Duy trì tập luyện trong môi trường ô nhiễm

08-10-2019 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Tập thể dục (TTD) nhằm vận động thể lực nâng cao sức khỏe bằng môn thể thao yêu thích trong điều kiện môi trường, thời gian và thể lực phù hợp với cá nhân mình.

Nhưng làm thế nào để vẫn có thể TTD ngoài trời giúp nâng cao sức khỏe mà vẫn không hít phải các tác nhân độc hại từ môi trường đang bị ô nhiễm?

Lợi và hại của việc TTD ngoài trời

Hoạt động thể lực ngoài trời có rất nhiều lợi ích: hòa đồng với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, tập luyện cả về tinh thần lẫn thể chất, làm giảm stress, hấp thụ vitamin D tự nhiên giúp xương chắc khỏe, giảm béo phì…

Tuy nhiên hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở nước ta đang ở mức đáng lo ngại. Ô nhiễm từ khí thải công nghiệp, giao thông và sinh hoạt đã khiến cho chỉ số chất lượng không khí (AQI) khu vực ven đường và khu dân cư hầu hết chỉ đạt từ trung bình đến kém. Vậy mà tất cả các bài TTD đều luôn gắn liền với hoạt động hô hấp, đặc biệt là nhịp thở. Mức hoạt động thể lực càng cao, nhịp thở càng tăng để hấp thu không khí càng nhiều, cũng có nghĩa là khối lượng chất ô nhiễm hít vào phụ thuộc vào mức độ hoạt động thể lực, nhịp thở, kiểu thở và nồng độ chất ô nhiễm của môi trường xung quanh.
Hoạt động thể lực càng cao sẽ làm tăng nhịp thở và ta thường thay đổi kiểu thở từ mũi sang miệng, do đó, mũi không thể lọc chất ô nhiễm được nữa. Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới chứng minh rằng ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người lớn và trẻ em, chúng làm giảm chức năng phổi, gây viêm phế quản cấp và mạn, gia tăng các bệnh lý về hô hấp và tim mạch, tăng nguy cơ bị ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, đột quị và tăng huyết áp...
Cần lựa chọn nơi tập thể dục có không khí trong lành.
Giải pháp hạn chế độc hại do ô nhiễm

Chúng ta vẫn nên hoạt động thể thao để nâng cao sức khỏe nhưng có thể hạn chế các tác động xấu của môi trường bằng các cách sau:

Không tập luyện thể thao tại các nơi ô nhiễm không khí cao như ven đường giao thông nhộn nhịp trong thời gian cao điểm của khói bụi (8-18 giờ) và gần các khu sản xuất công nghiệp.

Nên luyện tập tại những nơi có nhiều cây xanh, sông, hồ nước trong sạch, thoáng khí như công viên hoặc khu dân cư yên tĩnh, môi trường trong lành.

Nên tránh TTD vào những giờ cao điểm giao thông và lắng nghe cơ thể khi có những triệu chứng ho, đau khi hít sâu, khó thở và mau mệt…, cần đi khám đồng thời giảm thời lượng và cường độ tập luyện, nghỉ ngơi và uống nước đầy đủ.

Nếu sống ở những nơi ô nhiễm cao hoặc không có điều kiện tập luyện ngoài trời thì có thể luyện tập trong nhà nhưng phải nhớ rằng trong nhà cũng có thể bị ô nshiễm, cần phải vệ sinh đồ dùng, máy điều hòa, hút bụi thảm, tiêu diệt nấm mốc, không có khói thuốc lá và khí gas…

An Ngọc Hoa


Ý kiến của bạn