Ðể con không nhiễm HIV...

14-06-2012 15:46 | Y học 360
google news

Có thể nói trong những năm qua, Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã cứu sống được nhiều trẻ thoát khỏi HIV. Vì vậy, điều quan trọng là phụ nữ mang thai, đặc biệt là phụ nữ mang thai có nguy cơ bị lây nhiễm HIV cần chủ động đến với các dịch vụ dự phòng này...

(SKDS) – Có thể nói trong những năm qua, Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã cứu sống được nhiều trẻ thoát khỏi HIV. Vì vậy, điều quan trọng là phụ nữ mang thai, đặc biệt là phụ nữ mang thai có nguy cơ bị lây nhiễm HIV cần chủ động đến với các dịch vụ dự phòng này...

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2012 được triển khai từ ngày 1/6 - 30/6 trên toàn quốc, tập trung vào các hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ như: cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện bao gồm tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai đặc biệt tập trung vào phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV; Chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV và con; Cung cấp sữa cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV đến ít nhất 6 tháng tuổi; Giới thiệu chuyển tiếp những phụ nữ và trẻ em thuộc các nhóm trên tới các dịch vụ phù hợp về dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ liên quan đến HIV/AIDS...

Là người may mắn...

Phát biểu tại buổi Lễ phát động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2012 trên toàn quốc tại thành phố Thanh Hóa, chị Nguyễn Minh Len (thành phố Thanh Hóa) xúc động chia sẻ, chị sinh ra và lớn lên tại quê hương năm tấn Thái Bình và về làm dâu tại mảnh đất xứ Thanh thân yêu này vào năm 2005. Nhưng một điều không may mắn khi mang thai đứa con đầu lòng đến tháng thứ 6, trong một lần đi khám thai định kỳ và làm xét nghiệm chị mới biết mình nhiễm HIV. Lúc đó chị thực sự hoảng hốt, lo sợ. Lo sợ người thân trong gia đình, làng xóm ruồng bỏ, xa lánh và điều khiến cho chị càng hoang mang hơn là số phận đứa con vô tội của mình đang nằm trong bụng liệu có mắc phải căn bệnh giống bố mẹ nó?...

Thế rồi gạt nước mắt buồn tủi, nghĩ đến đứa con cứ lớn dần lên trong cơ thể mình, chị đã quyết định đến phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện. Ở đây, chị đã được cán bộ y tế đón tiếp ân cần, động viên, tư vấn và sau đó được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng virut. Chị thấp thỏm, mong chờ và hy vọng đến ngày sinh nở. Và niềm hy vọng của chị đã trở thành sự thật, chị sinh được một bé trai. Một tháng sau làm xét nghiệm, kết quả âm tính khiến chị vui mừng đến trào nước mắt. Tiếp tục những lần sau đó làm các xét nghiệm khẳng định bé vẫn âm tính với HIV. Hiện cháu đã đến tuổi đi học và được đến trường như bao bạn khác...

Chị Len là một trong số những phụ nữ nhiễm HIV được tiếp cận với Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, may mắn sinh ra đứa con không bị nhiễm HIV. Từ thực tế bản thân, chị nhắn gửi tới những người có nguy cơ lây nhiễm HIV đã, đang và sắp làm mẹ hãy tự tin vì đứa con thân yêu của mình hãy đến với các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm kịp thời để được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ điều trị, đặc biệt là được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

 Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị lây nhiễm HIV cần xác định sớm tình trạng nhiễm HIV để được điều trị dự phòng thích hợp. Ảnh minh họa (Google)

Và hiệu quả của Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

BS. Cao Thị Kim Thoa - Phó phòng Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS- Cục Phòng, Chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho biết, HIV được truyền từ mẹ sang con trong cả ba giai đoạn:  thời kỳ mang thai (trước sinh), trong khi chuyển dạ đẻ (trong sinh) và trong khi cho con bú (sau sinh). Nguyên nhân là do HIV có trong máu của mẹ truyền sang con qua rau thai trong quá trình người mẹ mang thai, do sự tiếp xúc trực tiếp giữa da và niêm mạc của bé với máu và chất tiết đường âm đạo của mẹ khi sinh và do HIV có trong sữa mẹ có thể truyền cho con khi con bú. Nếu như không có sự can thiệp nào thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể lên tới 35- 40%, nhưng nguy cơ này có thể giảm xuống dưới 5% nếu người mẹ được dự phòng kịp thời và đầy đủ.

Một con số ước tính về hiệu quả của Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho thấy, nếu lấy theo kết quả giám sát trọng điểm năm 2010 tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,26%. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 2 triệu phụ nữ mang thai thì với tỷ lệ này sẽ có khoảng 5.200 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trung bình 35% thì mỗi năm có  1.820 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Nếu người mẹ được can thiệp lúc chuyển dạ (uống NVP liều đơn) thì chỉ có khoảng 615 trẻ bị nhiễm HIV (khoảng 11,8%).
 
Nếu người mẹ được dùng AZT từ tuần thai thứ 14 phối hợp với  NVP lúc chuyển dạ và không cho trẻ bú mẹ thì chỉ có khoảng 260 trẻ bị nhiễm HIV (khoảng dưới 5%). Trường hợp dùng phác đồ 3 thuốc ARV từ tuần thai thứ 14, áp dụng các biện pháp can thiệp sản khoa an toàn và trẻ không bú sữa mẹ thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống dưới 2%, nghĩa là chỉ còn 104 trẻ bị nhiễm HIV. Như vậy, sẽ cứu được  1.716 trẻ không bị nhiễm HIV. Vì vậy, theo BS. Thoa, phụ nữ mang thai cần được xác định sớm tình trạng nhiễm HIV để được điều trị hoặc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con kịp thời.   

Thu Hương


Ý kiến của bạn