Đường trắng, đường vàng: Ăn đường nào tốt cho sức khỏe?

31-10-2021 14:00 | Dinh dưỡng

SKĐS - Đường là gia vị không thể thiếu trong gian bếp của các bà nội trợ. Nhiều người vẫn mách nhau nên ăn đường vàng vì không sử dụng hóa chất tẩy trắng. Có phải đường vàng sẽ tốt cho sức khỏe hơn đường trắng?

Ăn nhiều đường tăng nguy cơ mắc ung thưĂn nhiều đường tăng nguy cơ mắc ung thư

SKĐS - Bạn là người thích ăn ngọt? Lưu ý, đường cung cấp năng lượng cần thiết khiến các tế bào ung thư nhân lên nhanh chóng.

Đường có nhiều loại khác nhau, trong đó đường vàng và đường trắng là hai loại phổ biến nhất. Vậy đường nào sẽ tốt cho sức khỏe? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có sự lựa chọn phù hợp cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

1. Cách chế biến đường vàng và đường trắng

Dù là loại đường nào, đường vàng hay đường trắng cũng đều có nguồn gốc từ cùng một loại cây trồng, là cây mía hoặc củ cải đường, và đều có tên gọi chung là đường mía.

1.1 Đường vàng

Chế biến đơn giản, dùng đường mía hoặc đường từ nước củ cải đường, sau khi ép lọc lấy nước/mật loại bỏ bã, nấu chín và cô đặc thành đường vàng. Trên thực tế, đường vàng là hỗn hợp của đường trắng và mật rỉ. Mật rỉ chính là lý do làm cho màu của đường đậm hơn và nâng cao giá trị dinh dưỡng của nó thêm một chút.

1.2 Đường trắng

Sử dụng đường vàng đã sản xuất ở quy trình trên, sau đó được tiếp tục xử lý nhằm loại bỏ phần mật rỉ dư thừa còn sót lại để tạo nên các tinh thể với kích thước nhỏ hơn. Cuối cùng, cho các tinh thể đường này đi qua một hệ thống lọc nhằm loại bỏ hoàn toàn các tạp chất còn sót lại để làm ra đường trắng thành phẩm.

2. Hương vị và màu sắc

Đường trắng, đường vàng: Chọn đường nào tốt cho sức khỏe? - Ảnh 3.

Đường vàng có hương vị mía đặc trưng.

Sự khác biệt chính giữa đường trắng và đường vàng là hương vị và màu sắc của chúng. Việc thay thế đường trắng bằng đường vàng trong chế biến món ăn sẽ làm màu sắc món ăn nhìn đậm hơn.

Đường vàng có hương vị mật mía đặc trưng, có thể dùng để nấu chè, hầm các loại đậu, làm các loại bánh sẽ có hương vị khác biệt.

Ngược lại, với đường trắng sẽ tạo ra một sản phẩm có màu nhạt hơn. Mặc dù không ngọt như đường vàng, nhưng độ tinh khiết của đường trắng tương đối cao, hương vị thuần khiết, thích hợp làm cho những món ăn tươi và ngon hơn. Do đó, việc chọn loại đường nào để sử dụng tùy thuộc vào mục đích khi chế biến.

Dùng đường vàng hay đường trắng không khác nhau về dinh dưỡng và tính an toàn đối với sức khỏe, chỉ là độ ngọt và hương vị của nó tạo thành trên các món nấu. Tùy vào sở thích, thói quen và món nấu và người dùng có thể lựa chọn giữa 2 loại đường này.

3. Đường vàng có giàu dinh dưỡng hơn đường trắng?

Đường vàng và đường trắng đều là nguồn thực phẩm có năng lượng cao, thành phần dinh dưỡng chính của đường vẫn là mật mía. Mặc dù đường vàng chứa một lượng nhỏ chất fructose và glucose, nhưng trên thực tế không có sự khác biệt lớn giữa chúng.

Do quy trình sản xuất đường vàng có tỉ lệ tinh chế thấp nên vẫn giữ được nhiều thành phần của mật mía, vì thế chúng vẫn còn giữ lại được một lượng nhỏ các chất lượng vi lượng như canxi, kali, sắt và các nguyên tố vi lượng khác.

Như vậy, hàm lượng các khoáng chất này trong đường vàng là không đáng kể. Đường vàng cũng chứa ít calo hơn so với đường trắng, tuy nhiên sự khác biệt này là rất ít. Một thìa cà phê (4g) đường vàng cung cấp 15 calo, trong khi cùng một lượng đường trắng có 16,3 calo.

Ngoài những khác biệt nhỏ này, chúng giống nhau về mặt dinh dưỡng. Sự khác biệt chính của chúng là ở hương vị và màu sắc.

4. Đường vàng có tác dụng bổ máu?

Nhiều người vẫn truyền tai nhau thông tin ăn đường vàng sẽ có tác dụng bổ máu. Nhưng thiếu máu là do thiếu sắt gây ra, trong khi đó đường vàng có hàm lượng sắt rất thấp, tỷ lệ hấp thụ cũng không cao. Ăn đường vàng trong thời gian dài, không những không bổ máu mà còn gây ra tăng cân.

Cách tốt nhất để bổ dung sắt là từ nguồn thực phẩm tự nhiên. Những thực phẩm bổ máu, giàu sắt bao gồm:

  • Trứng các loại (trứng gà, trứng vịt).
  • Gan (bò, lợn, gà, vịt, ngan) và các nội tạng khác (tim, thận).
  • Thịt các loại: Bò, lợn, gà, vịt.
  • Cá, thủy sản: Bao gồm cua biển, tôm, cá thu, trai, hàu, cá mòi, cá cơm.
  • Các loại rau lá màu xanh như cần tây, rau đay, rau dền các loại, rau ngót, rau bí…
  • Quả chín: Đu đủ, táo tây, hồng xiêm, lê...
  • Đậu đỗ như đỗ tương, đỗ đen, đỗ đỏ, đỗ xanh.
  • Gạo lứt nhiều sắt hơn gạo xay xát kỹ.
Đường trắng, đường vàng: Chọn đường nào tốt cho sức khỏe? - Ảnh 5.

Đường trắng có vị ngọt và độ tinh khiết cao hơn đường vàng.

5. Nên ăn đường trắng hay đường vàng để tốt cho sức khỏe?

Tùy theo sở thích cá nhân mà nên chọn loại đường nào vì hương vị và màu sắc là sự khác biệt chính giữa hai loại đường này.

Mặc dù đường vàng chứa nhiều khoáng chất hơn đường trắng nhưng hàm lượng này rất nhỏ đến mức không đủ để cung cấp bất kỳ lợi ích sức khỏe nào cho cơ thể.

Trong khi đó, đường được cho là một yếu tố góp phần gây ra bệnh béo phì, đái tháo đường type 2… Vì vậy, không nên tiêu thụ quá 5 - 10% lượng calo từ đường hàng ngày. Tức là mỗi ngày không được phép ăn quá 50g đường, tốt nhất là hạn chế ở mức dưới 25g. Bao gồm các loại đường, đường vàng, đường trắng, đường tinh luyện hay đường trắng mềm.

Khi phải lựa chọn giữa đường vàng hay đường trắng, tùy mục đích và sở thích cá nhân vì hương vị và màu sắc là sự khác biệt chính giữa hai loại đường này. Còn các tác dụng đối với sức khỏe là gần như giống nhau.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nơi sự sống mong manh.


Vân Khanh
(Tổng hợp)
Ý kiến của bạn