Ðể cúm A/H1N1 không bùng phát

06-07-2013 07:16 | Y học 360
google news

Hiện nay, ở một vài địa phương có nguy cơ xuất hiện cúm A/H1N1. Cúm A/H1N1 là bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp và rất dễ bùng phát thành dịch.

Hiện nay, ở một vài địa phương có nguy cơ xuất hiện cúm A/H1N1. Cúm A/H1N1 là bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp và rất dễ bùng phát thành dịch. Là bệnh viêm hô hấp cấp tính, rất nguy hiểm khi có biến chứng. Tuy vậy, nếu tích cực và có biện pháp phòng bệnh đúng thì có thể ngăn chặn được chúng.

Cúm A/H1N1 lây nhiễm như thế nào?

Virut cúm thuộc họ Orthomyxoviridae, chi influenzae. Người ta dựa vào cấu trúc của nucleoprotein mà chia virut cúm thành 3 loại: A, B, C. Cúm A quan trọng nhất vì nó có khả năng gây bệnh cho người và động vật. Virut cúm A có khả năng đột biến mạnh, cho nên gây không ít khó khăn cho việc sản xuất vaccin để phòng bệnh do chúng gây ra. Người ta cũng có khả năng phân loại virut cúm A bằng cách xác định kháng nguyên glycoprotein trên bề mặt của virut (kháng nguyên bề mặt). Các kháng nguyên bề mặt có thể chia thành 2 nhóm chính là hemagglutinine (HA) và neuraminidas (NA). Có tất cả 14 HA được đánh số từ H1 đến H14 và có 9 NA được đánh số từ N1 đến N9. Virut cúm A có sự kết hợp giữa H1 và N1 để cho ra một nhóm phụ là cúm A/H1N1. Khác với các virut cúm theo mùa thông thường, cúm A/H1N1 cho thấy khả năng tấn công sâu vào các tế bào của tổ chức phổi, nơi nó gây ra chứng viêm phổi và thậm chí dẫn tới tử vong. Trái lại, virut cúm theo mùa thường chỉ tấn công các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp. Virut cúm A/H1N1 sao chép nhanh hơn nhiều trong hệ hô hấp so với virut cúm theo mùa và gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho phổi.

Ðể cúm A/H1N1 không bùng phát 1Đeo khẩu trang phòng ngừa cúm A/H1N1.

Người mang virut cúm A/H1N1 có khả năng truyền virut cho những người xung quanh trong thời gian từ 1 - 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, chợ, nơi công cộng. Tuy chưa có vaccin phòng bệnh đặc hiệu, nhưng những loại thuốc kháng virut đã được sử dụng là hàng rào bảo vệ hiệu quả và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, chúng ta không nên quá lo lắng nhưng không được chủ quan và phải tích cực phòng, chống.

Phát hiện bệnh cúm A/H1N1 dễ hay khó?

Không phải bây giờ mới có dịch cúm A/H1N1 mà đã có từ năm 1918 và gây chết hàng loạt người ở châu Âu. Người ta ước tính có khoảng 1/5 dân số thế giới bị lây nhiễm loại cúm có độc tính cao này. Tại Việt Nam, ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên xâm nhập Việt Nam từ ngày 31/5/2009. Đến ngày 30/7/2009 có gần 800 trường hợp mắc ở gần 30 tỉnh, thành phố trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhưng không có người tử vong. Cúm thông thường có thể gây tử vong cho người già và trẻ em, trong khi đó cúm A/H1N1 gây tử vong cho lứa tuổi từ 20 - 40, chiếm tỷ lệ cao nhất. Các triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 cũng tương tự như triệu chứng của cúm thông thường, sốt cao có lúc nhiệt độ cơ thể lên đến 39 - 40oC; đau đầu, đau mỏi cơ, ho khan, sổ mũi và đau họng. Một số trường hợp có kèm theo nôn hoặc buồn nôn nhưng những triệu chứng này không phải là những triệu chứng đặc hiệu cho cúm A/H1N1. Các triệu chứng của cúm A/H1N1 rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của cúm thông thường và cũng rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn hoặc do các loại virut khác. Trong trường hợp nặng sẽ khó thở dữ dội, suy hô hấp, nếu không cấp cứu kịp thời, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.

Cách phòng ngừa hiệu quả

Đối với người bị bệnh cúm A/H1N1, khi đã được cơ quan y tế xác nhận cần được cách ly để không tiếp xúc với người lành nhằm giữ một khoảng cách nhất định, tránh không cho virut lây lan. Ngay từ trong gia đình người bệnh, cả người bệnh và người lành cần đeo khẩu trang y tế để hạn chế bài xuất virut ra xung quanh từ người bệnh và hạn chế người nhiễm phải mầm bệnh. Với người bị bệnh, không đến chỗ đông người và không giao lưu rộng rãi với người lành. Cần vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ, đồ dùng của người bệnh như chăn màn, quần áo, điện thoại, giường, chiếu bằng các dung dịch sát khuẩn pha loãng (dung dịch cloramin B). Bất kỳ một người nào nếu thấy sốt cao, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đặc biệt trong gia đình có người bị bệnh cúm A/H1N1 hoặc đi về từ nơi có dịch cúm A/H1N1 nên nghỉ việc, đeo khẩu trang và cần đến cơ sở y tế để khám bệnh, không chủ quan với bệnh cúm.

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

 Virut cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 - 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang và có khả năng tồn tại trong chăn màn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt của người bệnh từ 8 - 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Vì vậy, bệnh cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người theo 2 hình thức, lây trực tiếp và lây gián tiếp. Lây trực tiếp là lây do người bệnh khi nói, ho bắn ra các giọt nước bọt nhỏ li ti trong đó có mang virut cúm A/H1N1. Khi người tiếp xúc (người nhà, người khám bệnh cho bệnh nhân, người chăm sóc người bệnh...) hít phải và mắc bệnh. Lây gián tiếp là lây rất đa dạng, ví dụ như người lành hít phải không khí mà trong đó có virut cúm A/H1N1 hoặc tay của người lành tiếp xúc với dụng cụ, đồ dùng của người bệnh rồi đưa lên miệng, lên mũi, qua đó người lành bị lây nhiễm virut cúm A/H1N1. Cúm A/H1N1 dễ lây lan nhất là trong vòng 5 ngày đầu của thời kỳ toàn phát của bệnh.



Ý kiến của bạn