Hà Nội

Ðể Hội An mãi quyến rũ

16-03-2013 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Thâm trầm mà quyến rũ, cổ kính mà nên thơ, bình dị mà chân thật, độc đáo và đặc sắc với những nét văn hóa làm say đắm lòng người… - đó chưa phải là tất cả những gì khiến giới du khách không ngần ngại bỏ lá phiếu bầu chọn để Hội An trở thành thành phố được yêu thích nhất thế giới!

Thâm trầm mà quyến rũ, cổ kính mà nên thơ, bình dị mà chân thật, độc đáo và đặc sắc với những nét văn hóa làm say đắm lòng người… - đó chưa phải là tất cả những gì khiến giới du khách không ngần ngại bỏ lá phiếu bầu chọn để Hội An trở thành thành phố được yêu thích nhất thế giới!

Điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới

Là một đô thị cổ nhỏ bé nằm bên bờ sông Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam, Hội An từ lâu đã được cả thế giới biết đến như một thương trường quốc tế nổi tiếng với nhiều tên gọi khác nhau: Lâm Ấp, Faifoo, Hoài Phố, Hội An. Vào thế kỷ 16-17, nhờ có đặc điểm địa lý thuận lợi mà thương cảng Hội An trở nên thịnh vượng, là điểm dừng chân của các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Italia…, là trung tâm buôn bán lớn của khu vực Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng viễn Ðông. Cuối thế kỷ 19, do sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, “cảng thị thuyền buồm” Hội An suy thoái dần và mất hẳn. Tuy nhiên, nhờ thế mà Hội An tránh được sự biến dạng của một thành thị trung - cận đại dưới tác động của đô thị hóa hiện đại để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ hết sức độc đáo. Đến đầu những năm 80 thế kỷ XX, Hội An được phát hiện như là một trong những đô thị cổ quý báu còn lại của thế giới và bắt đầu thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngày 4/12/1999, đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Đó cũng là dấu mốc để Hội An chuyển mình, trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới

Từ đó đến nay, Hội An luôn phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh trong “ngành công nghiệp không khói” của Việt Nam. Với những sáng kiến độc đáo như phố cổ không đi xe máy; phố cổ không dùng điện trong những giờ quy định; phủ sóng wifi phố cổ… lại thêm việc thiết kế nhiều tour du lịch đặc sắc như Một ngày làm nông dân; khám phá Khu sinh quyển thế giới Cù lao Chàm; tham quan rừng dừa nước… cùng với phong cách phục vụ, hướng dẫn nhiệt tình đã khiến cho Hội An ngày càng thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài.

Với những nỗ lực ấy, Hội An ngày càng khẳng định được thương hiệu của điểm đến trong thị trường du lịch thế giới. Tháng 11/2012, Hội An được tạp chí du lịch nổi tiếng Conde Nast Traveler của Mỹ bình chọn là một trong 10 thành phố hấp dẫn nhất châu Á dựa trên các tiêu chí như môi trường xung quanh, sự thân thiện, văn hóa, dịch vụ nhà hàng... Theo đó, thủ đô Bangkok (Thái Lan) xếp ở vị trí đầu tiên với điểm trung bình 83, tiếp đến là Hồng Kông 80,7 điểm. Phố cổ Hội An đứng thứ 8 với điểm số là 76,4.

Ðể Hội An mãi quyến rũ 1
 Phố cổ Hội An. Ảnh: HH

Cuối tháng 2 vừa qua, Hội An lại một lần nữa vinh dự đón nhận danh hiệu và giấy chứng nhận Giải vàng Thành phố được yêu thích nhất trên thế giới do độc giả của tạp chí du lịch Wanderlust (Anh) bầu chọn. Trong lễ trao giải được tổ chức ở London, bà Lyn Hughes - Tổng Biên tập tạp chí Wanderlust cho biết: “Điều đáng ngạc nhiên là năm nay có tới 976 thành phố được bầu chọn, nhưng không nơi nào được đánh giá cao như Hội An của Việt Nam. Nó đã vượt qua cả các thành phố nổi tiếng nhất trên thế giới như Cusco của Pêru, Kyoto (Nhật Bản), Copenhagen (Đan Mạch), Venice (Italy), Siem Reap (Campuchia) và cả New York, San Francisco của nước Mỹ để giành được mức độ đánh giá sự hài lòng cao nhất: lên tới 97,18%”. Đây thực sự là niềm tự hào và vinh dự nhưng cũng là thách thức lớn đối với người dân Hội An khi phải tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để giữ vững danh hiệu Điểm đến được yêu thích nhất.

Hấp dẫn du khách bằng nét đẹp văn hóa

Không phải ngẫu nhiên Hội An được bầu chọn là thành phố hấp dẫn nhất thế giới. Để trở thành dấu son trên bản đồ du lịch không chỉ nhờ những ngôi nhà cổ bằng gỗ quý, chạm chổ hoa văn cầu kỳ hay phong cảnh hữu tình, bãi biển nên thơ. Nơi ấy còn có một bề dày văn hóa truyền thống với những nét đẹp trong nết ăn, nết ở bình dị, mộc mạc mà thật thà, thân thiện của người dân phố cổ.

Ðể Hội An mãi quyến rũ 2
 Du khách cùng chơi bài chòi trong ánh đèn lồng giữa lòng phố cổ. Ảnh: HH

Một điều dễ nhận ra là tuy sở hữu cùng lúc nhiều giá trị tổng hợp từ lịch sử, về biển, đảo và ẩm thực đường phố ngon thuộc hàng danh tiếng, nhưng người dân Hội An vẫn luôn tự hoàn thiện mình để làm hài lòng du khách. Hàng loạt quy định, quy ước trước đó chưa hề có và cũng không địa phương nào có như quy định trong giao tiếp với du khách, trong ứng xử với môi trường tự nhiên, xã hội; quy định về “lằn đai đỏ” trên đường phố; các quy chế quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích; quy chế buôn bán, kinh doanh hay các phong trào “không sử dụng túi ni lông”, “không khói thuốc lá”… đã được chính quyền đề ra và được người dân nghiêm túc thực hiện. Chính những điều đó đã tạo nên “những giá trị không trùng lặp” của Hội An so với những di sản văn hóa thế giới, những điểm đến du lịch khác.

Không quyến rũ du khách bằng cuộc sống xa hoa, công nghệ hiện đại, vẻ đẹp hoành tráng như những công trình cổ xưa khác, Hội An tự tạo ra vẻ đẹp riêng đằm thắm, mượt mà nhưng sâu lắng và đi vào lòng người bằng chính những truyền thống văn hóa độc đáo, lâu đời. Hội An níu chân du khách bằng ánh đèn lồng hư ảo, bằng những món đồ lưu niệm thủ công truyền thống được làm từ bàn tay khéo léo và đặc biệt, bằng những câu hò, điệu lý, tiếng đàn, nhịp phách gọi mời. Từ hơn 10 năm nay, Hội An đã xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn với các làn điệu dân ca, tuồng cổ, hòa tấu nhạc cụ cổ truyền… tại các gian nhà cổ. Ngôi nhà số 129 Trần Phú và 75 Nguyễn Thái Học là hai trong số các điểm biểu diễn nghệ thuật dân tộc của thành phố. Ở đấy, các nghệ sĩ của Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An đêm đêm hóa thân vào những vở diễn như Ngư ông và thiếu nữ, Thiếu nữ làng Chăm, Mạnh Lương bắt ngựa, hát lý và hòa tấu nhạc cổ truyền luyến láy nghĩa tình để làm say lòng du khách. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An cho biết, các tiết mục nghệ thuật đều được lựa chọn kỹ lưỡng, đặc sắc và tiêu biểu cho văn hóa Quảng Nam để xây dựng, dàn dựng thành những chương trình phục vụ khách du lịch. Chính vì thế mà những chương trình này đều đạt được hiệu quả cao, không ngừng kéo khách đến với phố mỗi ngày.

Tạo nên bản sắc đã khó, giữ gìn bản sắc còn khó hơn. Các danh hiệu và công nhận cũng vậy, nếu không biết cách giữ gìn, rồi sẽ có ngày bị tước đi. Hơn ai hết, người dân Hội An hiểu rõ điều này. Vì thế, họ vẫn đang hàng ngày, hàng giờ gìn giữ, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa. Cùng nhau truyền dạy những giọng hò, điệu lý; cùng nhau gìn giữ hồn cốt các lễ hội, các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; cùng nhau tạo dựng những nét đẹp văn hóa, lối sống riêng và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ - đó là cách để người dân phố Hội giữ vững thương hiệu Du lịch Hội An!

Nguyễn Hương


Ý kiến của bạn