Hà Nội

Ðể bảo vật quốc gia thật sự là báu vật

11-01-2016 13:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định công nhận thêm 25 bảo vật quốc gia cho các hiện vật, nhóm hiện vật. Đây là đợt công nhận bảo vật quốc gia lần thứ tư. Có lẽ danh sách những hiện vật được công nhận là “bảo vật quốc gia” sẽ còn được bổ sung trong tương lai, nhưng ngay từ lúc này, sự lo ngại về cách ứng xử với bảo vật quốc gia đã bắt đầu xuất hiện.

Không thể phủ nhận, các di sản văn hóa trong đó không thể bỏ qua các bảo vật quốc gia, đã thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, nguồn lực từ người dân, cộng đồng cũng được huy động để bảo tồn, bảo vệ tốt các di tích, di sản, các bảo vật. Vì vậy, không chỉ góp phần giáo dục giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ở nhiều địa phương, các di sản văn hóa, các bảo vật quốc gia đã trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Trở lại vấn đề ứng xử với bảo vật quốc gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và cả người dân có lẽ chưa hết bức xúc với một số phương án bảo vệ di sản phản khoa học từng xảy ra ở một vài địa phương. Điển hình là "tai nạn" của năm 2014, bảo vật quốc gia chùa Đọi từng bị xâm phạm ngay trước lễ công nhận. Điều đáng nói là hiện tượng xâm phạm này diễn ra hết sức ngớ ngẩn và... háo hức! Người dân ở đây cho biết, để làm vệ sinh bia cho di sản, kịp đón danh hiệu bảo vật quốc gia, Ban quản lý huyện Duy Tiên đã thuê một tốp thợ xây, dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt... “kỳ cọ”, “đánh”, “mài”... một cách kỹ càng và “sạch sẽ”!

Trước những “tai nạn” để đời về việc ứng xử với bảo vật quốc gia, có lẽ các nhà quản lý đang dần rút kinh nghiệm.

Vậy là hành động tưởng chừng tôn trọng văn hóa lại trở thành phá hoại, phản văn hóa và hậu quả đã ở mức độ không thể phục hồi. Những nét rêu phong cổ kính ngàn năm chỉ trong chốc lát bị xóa sạch, để lại những vết thương tích nặng nề trên cổ vật quốc gia. Trán bia Long Đọi là nơi lưu giữ lối chữ phi bạch do chính Hoàng đế Lý Nhân Tông ngự bút, trải qua gần ngàn năm “trơ gan cùng tuế nguyệt” bị cào trầy xước phũ phàng. Không chỉ tấm bia bảo vật này, mà một số bia khác có niên đại khác nhau tại chùa Long Đọi Sơn cũng... chịu chung số phận.

Bảo vật quốc gia phải đảm bảo các tiêu chí: là hiện vật gốc độc bản; là hiện vật có hình thức độc đáo; là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu, hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên...

Một nhà nghiên cứu lịch sử cho biết, tấm bia này giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam, bởi lẽ đây là tấm bia quan phương của triều đình, tổng kết lại phần lớn công đức dựng chùa, lập pháp, tôn sùng đạo Phật, cũng như công nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đáng buồn! Sự can thiệp thiếu hiểu biết và ấu trĩ đã khiến tấm bia này không còn nguyên vẹn.

Trước những "tại nạn" để đời về việc ứng xử thô bạo với bảo vật quốc gia, có lẽ các nhà quản lý đang dần... rút kinh nghiệm. Hiện tượng "mạnh ai nấy làm", thậm chí "thích gì làm nấy" đã vô tình đẩy một số bảo vật quốc gia rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở như hiện nay. Chúng ta cần nhận thức rằng, việc bảo vệ, gìn giữ các di tích, di sản văn hóa là để bồi đắp, phát huy, phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chứ không phải là "cào cấu", "chà xát" di sản!

Để việc gìn giữ, bảo vệ báu vật quốc gia diễn ra đúng và chuẩn khoa học, việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc cần phải được tiến hành thường xuyên và sâu rộng đến các tầng lớp dân cư. Việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa là công việc có ý nghĩa quan trọng để hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, việc đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở cũng rất cấp thiết. Do gắn bó chặt chẽ với dân, nên chính họ là người có thể kịp thời phát hiện sớm nhất những sai phạm hay những biến động bất thường diễn ra trên địa bàn. Họ cũng là người có thể tham gia góp ý, phản biện các dự án bảo tồn văn hóa trên địa bàn một cách cụ thể và sát thực nhất.


Việt Sơn
Ý kiến của bạn