(SKDS) - Hơn lúc nào hết, câu hỏi ăn gì, mua ở đâu cho an toàn thật sự đang là mối quan tâm chung của nhiều người tiêu dùng. Ðể giải đáp mối quan tâm này của người dân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm “Ðể có bữa ăn an toàn cho mọi nhà” với sự tham gia của các khách mời ở các Bộ, ngành chức năng có liên quan.
Thực phẩm nếu mất an toàn, tồn dư các vi sinh vật có thể gây ngộ độc gây cấp tính như tả, lỵ thương hàn…, còn với những loại thực phẩm có tồn dư dư lượng chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng… thì thông thường tồn dư ở mức phần triệu, phần tỷ cũng có thể gây bệnh mạn tính hay ung thư.
Người tiêu dùng nên mua thực phẩm, nông sản của những cơ sở đã được chứng nhận. Ảnh: TL |
Tuy nhiên, hiện tại trong ngành nông nghiệp, bên cạnh sản xuất hữu cơ (không sử dụng hóa chất), thì người nông dân vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất trong canh tác nông nghiệp để tăng năng suất.
Nếu sử dụng đúng liều, loại, đúng cách thì thực phẩm vẫn đảm bảo an toàn. Để tránh hiểu lầm về thông tin thực phẩm tồn dư hóa chất có thể gây bệnh mạn tính, ung thư thì trên thực tế những hóa chất được phép sử dụng trong ngành nông nghiệp mà chúng ta cho phép sử dụng đều thuộc Danh mục cho phép của Ủy ban CODEX quốc tế.
Để hỗ trợ cho việc sản xuất rau sạch, chăn nuôi an toàn, đầu năm 2012, Chính phủ ban hành chính sách về một số cơ chế hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn như hỗ trợ cho điều tra cơ bản khảo sát địa hình, hạ tầng cơ sở, đào tạo tập huấn cán bộ quản lý kỹ thuật… Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản khuyến khích cơ sở nông nghiệp canh tác sạch, đảm bảo ATTP và trong thời gian tới, các mô hình cơ sở sản xuất thực phẩm sạch sẽ tiếp tục được nhân rộng.
Về nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong việc quản lý ATVSTP, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng đảm bảo ATVSTP phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ. Ông Phong cũng khuyến cáo người tiêu dùng cố gắng mua thực phẩm, sản phẩm nông sản của những cơ sở đã được chứng nhận. Còn nếu không có điều kiện, phải sử dụng sản phẩm ở chợ cóc, chợ lẻ thì phải ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ quả… vì tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật có thể xử lý bằng rửa trôi và thực hiện tốt ăn chín uống sôi có thể phòng ngộ độc.
Tại cuộc tọa đàm, các khách mời đều cho rằng, việc truyền thông giữ gìn ATVSTP là vấn đề quan trọng để mỗi người nội trợ trở thành người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh việc bảo vệ người tiêu dùng thì các cơ quan báo chí cũng phải bảo vệ cả hoạt động sản xuất kinh doanh chân chính, trong những trường hợp như vậy cần phối hợp ngay với cơ quan chuyên môn để có thông tin khách quan, khoa học.
Thanh Hồng