Năm 2013 với sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), BV Mắt Trung ương đã tiến hành điều tra tình hình mù lòa trên 16 tỉnh, thành của Việt Nam. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ mù lòa là 3,1%. Theo đó, ước tính Việt Nam có gần 500.000 người ở độ tuổi 50 trở lên bị mù lòa cả hai mắt và khoảng 2 triệu người mù một mắt, chưa kể hàng năm số người mù mắc mới lên đến hàng trăm nghìn người và tỷ lệ mù tồn đọng mỗi năm lên tới 150.000 người... Nguyên nhân do đâu và có hướng nào để ngăn chặn tình trạng mù lòa trên, chúng tôi đã phỏng vấn PGS.TS. Trần An - Phó Giám đốc phụ trách BV Mắt Trung ương, thành viên BCĐ Quốc gia phòng chống mù lòa xung quanh vấn đề này.
PGS.TS. Trần An.
Thưa PGS.TS. Trần An, theo số liệu thống kê năm 2013 cho thấy, Việt Nam là nước có tỉ lệ mù lòa rất cao, theo ông nguyên nhân của tình trạng này do đâu?
PGS.TS. Trần An: Có 5 nguyên nhân chính gây nên mù lòa, đó là đục thủy tinh thể (66%), bệnh tăng nhãn áp (glaucoma - 6,5%), tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, nhược thị - chiếm 1,7%); bệnh do chuyển hóa (ĐTĐ). Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như bệnh mắt hột; bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non... Trong số các nguyên nhân vừa nêu trên thì bệnh đục thủy tinh thể chiếm tỷ lệ cao nhất (66%). Nguyên nhân thứ hai là bệnh tăng nhãn áp hay còn gọi là glaucoma. Đây là bệnh cấp tính, nguy hiểm, gây mất thị lực có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Theo các nghiên cứu mang tính dự báo trong khu vực và trên thế giới, số lượng người bệnh glaucoma sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới. Ước tính sẽ có 80 triệu người mắc bệnh glôcôm vào năm 2020, chiếm tỷ lệ 2,86% trên quần thể dân số trên 40 tuổi. Số người mù lòa cả hai mắt do glôcôm sẽ tăng từ 8,4 triệu năm 2010 lên 11,2 triệu người vào năm 2020. Điều đáng nói là bệnh nhân không thể tự nhận biết được bệnh, do vậy thường đến bệnh viện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, lúc này việc điều trị là rất khó khăn cho bác sĩ. Để chẩn đoán cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, với các thiết bị y tế hiện đại: bác sĩ sẽ xác định bệnh dựa trên đo nhãn áp (đo áp lực trong mắt), kiểm tra thị trường (vùng nhìn) và soi đáy mắt phát hiện tổn thương thị thần kinh....
Tiếp đến là tổn thương võng mạc - đây là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) dẫn đến giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn.
Ngoài ra, tật khúc xạ không phải là nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa, nhưng hiện với tỉ lệ trẻ mắc tật khúc xạ khá cao ngày nay, nếu các bậc cha mẹ không phát hiện sớm và đưa con đi điều trị đúng cách thì cũng dẫn tới tình trạng giảm thị lực nặng, thậm chí dẫn tới mù lòa cho trẻ.
Có thực tế là bệnh nhân thường tự ý mua thuốc về nhỏ mắt mỗi khi có các triệu chứng khó chịu ở mắt, theo ông đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn tới mù lòa không? Có cách nào để tầm soát tình trạng này?
PGS.TS. Trần An: Đúng là có hiện tượng này và nó rất phổ biến. Cũng có thể bệnh nhân đi khám bệnh, được bác sĩ kê đơn thuốc cho từ lần mắc bệnh trước, lần sau thấy triệu chứng như vậy thì tự ra hiệu thuốc mua về nhỏ. Thậm chí là có nhiều bệnh nhân dùng thuốc sai chỉ định, không đủ liều lượng hoặc quá liều. Việc dùng thuốc nhỏ mắt một cách bừa bãi này là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh tăng nhãn áp và dẫn tới mù lòa. Chúng ta hoàn toàn có thể tầm soát và phòng chống bệnh mù lòa. Với bệnh đục thủy tinh thể do tuổi già hoặc do bẩm sinh thì đều được điều trị bằng phương pháp mổ thay thủy tinh thể và bệnh nhân có thể nhìn thấy ánh sáng hoàn toàn bình thường. Nhìn chung, để phòng tránh mù lòa, bệnh nhân cần đi khám bệnh sớm ngay từ khi có các dấu hiệu sớm, tránh không tự ý mua thuốc về dùng. Với người lớn tuổi có nguy cơ bị đục thủy tinh thể thì nên mỗi 3 tháng 1 lần đi khám bệnh để được hương dẫn cách dùng thuốc nhằm làm chậm thời gian đục thủy tinh thể. Khi đã bị đục thủy tinh thể rồi thì cần được mổ sớm để tránh các biến chứng.
Là BV đầu ngành về nhãn khoa của cả nước, ông đánh giá thế nào về khó khăn cũng như thách thức trong công tác phòng chống mù lòa ở nước ta hiện nay?
PGS.TS. Trần An: Khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống mù lòa chủ yếu diễn ra tại các địa phương. Qua các cuộc đi công tác tới địa bàn, chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân bị mù lòa mà không biết rằng bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Nói như vậy không có nghĩa là trình độ của các bác sĩ tuyến dưới kém mà do người dân thiếu hiểu biết về bệnh, thiếu thông tin căn bản về bệnh mình mắc nên thường đến viện muộn hoặc không đến viện. Bởi, nhiều bệnh nhân cho rằng đến tuổi thì bị mù, có bệnh nhân thì do thiếu sự chăm sóc của gia đình, cũng có bệnh nhân do không có đủ khả năng tài chính để điều trị. Nhìn chung, khó khăn thách thức chính là do người dân thiếu thông tin cũng như hiểu biết các bệnh về mắt. Trong số những nguyên nhân gây mù hiện nay có tới trên 80% là có thể phòng và chữa được nhưng lại chưa có hiểu biết về bệnh nên dẫn đến tình trạng đáng tiếc. Cũng vì thiếu hiểu biết nên theo một điều tra mới đây cho thấy, hơn 30% người mù lòa không biết bệnh mình có thể chữa trị được và chữa ở đâu? Còn lại gần 1/3 số người mù không có tiền để chữa trị. Thiếu hiểu biết về nguyên nhân gây mù lòa cũng như thiếu quan tâm tới bệnh tật và cả yếu tố tài chính khiến họ không được tiếp cận với y tế để được tư vấn và điều trị đúng. Vì vậy, tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu biết về các nguyên nhân gây mù lòa và đến BV khám khi thấy các triệu chứng của bệnh là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp giảm tình trạng mù lòa như hiện nay.
Xin cảm ơn PGS.TS. Trần An!