Ðể câu hò xứ Nghệ mãi ngân xa...

15-05-2012 11:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

Từ lâu, dân ca hò ví dặm xứ Nghệ đã đi vào tâm hồn, trí tuệ và trở thành cốt cách của người dân Nghệ An, Hà Tĩnh, là điểm nhấn văn hóa đặc sắc của vùng đất này.

Từ lâu, dân ca hò ví dặm xứ Nghệ đã đi vào tâm hồn, trí tuệ và trở thành cốt cách của người dân Nghệ An, Hà Tĩnh, là điểm nhấn văn hóa đặc sắc của vùng đất này. Nhằm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang phối hợp xúc tiến lập hồ sơ trình UNESCO công nhận dân ca xứ Nghệ là Di sản phi vật thể nhân loại.

Nỗ lực bảo tồn di sản quý

Dân ca xứ Nghệ với các điệu ví phường vải, ví đò đưa, ví phường cấy, ví trèo non, ví phường chè, ví đồng ruộng… được ra đời từ trong lao động, sản sinh trong lòng quần chúng và được quần chúng nuôi dưỡng từ ngàn năm nay. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời cuộc, cùng với tính đặc sắc về nội dung trữ tình và làn điệu, dân ca xứ Nghệ đã trở thành một di sản tinh thần vô giá, kết tinh trí tuệ, tình yêu và tài hoa của bao thế hệ các dân tộc anh em trên quê hương Nghệ An – Hà Tĩnh.

Trong nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm khôi phục lại sức sống cho các làn điệu dân ca như tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm với chủ đề “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, hò, ví, dặm xứ Nghệ”, tổ chức các hội diễn, liên hoan Câu lạc bộ đàn và hát dân ca trên phạm vi 2 tỉnh. Hiện, Nghệ An đang khởi động và chuẩn bị tổ chức Festival dân ca ví - dặm xứ Nghệ lần thứ nhất vào tháng 6/2012.

 Nghệ An đang nỗ lực bảo tồn dân ca ví dặm.

Trước đó, từ năm 1998, hát dân ca đã được đưa vào các trường học tỉnh Nghệ An, đạt kết quả tốt. Năm 2000, Trung tâm Bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả với hạt nhân là Nhà hát dân ca và các CLB dân ca ở các xã, huyện. Cho đến nay, Nghệ An đã thành lập được 52 CLB đàn và hát dân ca với khoảng 2.000 thành viên đang duy trì sinh hoạt.

Khó khăn và thách thức không nhỏ

Mục tiêu đã được đặt ra trước mắt, tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, khi mà cuộc sống hiện đại đang lấn át mạnh mẽ các giá trị truyền thống, di sản dân ca xứ Nghệ đang ngày càng vắng bóng trong đời sống cộng đồng thì việc bảo tồn, phát huy di sản này ngày càng trở nên khó khăn với không ít thách thức.

Mặc dù đã thành lập được hơn 50 CLB dân ca nhưng trên thực tế chỉ có khoảng 25 CLB có hoạt động thường xuyên. Nguyên nhân của sự “chết chìm” này là thiếu kinh phí, thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương.
 
Ngay như CLB Hồng Sơn (huyện Quỳnh Lưu) dù đã hoạt động thường xuyên hơn 10 năm và được đánh giá là hiệu quả nhất, nhưng hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi CLB không thuộc xã nào quản lý nên không được hỗ trợ về kinh phí và địa điểm diễn tập. Để được hát, để được sống với dân ca, những nghệ sĩ “chân lấm tay bùn” hàng năm vẫn phải tự đóng kinh phí mua sắm nhạc cụ, trang phục.
 
Một vấn đề quan trọng trong bảo tồn dân ca ví, dặm xứ Nghệ là việc tái hiện, phục dựng môi trường, không gian diễn xướng. Theo NSƯT Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ thì môi trường diễn xướng nguyên bản của dân ca xứ Nghệ không còn nữa và làm thế nào để phục hồi nó là một câu hỏi rất khó.
 
Ngày xưa, hát phường vải thì có phường vải, hò chèo thuyền thì có chèo thuyền… còn ngày nay chỉ có thể mô phỏng, sân khấu hóa. Điều đó sẽ ít nhiều làm mất đi cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật dân gian này. Bên cạnh đó còn nhiều tiêu chí khác nữa.
 
Lộ trình đưa dân ca xứ Nghệ trở thành di sản phi vật thể của nhân loại đang còn dài. Một di sản chỉ được UNESCO công nhận khi nó thực sự sống trong đời sống cộng đồng – đó chính là yêu cầu và thử thách lớn nhất. Yêu cầu và thử thách này đòi hỏi phải có sự chung tay, chung sức, chung lòng của các cấp các ngành cũng như cả cộng đồng.  
Bài và ảnh: Lan Anh

Ý kiến của bạn