1. Lợi ích của việc thực hiện ngủ đúng giờ mỗi tối
Theo TS. Rebecca Robbins, chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ tại Trường Y Harvard, Mỹ, thực hiện ngủ đúng giờ mỗi tối cũng như thời gian ngủ và thức phù hợp giúp nhịp sinh học bên trong cơ thể hoạt động hiệu quả hơn, giúp đi vào giấc ngủ nhanh hơn, ngủ sâu hơn.
Nhịp sinh học kiểm soát chu kỳ ngủ- thức, báo cho cơ thể biết khi nào là giờ thức dậy và khi nào là giờ đi ngủ.
Việc thực hiện ngủ đúng giờ mỗi tối còn có tác dụng phục hồi não bộ, bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe gan...
Ngoài ra, khi thời gian ngủ và thức không nhất quán, giấc ngủ bị gián đoạn, nhịp sinh học sẽ bị xáo trộn, khiến cơ thể khó nhận biết khi nào là lúc đi ngủ và thức dậy. Điều này khiến bạn khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, chất lượng giấc ngủ giảm, kéo theo đó là nhiều hệ lụy với sức khỏe khác.
Hơn nữa, một nghiên cứu tại Mỹ gần đây cho thấy chỉ ngủ sáu tiếng mỗi đêm theo một lịch trình nhất quán (ngủ đúng giờ mỗi tối và thức dậy đúng giờ) giảm nguy cơ tử vong sớm so với ngủ tám tiếng mỗi ngày theo lịch trình không đều đặn như ngủ trưa nhiều, giờ đi ngủ và thức dậy không nhất quán...
Đi ngủ đúng giờ vào buổi tối giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ tử vong sớm.
2. Làm thế nào để duy trì đúng giờ đi ngủ mỗi tối?
Mặc dù đi ngủ đúng giờ cũng như giữ một lịch trình ngủ nhất quán hàng ngày mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng điều này không dễ dàng thực hiện. Nguyên nhân do lịch ngủ có xu hướng thay đổi tùy theo nhu cầu xã hội, nhu cầu chăm sóc và được chăm sóc, gia đình hoặc nghề nghiệp.
Tuy nhiên, bạn có thể duy trì sự nhất quán nếu thực sự quyết tâm, bằng cách:
- Tìm thời gian đi ngủ hợp lý: Để có thể thực hiện đi ngủ đúng giờ và duy trì nhịp thức - ngủ đều đặn, bạn nên xem lịch trình hàng tuần của mình, tìm thời gian sớm nhất bạn thường phải thức dậy (chẳng hạn như thời gian họp bắt buộc hàng tuần) và đặt thời gian đó làm thời gian thức dậy mục tiêu của cả bảy ngày trong tuần. Sau đó, trừ đi tám giờ từ thời điểm thức dậy, bạn sẽ có thời gian đi ngủ mục tiêu.
Tuy nhiên, bạn đừng quên tính đến tối thiểu 15–20 phút để chìm vào giấc ngủ để sắp xếp thư giãn và nghỉ ngơi trước khi đi ngủ, chẳng hạn như tắt thiết bị điện tử và đọc sách.
Thời gian thức dậy buổi sáng trừ đi 8 sẽ cho bạn thời gian đi ngủ vào buổi tối phù hợp với kế hoạch và công việc.
- Tạo một môi trường giúp ngủ ngon: Phòng ngủ yên tĩnh, mát mẻ và tối có thể giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh và ngủ ngon hơn. Ngoài ra, nếu không gian làm việc của bạn nằm trong phòng ngủ, hãy cố gắng giảm thiểu mọi yếu tố gây căng thẳng thị giác. Ví dụ, bạn có thể cất máy tính xách tay khỏi tầm nhìn để ổn định việc đi ngủ đúng giờ.
- Về ăn uống: Để thực hiện đi ngủ đúng giờ, bạn nên kiểm soát bữa tối, không nên ăn quá no, ăn quá gần giờ đi ngủ để tránh gây rối loạn tiêu hóa, bụng ậm ạch khó đi vào giấc ngủ. Nên tránh các loại đồ uống ảnh hưởng đến giấc ngủ như caffeine và rượu...
- Tạo thói quen lành mạnh: Đọc sách, nghe nhạc nhẹ, giãn cơ hoặc tắm đều có thể giúp bạn thư giãn và là những thói quen lành mạnh giúp bạn đi ngủ đúng giờ vào buổi tối.
Bên cạnh đó, bạn nên tránh các hoạt động kích thích quá mức trước khi đi ngủ như tập thể dục nặng, xem tivi, nhìn vào màn hình điện thoại di động và thiết bị điện tử do ánh sáng nhân tạo từ màn hình có thể làm thay đổi thời gian ngủ, khiến bạn khó ngủ hơn.
Thư giãn trước khi ngủ giúp dễ đi vào giấc ngủ, ngủ ngon hơn.
- Hạn chế ngủ ngày: Thời gian ngủ ngắn vào ban ngày như giấc ngủ trưa có tác dụng tốt với não bộ và sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn ngủ ngày nhiều hay coi ngủ ngày như một biện pháp để ngủ bù cho ban đêm thì sẽ khiến giấc ngủ bị rối loạn, ảnh hưởng tiêu cực đến nhịp thức ngủ cũng như việc duy trì đi ngủ đúng giờ mỗi tối.
Mời bạn xem tiếp video:
Thực phẩm tốt cho tiêu hóa và giấc ngủ vào buổi tối | SKĐS