Hà Nội

Duy trì lối sống lành mạnh để ngừa ung thư 

08-03-2021 15:08 | Y học 360
google news

SKĐS - Lối sống của mỗi cá nhân có tác động rất lớn đến nguy cơ mắc ung thư, nhất là thực hiện lối sống lành mạnh có thể phòng ngừa được một số bệnh ung thư.

Nhìn vào những trường hợp ung thư khởi phát nhiều trong những năm gần đây, chúng ta điều nhận thấy chúng đều có liên quan đến chính việc ăn uống và thói quen sinh hoạt hàng ngày. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống, tập thể dục, thường xuyên căng thẳng hay các độc tố môi trường đều ảnh hưởng đến tất cả sự bắt đầu, sự tăng trưởng, và sự tiến triển của bệnh ung thư.

Trên quan điểm đó, có thể thấy rằng nếu 1 người có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu vận động, stress mạn tính, sống trong môi trường chứa các chất ô nhiễm có nguy cơ mắc ung thư cao hơn, trong khi một người khác có chế độ ăn uống phù hợp, năng hoạt động thể chất, sống lạc quan và thư thái sẽ giúp phòng chống bệnh ung thư.

Dưới đây là một số việc đơn giản trong lối sống giúp bạn phòng ngừa bệnh ung thư.

Năng vận động

Vận động tích cực không chỉ tốt cho tim và phổi, mà còn giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn việc tập luyện thể dục, thể thao có thể giảm nguy cơ ung thư như thế nào, nhưng họ thu được bằng chứng cho thấy, hoạt động thường xuyên có thể giúp duy trì nồng độ các hormon trong cơ thể ở mức lành mạnh, tránh cho cơ thể bị tích mỡ, béo phì. 20 phút tập thể dục mỗi ngày còn giúp tăng cường hệ miễn dịch và tiêu hóa.

Duy trì lối sống lành mạnh để ngừa ung thư Tăng cường hoạt động  thể chất giúp nâng cao  sức khỏe, ngừa ung thư.     Ảnh: Tuấn Anh

Xua tan stress

Căng thẳng mạn tính, kéo dài làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, dễ gây hiện tượng viêm nhiễm và là tiền đề cho bệnh ung thư tấn công. Những liệu pháp như yoga, thiền định, đi bộ đường dài chính là cách giúp quản lý căng thẳng. Mỗi người hãy tìm một môn thể thao giải tỏa căng thẳng mà cơ thể thấy thích thú để tập luyện là cách xua tan stress hiệu quả nhất.

Tránh xa nấm mốc

Độc tố aflatoxin được tìm thấy trong nấm mốc là một trong những chất gây ung thư được phát hiện. Nếu trong nhà có một đường ống nước bị vỡ hoặc tầng hầm, phòng tắm của gia đình bị ẩm ướt và có mùi ẩm mốc hãy tìm cách loại bỏ chúng. Sống chung trong không gian ẩm mốc tiềm tàng nguy cơ mắc bệnh nan y.

Giảm bớt thịt và bổ sung thực phẩm xanh trong bữa ăn

Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, chúng ta phải đặt ra mục tiêu ăn không quá 500 gam (trọng lượng đã nấu chín) thịt đỏ (ví dụ: thịt lợn, thịt bò và thịt cừu) mỗi tuần.  Tốt nhất không dùng các thực phẩm chế biến sẵn như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích bởi các thực phẩm này thường được cho thêm muối nitrat và nitrit, quá trình hun khói và sấy khô có thể sản sinh N-nitroso, một hợp chất gây ung thư.

Duy trì lối sống lành mạnh để ngừa ung thư Sinh hoạt, ăn uống lành mạnh có thể giúp bạn sống lâu, tránh xa bệnh tật.

Chế độ ăn thực vật bao gồm nhiều rau, trái cây, đậu, ngũ cốc bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi hư hại dẫn đến ung thư. Hơn nữa, rau xanh và trái cây chứa ít calo, giúp duy trì trọng lượng khỏe mạnh.

Giảm thực phẩm giàu năng lượng, đồ ăn nhanh

Ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng như khoai tây chiên, thức ăn nhanh, thức uống có ga, nước tăng lực... làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì dẫn đến ung thư. Nước ép trái cây đóng hộp cũng có rất nhiều đường, vì vậy tốt nhất không nên uống nhiều, nên thay thế bằng nước khoáng, trà, hoặc nước uống thảo dược.

Nên giảm muối

Ăn quá nhiều muối có thể có hại cho sức khỏe của chúng ta, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cũng như tăng huyết áp. Natri là thành phần chính của muối. Để tính ra lượng muối có trong thực phẩm, hãy nhân hàm lượng natri với 2,5. Chúng ta chỉ nên ăn dưới 5g muối mỗi ngày

Cách giảm muối là: Từ từ giảm lượng muối ăn vào, cuối cùng là giảm hoàn toàn lượng muối này. Bạn không cần thêm muối khi nấu ăn hoặc tại bàn ăn. Kiểm tra nhãn thực phẩm và chọn thực phẩm có hàm lượng natri thấp hơn. Cố gắng chế biến thực phẩm khi còn tươi, sử dụng gia vị và thảo mộc thay cho muối để tạo hương vị.

Hạn chế đồ uống có cồn

Đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư đầu và cổ, thực quản, đại trực tràng và ung thư vú. Loại đồ uống này sản sinh ra oxy phản ứng có thể làm tổn thương ADN, protein và lipid hoặc chất béo trong quá trình oxy hóa. Chất này cũng làm suy yếu khả năng phá vỡ và hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng liên quan đến nguy cơ ung thư. Bia, rượu cũng có thể chứa nhiều chất gây ung thư như nitrosamine, sợi amiang, phenol và hydrocarbon ảnh hưởng đến quá trình thụ thai và sinh sản.

Nói không với thuốc lá

Bỏ hút thuốc là điều quan trọng nhất mà một người có thể làm để giảm thiểu nguy cơ ung thư. Thuốc lá gây ra khoảng 90% của bệnh ung thư phổi và ung thư ở nhiều bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả vòm họng, thanh quản, thực quản, gan, dạ dày, tuyến tụy...




BS. Trần Đức
Ý kiến của bạn
Tags: