Đường về Pắc Bó

19-05-2012 17:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

Vượt cầu sông Bằng, đi khỏi thị xã khá xa, ôtô đưa chúng tôi rẽ về cánh đồng Cao Bình mông mênh phủ một màu xanh, điểm thêm những cây hoa rừng bóc mạ đỏ đẹp như tấm thổ cẩm.

(SKDS) - Vượt cầu sông Bằng, đi khỏi thị xã khá xa, ôtô đưa chúng tôi rẽ về cánh đồng Cao Bình mông mênh phủ một màu xanh, điểm thêm những cây hoa rừng bóc mạ đỏ đẹp như tấm thổ cẩm. Thị trấn Nước Hai sầm uất, vẫn còn dấu thành quách cách gần một trăm năm của thời Mạc Kính Cung đến Mạc Kính Vũ (1592 - 1688) khi nhà Mạc chạy về Cao Bằng.

Phố Sóc Giang, đồn điền biên giới ẩn hiện sau từng lược núi rừng sừng sững, một vị trí sung yếu bao thời “nơi quang bà bách nhị do thiên thiết” (chỗ sung yếu, hai người chống lại trăm, do trời đặt ra). Đường này là ngã ba Đông Chương, ngược lại là về bản Nà Toàn - quê hương của đồng chí Hoàng Đình Giong tức Vũ Đức, Chỉ huy trưởng Khu 9 Nam Bộ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Kia là lối đi các bản: Nà Mạ, Nà Kéo, Bản Hoong, Bản Hoàng... Đền thờ nhà Lê trước mặt ở dốc chùa Đống Lân, chỗ rừng cây cổ thụ ngả bóng mát suốt ngày. Sau đền vua Lê là khu Lam Sơn, Hào Lịch - nơi cơ sở cách mạng vững vàng trong những năm 30: Đến gần Bản Hoàng là đền thờ cha con Nùng Tôn Phúc, Nùng Trí Cao - anh hùng dân tộc có công đánh quân xâm lược Tống từ đầu thế kỷ thứ XI.

***

1. Dọc con sông Trừng, nước xanh trong, từ Pắc Bó chảy ra, giữa dãy Lục Khu, Mã Lịp, mộ Kim Đồng xây nên sườn vách núi Tẻo Lài, tựa lưng vào những tường đá xanh đen nhấp nhô như đàn trâu rừng phủ phục bên Anh. Con suối êm ả ngày đêm chảy qua trước mộ. Một cây cổ thụ ngả mình làm cầu đón khách đến thăm. Dòng chữ ghi đậm nét trên bia: Nhớ ơn liệt sĩ Nông Văn Dền tức “Kim Đồng” nhắc nhở chúng ta đến với người đội viên thiếu niên Cứu quốc dân tộc Tày do Bác Hồ đào tạo đã vì nước quên mình.
 Bác Hồ ở hang Pắc Bó - Chiến khu Việt Bắc.

Chào Kim Đồng! Chúng tôi đi tiếp con đường về Pắc Bó. Bản Nà Mạ - làm tiền trạm mở cửa đón khách mười phương trời đến thăm khu di tích cách mạng. Ngày trước mỗi khi giặc Pháp, giặc Nhật lùng sục qua làng, nhân dân vùng này đưa khăn mặt treo ngoài sàn làm mật hiệu cho “đài quan sát” trên đỉnh núi Mác biết để báo tin cho “đại bản doanh” Pắc Bó!

Chúng tôi ghé thăm nhà mẹ Kim Đồng. Bà mẹ anh hùng đã hiến dâng Kim Đồng cho Tổ quốc cũng bình thường như mọi bà mẹ Việt Nam. Cụ rất mừng khi biết có khách xa về thăm. Người cháu gái của Kim Đồng pha nước tiếp chuyện chúng tôi. Chị kể cho nghe về bản làng mới, đẹp từ khi cách mạng về. Đồng chí Lê Duẩn, ngày về thăm Pắc Bó có đến chào mẹ Kim Đồng khi cụ còn sống và tặng mẹ chiếc quạt. Cả nhà, cả bản gọi chiếc quạt ấy là của Đảng cho.

Ngoài trời mưa, trận mưa núi không to nhưng nghe chừng dữ dội. Nước chảy ào ào dưới suối. Dòng suối quay nhanh như guồng nước đạp chày giã gạo liên hồi phía đầu bản.

Ngày nay, vùng huyện Hồng Phong (Hà Quảng) không chỉ có guồng lấy nước và cối giã gạo giã bằng nước suối, nước đã quay các tuýt bin trên nhà máy thủy điện bên đồi. Điện đã đưa về Pắc Bó, thắp sáng cả một vùng núi bao la.

2. Nhà lưu niệm Pắc Bó trên triền đồi đất đỏ. Ngày 8/2/1970, Ty văn hóa Cao Bằng làm lễ khánh thành rất trọng thể. Gỗ để làm mái nhà do Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thuộc Ty lâm nghiệp đốn về. Từ mùa xuân năm 1970 ngược lại mùa xuân Bác về Pắc Bó, theo bút tích Bác ghi trong hang đá “08/02/1941” thì tới nay như vậy và vừa đúng 71 năm.

Bây giờ, từ thị xã Cao Bằng về thăm Pắc Bó, ôtô đi thẳng đến cột kilomet 52. Năm 1961, tức là 51 năm về trước, Bác ở hang này, từ Đôn Chương vào chỉ có đường đi bộ. Ngày ấy, Bác trở về Pắc Bó, Bác cũng còn đi một con đường ngựa. Dân bản hôm ấy đổ ra đón Bác, đón đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Khai và các đồng chí đi cùng. Những màu áo chàm còn thơm mới, những chiếc áo hoa nhiều hoa đỏ và những giọt nước mắt đầy xúc động:

- Sin hỏ lai lố Bác á (Bác ơi, vất vả quá!).

- Tôi về thăm nhà, sao bà con lại ra đón?

Bác rưng rưng nước mắt, các cụ các mẹ cảm động cũng khóc òa. Thanh niên trai gái cả mấy bản gần xa hôm ấy đều về để biểu diễn pile, múa khèn chào Bác. Bác hỏi thăm từng người, từng gia đình và công việc làm ăn trong hợp tác xã. Bác nói:

- Cao Bằng, ít nhất phải cao, bằng nơi cao nhất. Hay Cao Bằng lại cao không nơi nào bằng.

Theo phong tục địa phương, đồng bào mời Bác trồng ba bụi trúc để làm kỷ niệm. Ba bụi trúc Bác trồng, giờ đây đã sinh sôi nảy nở thành hàng trăm bụi trúc lớn. Những khóm trúc xanh mọc rậm bên bờ suối Lênin, bên cạnh cây ổi ngày xưa Bác dùng lá đun nước thay chè. Trúc là cây trường thọ tượng trưng cho người anh hùng, quân tử bền lòng trước gian nan. Giờ đây, nhân dân địa phương nâng niu từng kỷ vật của Bác để lại. Những khúc củi Bác đun dở trong hang lạnh hình như vẫn còn hơi ấm của Người.
 
Phòng bảo tàng Cao Bằng đã sưu tầm được 314 hiện vật, hiện để tại nhà lưu niệm Pắc Bó một chiếc vali mây, tài sản 30 năm chu du khắp các nước từ Đông sang Tây, Bác xách về nay vẫn còn đó. Một bộ áo chàm với quyển Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Gia tài trong chiếc vali mây quá nghèo và ít, nhưng Bác mang về cho Pắc Bó, cho cách mạng Việt Nam, cho đất nước một gia tài vô giá, một ngôi sao Bắc Đẩu, một ngọn lửa thần kỳ hướng dẫn và sáng soi con đường đấu tranh giải phóng dân tộc ta. Nhân dân Việt Nam ngàn đời nhớ ơn Bác.
 
3. Trong nhà đồng chí Dương có chiếc linh xa của đồng bào Pắc Bó thờ Bác. Tự tay một đồng chí họ Dương viết dòng chữ “Tâm bá chỉ khiêu thủ chỉ lộ” (Tim Bác ngừng đập nhưng tay Bác vẫn chỉ đường).

Đại Vinh - tên Bác đặt, là anh cả của bảy anh chị em con cụ Dương Văn Đình lớn hơn Bác mấy tuổi, Bác gọi là anh. Hai cụ ngày xưa cứ ngồi bút đàm với nhau suốt buổi. Bác viết chữ nho giỏi lắm. Bác nói với các cụ già trong bản:

- “Tôi già, các bác cũng già cả. Tôi làm cách mạng được, các bác có nên làm cách mạng không?”.

- Bác tốt bụng quá đi thôi! (Đồng chí Đại Vinh nói tiếng phổ thông chưa nhiều, có đoạn còn chen tiếng Nùng. Đồng chí Vĩnh Xuân dịch lại cho chúng tôi nghe hồi ấy). Việc gì Bác cũng làm cả. Ai Bác cũng thương, cũng giúp. Bác tắm con trẻ, chữa ghẻ, chốc cho các cháu. Bác là “Ông Ké có thuốc tiên”. Bác đến là trẻ con xúm lại đông. Cháu nào Bác cũng cho quà và trò chuyện với các bạn nhỏ. Quà của Bác ngày Tết là một phong bao Bác giấu truyền đơn. Những lời kêu gọi cứu nước, đánh đuổi Nhật sắc nhọn như cọc Bạch Đằng và lan rộng khắp đó đây. Những bức thư ký tên Nguyễn Ái Quốc hừng hực lửa đấu tranh kêu gọi đồng bào:

“Hỡi các chiến sĩ cách mạng, giờ giải phóng đã đến! Hãy phất cao cờ độc lập lãnh đạo toàn dân đánh tan quân thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang dội bên tai của các đồng chí! Máu nóng các bậc anh hùng đang sôi sục trong lòng các đồng chí!”...

Những lời hịch của Bác vang vọng khắp trong Nam, ngoài Bắc trùm lên cả non sông, đến hôm nay như muốn còn giục giã chúng ta.

Muốn vào hang Cốc Bó phải men theo dòng suối Lênin qua những lớp đá và rừng cây xanh um. Nơi Bác ngồi làm việc là một phiến đá không lớn lắm. Hang Cốc Bó rộng, dài không quá một toa tàu hỏa, từ chân núi trèo lên miệng hang cao hơn 50m. Chỗ Bác nằm bên phải, chỗ các đồng chí bảo vệ Bác nằm bên trái. Tượng Các Mác do Bác khắc bằng những nhũ đá nhấp nhô giống hình người. Bác tô điểm thêm một chú vượn dưới chân Các Mác.

 

 Bác Hồ thăm lại bà con Pắc Bó, Cao Bằng .  Ảnh: T.L
4. Trước khi chúng tôi đến thăm hang này, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên nhi đồng Pắc Bó đã kéo nhau về đây làm lễ mang tên Bác cho đoàn, đội của mình. Đội thiếu niên mời một chiến sĩ lão thành châm năm bó đuốc, tượng trưng cho “5 điều Bác Hồ dạy”. Năm ngọn đuốc bừng lên nơi Bác Hồ ở và làm việc ngày trước như khí thiêng của sông núi tụ về. Em Hoàng Yến hôm ấy dậy sớm hơn thường lệ, cùng các bạn về hang Bác ở. Đường vào hang đi mấy lần suýt ngã. Em nghĩ thương Bác vô vàn. Nghe các cụ kể: Lúc ở nước ngoài Bác về Pắc Bó chân Bác mang “hài sảo”, dây rơm cắt nát chân Bác. Thế mà ngày nào Bác cũng “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”.
 
Bác ơi! Vì thế hệ trẻ chúng cháu mà Bác gian nan cả đời. Giờ tổ chức chúng cháu được mang tên Bác, chúng cháu phải ra sức rèn luyện cho xứng đáng. Nghĩ như vậy, em lại đi thẳng về hang Cốc Bó một cách khỏe khoắn. Hôm ấy ở Pắc Bó, chúng tôi có gặp các cách mạng lão thành, tuổi các đồng chí đều “cổ lai hy” nhưng đến Pắc Bó chân thêm cứng, tinh thần thêm mạnh và càng leo người càng khỏe thêm ra. Phải chăng đây là sức mạnh vô hình do Bác truyền lại?

Bác về Pắc Bó cách đây mấy chục năm. Chỉ hai tay trắng mà xây dựng một sơn hà! Bác làm rạng rỡ lịch sử cha ông từ thuở vua Hùng dựng nước đến ngày nay. Giờ đây, chúng ta về Pắc Bó, đường đã mở rộng thênh thang. “Và kể từ ấy đến nay, trên con đường từ thị xã Cao Bằng về Hà Quảng, nhân dân đã xây dựng bao nhiêu cánh đồng 5-7 tấn Bản Ngần đã hơn 8 tấn, hợp tác Tiên Hoàng dẫn đầu về trồng cây. Đường về Pắc Bó từ làng Đỏ Hồng Việt lên từng Trường Hà sẽ được trồng cây có hoa đỏ và với tinh thần Bác luôn bên cạnh, những chi bộ, đảng bộ 4 tốt cũng nảy nở trên khắp địa phương này.

Đoàn người về Pắc Bó mỗi ngày một đông. Những người “hành hương” về Pắc Bó tất cả đều một lòng kính yêu Bác. Vì Bác là con người Việt Nam đẹp nhất. Tư tưởng của Người là tư tưởng của thời đại.

Về Pắc Bó để học tập cuộc sống, tinh thần đấu tranh không mệt mỏi cho tự do của một chiến sĩ vĩ đại.

Nơi đó Bác đã gieo mầm sống và thắp lên ngọn lửa soi sáng cái hang tối rộng thênh thang là xã hội Việt Nam đường thời, nô lệ và tối tăm, dẫn đường cho chúng ta vượt qua muôn ngàn hy sinh gian khổ tiến tới quãng trời độc lập và tự do.   

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn


Ý kiến của bạn