Sự kiện Dương Tự Trọng mặc chiếc áo phông đen, với dòng chữ lớn Black Flag đang gây chú ý trong dư luận. Không ít người cho rằng cán bộ tòa án đã không chú ý đúng mức đến vấn đề trang phục của bị cáo.
Bị cáo Dương Tự Trọng và chiếc áo gây tranh cãi
Nhiều ý kiến tranh luận bởi thông thường tại các phiên xử, bị cáo thường mặc áo sơ mi hoặc áo phông trơn, nhưng lần này nguyên Đại tá, nguyên Phó Giám đốc công an TP.Hải Phòng lại được phép mặc áo có "họa tiết lạ" như biểu tượng của một ban nhạc rock dịch nghĩa sang tiếng Việt là: "Cờ đen". Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, một số cựu cán bộ ngành tư pháp cho rằng có thể đây chỉ là một sự vô tình ngẫu nhiên, nhưng trước tiên cần phải xem lại "nhãn quan" của HĐXX. Được biết, từ trước đến nay chưa có tiền lệ bị cáo khi ra tòa phải thay áo khác vì phản cảm.
Chưa từng có tiền lệ... thay áo
Mới đây, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng 18 năm tù về tội tổ chức cho người khác (anh trai Dương Chí Dũng - PV) trốn đi nước ngoài. Ngày 8/1, phiên tòa kết thúc, nhưng hình ảnh Dương Tự Trọng mặc chiếc áo phông có in chữ Black Flag vẫn còn đọng lại. Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao Dương Tự Trọng lại được phép mặc chiếc áo lạ đến vậy? Nó khác hẳn với những bị cáo thông thường (bị cáo thông thường tại các phiên xử chỉ được mặc áo sơ mi hoặc phông trơn). Chiếc áo mà Dương Tự Trọng mặc - áo phông in chữ Black Flag đã tạo nên một làn sóng trong dư luận và thậm chí còn được đăng tải trên một tạp chí của Mỹ?!
Một số người dẫn giải, Black Flag là tên của một ban nhạc rock của Mỹ thành lập năm 1976 với biểu tượng "cờ đen". Ban nhạc này từng nổi tiếng với những bài hát phê phán cảnh sát và từng có các nhạc phẩm chứa ca từ chống Chính phủ. Vậy phải chăng Dương Tự Trọng là fan của ban nhạc và ông mặc chiếc áo này khi đến tòa để ám chỉ sự bất mãn khi bị loại ra khỏi lực lượng cảnh sát?
Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, , nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC cho biết: "Theo quy định tại Điều 1, Nghị quyết 743 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: 'Tại phiên toà xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải đảm bảo sự trang nghiêm. Bị cáo là quân nhân tại ngũ được sử dụng quân phục thường dùng, nhưng không đeo quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu. Bị cáo là người đang chấp hành hình phạt tù khi ra phiên toà thì sử dụng trang phục riêng cho họ theo quy định của Chính phủ'.
Tuy nhiên theo tôi được biết, từ trước đến nay, chưa từng có tiền lệ bị cáo phải thay đổi áo khác ở phiên tòa vì lý do bất hợp lý. Bởi thường thì trang phục của bị cáo đã được lực lượng an ninh kiểm tra và dẫn giải từ trại tạm giam đến phòng xử án. Hơn nữa, nhiều khi bị cáo mặc quần áo theo sở thích như màu sặc sỡ, ký hiệu lạ nhưng HĐXX cũng không để ý dẫn đến những hiểu nhầm nghiêm trọng", TS. Biểu nói.
"Chiếc áo không làm nên thầy tu"
Hiện nay, nước ta đang có nhu cầu rất lớn về cán bộ pháp luật. Theo thống kê của ngành tư pháp, chỉ tính riêng các chức danh tư pháp, từ nay đến năm 2020, cần phát triển hệ thống cơ sở đào tạo luật để có đủ sức đào tạo ước tính 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên, 3.000 chấp hành viên, 300 thẩm tra viên thi hành án dân sự... Đó là chưa kể nhu cầu cán bộ pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người thừa nhận việc chuyên môn hóa đào tạo cả về năng lực, phẩm chất đạo đức và độ nhạy cảm chính trị dành cho ngành luật chưa được tốt. Đặc biệt, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, nhất là Anh văn đối với cử nhân ngành luật rất quan trọng. Hiện nay chúng ta thiếu đội ngũ luật sư mang tầm cỡ quốc tế do vốn ngoại ngữ kém. Có những phiên tòa liên quan đến yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, nhiều cán bộ tư pháp không nắm được tiếng Anh hoặc không hiểu được những yếu tố liên quan đến thuật ngữ nước ngoài. Như chiếc áo Dương Tự Trọng mặc trong suốt một ngày ở phiên tòa có in chữ ngoại ngữ là một điển hình.
Chia sẻ với PV báo Đời sống & Pháp luật xoay quanh vấn đề này, ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó Viện trưởng viện Phúc thẩm 1 (VKSNDTC) cho biết: "Trước đây luật quy định, tội phạm khi bị bắt sẽ phải mặc áo sọc, nhưng sau này, để đảm bảo quyền con người, luật pháp quy định khi ra tòa các bị cáo có thể mặc thường phục".
Thế nhưng, cũng có một số trường hợp bị cáo ăn mặc phản cảm, gây sự chú ý của dư luận. Ông Thái nhận xét: "Trong các phiên tòa gần đây, nếu để ý kỹ sẽ thấy các bị cáo mặc có đôi chút khác biệt. Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như ra tòa với áo sơ mi hồng cánh sen vô cùng thoải mái và nổi bật giữa 23 bị cáo của vụ án chiếm đoạt số tiền được cho là lớn nhất từ trước đến nay. Ở "đại án" Vinalines, trong khi các đồng phạm mặc giống nhau thì một mình Dương Chí Dũng vẫn mặc quần đen, áo sơ mi trắng và khoác ngoài là chiếc áo mang nhãn hiệu Nike. Đến phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm, bị cáo Trọng mặc chiếc áo thun bó sát với dòng chữ . Có thể đó chỉ là sự ngẫu nhiên, nhưng ít nhiều đã gây sự chú ý của dư luận. Thực ra, việc bị cáo mặc gì thuộc quyền thẩm định, kiểm tra của đơn vị quản lý trại tạm giam, chứ không phải HĐXX. Có khi trên áo bị cáo in chữ gì, ý nghĩa thế nào HĐXX cũng không để ý đến. Vừa rồi, một số thông tin cho rằng, bị cáo Dương Tự Trọng mặc chiếc áo có in dòng chữ "Black Flag" (cờ đen), là tên của một ban nhạc rock nổi tiếng với tôn chỉ "không ưa cảnh sát" nhằm ám chỉ điều gì đó trước tòa. Điều này nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng theo chúng tôi có thể đây chỉ là sự ngẫu nhiên. Có thể Dương Tự Trọng không có dụng ý gì khác, hoặc cũng không ý thức được về chiếc áo mình mặc dù Trọng cũng từng là một cảnh sát lão luyện. Tuy nhiên, biểu hiện qua hành động hay trang phục dụng ý thế nào thì chúng ta cũng cần phải xem xét, không nên vội vàng quy kết khi chưa có đủ căn cứ".
Dù vô tình hay chỉ là ngẫu nhiên thì theo ông Thái, cách ăn mặc này cũng cho thấy sự thiếu nhạy cảm, thậm chí hạn chế của một số HĐXX hiện nay. Có thể bị cáo in những dòng chữ đầy dụng ý nhưng HĐXX, cảnh sát tư pháp không phát hiện ra vì hạn chế về mặt ngoại ngữ.
Từng nhiều năm công tác ở cục Điều tra Hình sự (VKSNDTC), ông Thái đặt ra giả thuyết, không loại trừ khả năng bị can, bị cáo hoặc những người có liên quan đến vụ án in những dòng chữ tiếng Anh lên áo để dễ dàng cho việc thông cung, bí mật trao đổi cho nhau biết những gì đã khai báo trước với cơ quan điều tra... để phục vụ cho mục đích của mình. Hiện nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về điều này. "Do đó, tôi cho rằng, thời gian tới cần có những văn bản cụ thể quy định về trang phục dành cho bị cáo khi ra tòa. Nếu không mặc áo số, áo sọc thì phải mặc thế nào đó cho phù hợp", ông Thái kiến nghị.
Gia đình Dương Tự Trọng lên tiếng về chiếc áo có dòng chữ gây tranh cãi
Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, bà Dương Thị Băng Tâm (47 tuổi, trú tại phường Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng), em gái của bị cáo Dương Tự Trọng hết sức bất ngờ trước những thông tin dư luận bàn về chiếc áo phông mà anh trai bà mặc khi hầu tòa ngày 8/1 vừa qua. Theo lời bà Tâm, đây là một trong rất nhiều bộ quần áo mà vợ ông Trọng đã mua và gửi vào trại giam cho chồng. "Thực tình nghe những lời dị nghị, bàn tán của dư luận về chiếc áo này, gia đình tôi rất khổ tâm. Từ trước đến nay, anh trai tôi có bao giờ nghe nhạc nước ngoài, hay thích một nhóm nhạc nước ngoài nào đâu. Hôm ấy tôi và khá đông người thân trong gia đình cũng đến dự phiên tòa nhưng không ai nghĩ đến việc chiếc áo này lại có in dòng chữ nước ngoài mang ý nghĩa khác. Đây chỉ là một sự vô tình bởi hai ngày ra tòa, anh Trọng mặc hai chiếc áo khác nhau", bà Tâm nói.