Ê buốt răng: Dấu hiệu nhỏ cảnh báo nguy cơ lớn bạn không nên bỏ qua

14-05-2025 05:08 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Bạn đã bao giờ cảm thấy ê buốt răng khi cắn phải một miếng kem lạnh hay nhấp một ngụm cà phê nóng? Đâu là nguyên nhân dẫn đến ê buốt răng? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ vì sao răng lại ê buốt và các cách đơn giản nhưng hiệu quả để giảm đau tại nhà trước khi đến gặp nha sĩ.

Ê buốt răng là một trong những tình trạng răng miệng phổ biến. Trong cuộc sống hàng ngày rất nhiều người gặp phải tình trạng ê buốt răng. Răng ê buốt gây ra cảm giác khó chịu, đau nhói khi răng tiếp xúc với các yếu tố kích thích bao gồm:

  • Ăn nóng, lạnh, chua, ngọt
  • Ê buốt răng khi đánh răng, súc miệng.
  • Ê buốt răng khi nhai.

Ê buốt răng tuy không quá nghiêm trọng nhưng lại ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Tình trạng này khiến người bệnh e ngại trong ăn uống và sinh hoạt thường ngày.

ThS.BSCKII Nguyễn Văn Phương giải đáp về tình trạng ê buốt răng.

Ê buốt răng do đâu?

Câu hỏi mà nhiều người thường đặt ra là ê buốt răng do đâu? Ê buốt răng khi nhai là bệnh gì? Trên thực tế, ê buốt răng là biểu hiện cảnh báo rằng tổ chức răng của bạn đang gặp tổn thương. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến có thể gây ra hiện tượng này bao gồm:

Sâu răng. Vi khuẩn phá hủy men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng. Khi lỗ sâu chạm vào ngà răng hoặc gần tuỷ, răng sẽ trở nên nhạy cảm. Vì vậy răng dễ ê buốt khi có kích thích.

Mòn men răng. Do thói quen ăn uống nhiều đồ chua, đánh răng sai cách hoặc dùng bàn chải có lông quá cứng... Lúc này men răng bị bào mòn khiến lớp ngà bên dưới bị lộ ra, gây ê buốt.

Tụt lợi, tiêu cổ răng. Khi lợi bị tụt xuống sẽ để lộ phần chân răng vốn không có men bảo vệ. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng nhạy cảm, dễ ê buốt.

Vi chấn thương. Những va đập nhẹ lên răng do tai nạn, ăn nhai vật cứng hay nghiến răng khi ngủ... Đều có thể gây tổn thương men răng và dẫn đến ê buốt.

Sang chấn răng. Khi có những lực tác động mạnh, đột ngột lên răng khiến răng bị sang chấn. Ví dụ như khi cắn phải vật cứng, gãy răng, sứt mẻ răng cũng khiến răng trở nên nhạy cảm hơn.

Ê buốt răng: Dấu hiệu nhỏ cảnh báo nguy cơ lớn bạn không nên bỏ qua- Ảnh 1.

Ê buốt răng là một trong những tình trạng răng miệng phổ biến rất nhiều người gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.

Răng ê buốt khi nào nên đi khám nha sĩ?

Nhiều người có thói quen bỏ qua tình trạng ê buốt răng, cho rằng đó là hiện tượng bình thường và sẽ tự hết. Tuy nhiên, nếu ê buốt răng xảy ra thường xuyên và ê buốt răng kéo dài, bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan đến tủy răng, viêm quanh răng, hoặc các bệnh lý nha chu. Do vậy việc thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa răng hàm mặt sẽ giúp xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị phù hợp, kịp thời.

Cách giảm ê buốt răng tại nhà

Ê buốt răng phải làm sao? Trong trường hợp chưa thể đến nha khoa ngay, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tạm thời tại nhà để làm giảm cảm giác ê buốt:

Súc miệng bằng nước muối loãng giúp giảm ê buốt răng

Nước muối có tính kháng khuẩn tự nhiên, giúp làm dịu các mô nướu bị viêm, giảm ê buốt hiệu quả.

Ngậm nước muối ấm

Ngoài súc miệng, bạn có thể ngậm nước muối ấm khoảng 1-2 phút để giúp sát trùng và làm dịu cơn đau.

Ê buốt răng: Dấu hiệu nhỏ cảnh báo nguy cơ lớn bạn không nên bỏ qua- Ảnh 2.

Vệ sinh răng miệng đúng cách, súc miệng bằng nước muối ấm... là cách để giảm tình trạng ê buốt răng tại nhà.

Vệ sinh răng miệng đúng cách

Dùng bàn chải mềm, đánh răng nhẹ nhàng theo chiều dọc. Kết hợp với chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám, tránh gây tổn thương thêm cho răng và lợi

Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh

Việc ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh là yếu tố kích thích mạnh gây ê buốt răng. Do vậy bạn cần cần lưu ý khi ăn uống.

Sử dụng kem đánh răng chuyên dụng cho răng ê buốt

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại kem đánh răng chuyên biệt dành cho răng nhạy cảm. Các sản phẩm này chứa thành phần như potassium nitrate, strontium chloride... Những hoạt chất này giúp làm dịu các dây thần kinh trong răng, giúp giảm ê buốt hiệu quả. Bên cạnh đó việc sử dụng thường xuyên loại kem đánh răng phù hợp sẽ giúp bảo vệ men răng và cải thiện tình trạng ê buốt rõ rệt. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến nha sĩ để chọn sản phẩm phù hợp nhất với tình trạng răng miệng của mình.

Tuy nhiên, những cách trên chỉ là biện pháp hỗ trợ tạm thời. Về lâu dài, bạn cần đến nha sĩ để được tư vấn và điều trị dứt điểm.

Biện pháp khắc phục giảm ê buốt răng tại nhàBiện pháp khắc phục giảm ê buốt răng tại nhà

SKĐS - Răng nhạy cảm (ê buốt răng) là một trải nghiệm khó chịu. Người bị răng ê buốt rất nhạy cảm với thức ăn nóng, lạnh hay thậm chí là đồ ăn ngọt, cơn đau nhói có thể khiến việc ăn uống trở nên khó khăn.


ThS.BSCKII Nguyễn Văn Phương
Phó Trường khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn