Ðể có đôi mắt “ướt”

20-03-2017 14:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Mắt luôn được làm ướt bởi nước mắt. Nhờ vậy mà giác mạc luôn trong, bóng. Nước mắt giúp loại trừ các tác nhân có thể đe dọa đến con mắt như vi khuẩn, bụi…, làm sạch bề mặt nhãn cầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được con mắt “ướt” như vậy. Khi đó, họ có thể bị bệnh khô mắt.

Vì sao mắt lại khô?

Bình thường, nước mắt được tuyến lệ tiết ra, bao phủ bề mặt nhãn cầu. Khô mắt có thể xảy ra khi có một trong hai nguyên nhân sau:

Giảm bài tiết nước mắt: lượng nước mắt do các tuyến lệ bài tiết ra bị suy giảm về số lượng hoặc chất lượng như trong các giai đoạn sinh lý như tuổi già, phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh, một số bệnh lý như các bệnh lý tại tuyến lệ, bệnh toàn thân viêm khớp dạng thấp, Sjogren…

Do lượng nước mắt bị tăng bốc hơi: ví dụ do rối loạn các tuyến bài tiết chất nhầy, các tổn thương làm cho mắt nhắm không kín, ít chớp mắt. Người làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao, nhiều gió, ánh sáng thì nguy cơ nước mắt bị bốc hơi cũng nhiều hơn.

Khô mắt là tình trạng bệnh lý của phim nước mắt và bề mặt nhãn cầu do nhiều nguyên nhân gây ra.

Khô mắt, nói một cách đơn giản, nghĩa là tình trạng thiếu hụt nước mắt, làm cho mắt không còn ướt nữa, mắt bị khô. Theo thuật ngữ chuyên môn thì khô mắt là tình trạng bệnh lý của phim nước mắt và bề mặt nhãn cầu do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, dẫn đến các triệu chứng khó chịu tại mắt, gây giảm thị lực và tổn hại bề mặt của nhãn cầu. Phim nước mắt là một màng mỏng, dày khoảng vài micron, luôn bao phủ và bôi trơn bề mặt nhãn cầu. Phim nước mắt bao gồm 3 lớp: lớp ngoài cùng là lớp dầu có chức năng ngăn ngừa sự bốc hơi của nước mắt; lớp giữa là lớp nước trong suốt đảm bảo cung cấp oxy cho biểu mô giác mạc, có tính sát trùng làm cho giác mạc trơn nhẵn, rửa trôi bụi bẩn. Lớp trong cùng là lớp nhầy, có chức năng giữ độ ẩm cho giác mạc. Chỉ cần một trong ba thành phần trên của phim nước mắt có thương tổn lập tức sẽ dẫn đến hiện tượng khô mắt.

Bệnh hay gặp nhưng dễ bị bỏ qua

Khô mắt có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, người ta nhận thấy, tỷ lệ khô mắt cao hơn ở người già, sau tuổi mãn kinh, khô mắt còn gặp ở những người phải dùng thuốc nhỏ mắt kéo dài để điều trị các bệnh mắt mạn tính, người đeo kính áp tròng, người làm việc nhiều với máy tính… Đây là bệnh thường gặp nhất nhưng lại dễ bị bỏ qua vì mọi người thường chủ quan vì triệu chứng ban đầu thường rất nhẹ như: rát, cộm, mắt hơi đỏ. Các triệu chứng này xuất hiện từng lúc, không liên tục. Nếu không được điều trị, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nặng hơn, làm giảm thị lực và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Bệnh nhân sẽ khó chịu, cảm thấy chói, cộm, sợ ánh sáng, không mở được mắt. Nặng hơn, khô mắt sẽ làm giảm thị lực, có thể có các biến chứng như viêm loét giác mạc, nguy cơ dẫn đến mù loà.

Chớp mắt - giải pháp đơn giản mà hiệu quả

Có nhiều giải pháp để điều trị khô mắt bao gồm: Sử dụng các dung dịch làm bôi trơn mắt (nước mắt nhân tạo) để bồi phụ lượng nước mắt thiếu hụt; Tăng cường bài tiết nước mắt: bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc như các vitamin, viên omega-3, ăn các loại thức ăn giàu vitamin như các loại rau, trái cây; Hạn chế lượng nước mắt thoát đi bằng cách điều trị các bệnh lý hở mi, tắc lỗ lệ.

Cải thiện môi trường sống và làm việc cũng là một yếu tố quan trọng để làm hạn chế lượng nước mắt bốc hơi. Những người làm việc thường xuyên ở môi trường khô, có gió sẽ có nguy cơ bốc hơi nước mắt nhiều. Do vậy, cần làm tăng độ ẩm ở nơi làm việc, tăng chớp mắt để nước mắt dàn đều trên giác mạc và kết mạc. Đặc biệt với người làm máy tính, do ảnh hưởng của ánh sáng màn hình, người làm việc với máy tính thường hết sức tập trung (nhất là khi chơi game) nên tần suất chớp mắt giảm đi. Vì vậy, với những người này, chỉ đơn giản là chú ý chớp mắt nhiều hơn cũng sẽ làm giảm nguy cơ bị bệnh.

Nếu như bạn có các triệu chứng khô, rát mắt, mỏi mắt, thậm chí chảy nước mắt, nhất là khi làm việc với máy tính thì rất có thể bạn đã bị khô mắt. Bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt, các bác sĩ sẽ có những hướng dẫn cụ thể để điều trị bệnh. Song, hơn hết, mỗi người chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ để đôi mắt luôn sáng, khỏe mạnh và không mắc bệnh khô mắt. Điều quan trọng hãy luôn nhớ và thực hiện thường xuyên - đó là: Đừng quên chớp mắt!

TS.BS. Phạm Ngọc Đông
Ý kiến của bạn