Hà Nội

Ðể bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không trở nặng

04-02-2015 14:17 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là một bệnh lý ở đường hô hấp khá phổ biến tại nước ta hiện nay.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là một bệnh lý ở đường hô hấp khá phổ biến tại nước ta hiện nay. Những người mắc phải BPTNMT thường có tình trạng bệnh diễn tiến theo thời gian. Bệnh nhân thường có xu hướng trở bệnh nặng và dễ khởi phát các đợt cấp hơn khi thời tiết lạnh do sức đề kháng suy giảm.

Khí hậu lạnh và ẩm làm cho cơ thể rất dễ bị mất nhiệt. Khi trời quá lạnh, niêm mạc đường hô hấp trên không thể sưởi ấm đủ cho luồng không khí đi vào trong cơ thể như lúc bình thường. Hệ hô hấp từ mũi họng đến phế quản phổi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh trên một diện rất rộng gần 100m2 nên đường hô hấp là cơ quan đầu tiên trong cơ thể chịu ảnh hưởng của không khí lạnh.

Hình ảnh phổi ở người bình thường so với phổi của bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Các biện pháp dự phòng nhiễm khuẩn, nhiễm virut, chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý và tuân thủ điều trị đã được khuyến cáo đối với các bệnh nhân BPTNMT để ngăn ngừa bệnh tiến triển và các cơn cấp. Tuy nhiên vào mùa lạnh, bệnh nhân BPTNMT cần đặc biệt lưu ý hơn tới các khuyến nghị sau:

Điều trị triệt để các đợt nhiễm khuẩn đường hô hấp: BPTNMT thường gặp phải ở những người trên 40 tuổi. Khi thời tiết lạnh nguy cơ mắc nhiễm khuẩn đường hô hấp càng cao hơn, do vậy khi phát hiện có các nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp trên thì cần điều trị kịp thời để tránh lan xuống đường hô hấp dưới. Bệnh nhân cần tuân thủ đúng chế độ điều trị bệnh đang mắc; ở những bệnh nhân nằm lâu nên thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp việc vỗ rung lồng ngực.

Giữ ấm cổ ngực khi trời lạnh: Những người bình thường và bệnh nhân BPTNMT khi ra ngoài trời lạnh cần mặc ấm, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi không có việc thật cần thiết thì không nên ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn. Tránh luyện tập gắng sức khi trời lạnh, độ ẩm không khí cao, hoặc môi trường nhiều bụi. Hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ dẫn tới khởi phát đợt cấp.

Không được hút thuốc lá, thuốc lào và tránh hít phải khói thuốc thụ động: Bệnh nhân BPTNMT có sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp kém hơn so với người bình thường. Việc hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà dẫn tới dễ xuất hiện nhiễm khuẩn hô hấp. Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự. Vì vậy, những bệnh nhân BPTNMT không được hút thuốc để làm giảm tối đa tần suất các nhiễm khuẩn hô hấp, căn nguyên hàng đầu gây các đợt cấp của BPTNMT.

Tránh ô nhiễm không khí trong nhà: Cần tránh tiếp xúc với khói bụi từ việc đun nấu hoặc sưởi ấm bằng rơm rạ, củi, than. Nhiều bụi, dị nguyên trong môi trường sống trong nhà có thể khiến bệnh nặng hơn và còn là nguy cơ gây ra các đợt cấp BPTNMT.

Tránh ô nhiễm không khí ngoài trời và thay đổi thời tiết đột ngột: Không khí ô nhiễm chứa yếu tố làm cho BPTNMT nặng lên về lâu dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tiến triển, tăng nguy cơ tử vong ở những người nhạy cảm (đặc biệt những người bị suy hô hấp mạn tính nặng). Thay đổi thời tiết có thể làm thay đổi thành phần bụi, gia tăng các dị nguyên đường hô hấp. Thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng là những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện các đợt nhiễm khuẩn hô hấp.

Tránh tiếp xúc với khói bụi nghề nghiệp: Nếu có thể, bệnh nhân BPTNMT nên chuyển công tác sang những bộ phận khác có nồng độ khói, bụi thấp.

Chế độ dinh dưỡng: Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh.

Tập luyện vận động: Vận động chi dưới giúp cải thiện khả năng gắng sức nhưng không cải thiện chức năng hô hấp. Vận động chi trên mới cải thiện sức cơ, giảm nhu cầu thông khí nhờ tăng hoạt động cơ hô hấp phụ. Hai cách tập vận động: Tăng sức bền: đi bộ, thảm lăn, xe đạp, đi cầu thang...; Tăng sức cơ: giữ thăng bằng, kháng lực, nâng tạ...

Phục hồi chức năng hô hấp: Gồm các kỹ thuật giúp thông đờm làm sạch đường thở và kỹ thuật giúp bảo tồn, phục hồi và duy trì chức năng hô hấp.

Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp: Triệu chứng khởi phát đợt cấp bao gồm: sốt, ho khạc đờm nhiều hơn, khó thở nặng hơn ngày thường và các dấu hiệu triệu chứng khó chịu khác. Bệnh nhân cần được tư vấn cụ thể và có thái độ xử trí thích hợp. Cần liên lạc với bác sĩ điều trị để có ý kiến tư vấn phù hợp.

TS.BS. Vũ Văn Giáp (Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai)

 

 


Ý kiến của bạn