể hồi phục được. Liệt dây thần kinh VII sẽ làm mặt biến dạng và tàn phế nặng, ảnh hưởng đến phát âm, ăn uống, nhất là rối loạn khép mi mắt (có nguy cơ cao bị loét giác mạc). Liệt các dây thần kinh hỗn hợp gây ra các di chứng nặng ở người cao tuổi, nhất là trường hợp liệt một bên cơ khít hầu, bệnh nhân không nuốt được, thường phải đặt ống dẫn thông dạ dày.

Việc phòng bệnh rất cần thiết với những người có ráy tai dẻo, đặc; ống tai nhỏ hẹp; sức đề kháng giảm; nhiều mồ hôi; hoạt động dưới nước nhiều... Ðặc biệt, người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch. Các biện pháp phòng bệnh gồm: sau khi tắm hay bơi lội dưới nước, nên dùng máy sấy tóc thổi khô nước ở trong ống tai; nhỏ thuốc sát khuẩn vào tai; tránh dùng tăm bông ngoáy tai gây trầy xước ống tai; khi cần, nên nhờ bác sĩ rửa ống tai và giúp lấy ráy tai. Không bơi ở ao, hồ bị ô nhiễm. Khi có biểu hiện nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để được khám và điều trị. Tuyệt đối không tự ý cho thuốc bột vào ống tai... Những người đang bị viêm tai ngoài cấp tính nên tránh bơi lội hoặc hoạt động dưới nước cho đến khi điều trị khỏi.

BS. Lê Thị Hoa

 


Ý kiến của bạn