Năm 2014 có thể coi là một năm “bội thu” của phim ngắn trẻ. Những sân chơi như Cuộc thi phim ngắn “3,2,1 Action”, “Liên hoan phim quốc tế trên mạng” (YxineFF), Dự án làm phim 48h, Liên hoan “Búp sen vàng”… đều có số lượng bạn trẻ tham gia đông đảo với nhiều tác phẩm thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo mới. Với những gì đang diễn ra, liệu phim ngắn trẻ đã thực sự là một sân chơi chuyên nghiệp, làm tiền đề cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật dài hơi hơn?
Những bữa tiệc phim của đam mê
Cuộc thi phim ngắn Thế giới Văn hóa 2014 mang tên “3,2,1 Action” vừa khép lại bằng một đêm trao giải ấn tượng vào trung tuần tháng 12 vừa qua. Với mục đích tạo cơ hội và thử thách cho các nhà làm phim trẻ, khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần làm việc nhóm, tìm kiếm và phát triển tài năng trẻ Việt Nam, cuộc thi “3,2,1 Action” đã thu hút rất đông đảo bạn trẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc tham gia. Kết thúc cuộc thi, từ hàng trăm tác phẩm, BTC đã trao 8 giải thưởng giành cho 5 nhóm làm phim xuất sắc nhất đã được vinh danh, bao gồm: Phim xuất sắc nhất: Xanh là màu đỏ nhất (nhóm Kaleidoskop); Phim được yêu thích nhất: Tao không yêu mày (nhóm Pink Dragon Pictures); Đạo diễn xuất sắc: Đỗ Trung Hiếu - phim The Mascot man – Người hoạt náo (nhóm The Bad Rabbit Team); Kịch bản xuất sắc: phim Yên (nhóm VKT Studio); Nam diễn viên xuất sắc nhất: Nguyễn Trọng Hưng, phim The Mascot man; Nữ diễn viên xuất sắc nhất: Hoàng Thúy, phim Trừu Tượng (nhóm S.O.S); Mỹ thuật xuất sắc nhất: phim Xanh là màu đỏ nhất; Âm nhạc xuất sắc nhất: phim Yên.
Trước đó, Lễ bế mạc và trao giải YxineFF lần thứ 5, năm 2014 diễn ra đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Chủ đề của Liên hoan phim 2014 là Những kẻ mơ mộng. 23 bộ phim “mang tính sáng tạo và độc đáo với ngôn ngữ điện ảnh riêng biệt từ những nhà làm phim trẻ” được lựa chọn trình chiếu trên website của liên hoan cùng 8 bộ phim chiếu miễn phí tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù có sự tham gia của nhiều đạo diễn trẻ trong khu vực và quốc tế nhưng những giải thưởng quan trọng của YxineFF đều thuộc về các tác giả trẻ Việt Nam. Dự án Làm phim 48 giờ khai mạc hồi giữa tháng 10 một lần nữa chứng tỏ sức hút của dòng phim ngắn. Hơn 1.000 nhà làm phim trẻ cùng 50 đội làm phim là con số “kỷ lục” của chương trình sau 3 lần tổ chức thành công ở Việt Nam. Sáng tạo trong cách thể hiện và nội dung hấp dẫn, bộ phim Nếu để được yêu của nhóm A Tô Film đã giành giải Nhất, phim Tóc của nhóm Chất đạt giải Nhì và phim Tôi là thần đèn đỏ của nhóm Dreamers đạt giải Ba.
Lễ trao giải thưởng phim ngắn trẻ “3, 2, 1 Action” diễn ra vào trung tuần tháng 12 vừa qua.
Nói đến những bữa tiệc phim sôi động và màu sắc không thể không nhắc đến Liên hoan phim Búp sen vàng lần thứ 5, năm 2014. Với chủ đề “Nơi sóng bắt đầu”, Búp sen vàng 2014 được đánh giá là một sân chơi kết nối các bạn trẻ có niềm đam mê vô tận với điện ảnh. Họ đã kể câu chuyện của mình thông qua những thước phim ý nghĩa. Với sự tham gia “kỷ lục” 100 phim (gồm 90 phim tài liệu, 10 phim truyện), Búp sen vàng đã đánh dấu sự trưởng thành của cộng đồng làm phim trẻ. Đây là liên hoan có số lượng người tham gia và tác phẩm dự thi “hùng hậu” nhất trong lịch sử tổ chức Búp sen vàng.
Xã hội dưới góc nhìn trẻ
Duy Linh - đạo diễn phim Một ngày bình thường - bộ phim đạt cú đúp giải thưởng tại Liên hoan Búp sen vàng hạng mục phim tài liệu chia sẻ rằng: “Quá trình làm phim, mình nghiệm ra rằng, ai cũng có cuộc sống riêng, có thể nhìn từ ngoài vào nó rất đỗi bình thường, đôi khi hoàn hảo nhưng thực sự nó không đơn giản như thế. Nếu chúng ta thực sự quan tâm và thương yêu nhau thì hãy dành nhiều thời gian hơn, nhiều tình cảm hơn để lắng nghe câu chuyện của nhau”. Có thể thấy rằng, thông điệp nghệ thuật, giá trị nhân văn luôn được gửi gắm đằng sau những bộ phim của người trẻ. Bên cạnh đó, đề tài phim trẻ ngày càng đa dạng, nhiều vấn đề mới, “nóng” của xã hội được chuyển tải lên phim dưới góc nhìn của những người trẻ thế hệ 8X, 9X. Bộ phim Ngoài kia có gì của Nguyễn Diệp Thùy Anh (Giải thưởng Xuất sắc của Ban Giám khảo dành cho phim ngắn tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 3; giải Búp sen vàng phim truyện xuất sắc 2013 do Ban Giám khảo bình chọn và Búp sen vàng phim truyện xuất sắc 2013 do khán giả bình chọn) đánh thức ký ức về thời thơ ấu trong mỗi người. Mỗi người khi xem phim đều có thể bắt gặp chính bản thân mình ở đâu đó. Một sáng chủ nhật thức dậy, không có ai ở nhà trong khi cửa bên ngoài đã khóa. Ngoài kia có gì còn được đánh giá cao ở góc nhìn về “khoảng cách thế hệ”. Nhân vật người bố luôn xuất hiện với vẻ mặt cáu bẳn trong phim cho thấy khoảng cách và sự giao tiếp “khó khăn” giữa hai thế hệ.
Xanh là màu đỏ nhất được hội đồng giám khảo cuộc thi “3,2,1 Action” đánh giá cao vì đã đề cập trực diện vấn đề “nóng” trong xã hội hiện nay - đó là tội phạm tình dục. Bộ phim thuật lại cuộc đối đầu không khoan nhượng của một gã chuyên hãm hại trẻ em với một cô bé nữ sinh. The Mascot man – Người hoạt náo lại “đánh thức” những cung bậc cảm xúc ẩn sâu trong tâm hồn con người. Bộ phim xoay quanh câu chuyện của một cậu học sinh nghèo, vì muốn lấy lòng bạn gái mà “nhẫn tâm” làm ngơ mẹ mình khi cả ba người gặp nhau. Sau đó, cậu đã nhận ra sai lầm của mình. Đạo diễn Đỗ Trung Hiếu của The Mascot man – Người hoạt náo chia sẻ rằng: “Bộ phim được lấy cảm hứng từ một bức ảnh trên mạng về một người hoạt náo mang trên mình bộ quần áo mickey và mua vui cho mọi người trên đường. Đằng sau vẻ ngoài vui vẻ ấy là người phụ nữ đã luống tuổi với vẻ mặt đầy sương gió”. Cảnh cuối khi nhân vật chính của bộ phim khóc tìm về với mẹ là cảnh quay đắt giá, quyết định lớn đến giá trị tư tưởng và thành công của bộ phim. Phim Yên lại khiến người ta khắc khoải về những câu hỏi đặt ra trong chính cuộc sống này. Cô bé tên Yên nhưng cuộc đời cô lại là một chuỗi những sóng gió. Phim là sự xâu chuỗi cảm xúc lẫn lộn của cô bé khi liên tục thấy mẹ mình - một gái làng chơi tên Trinh làm chuyện “người lớn” với cha dượng tên Dũng của mình.
Đồng tính là mảng đề tài mà nhiều bạn trẻ quan tâm khai thác. Phim Tao không yêu mày là bộ phim về chủ đề đồng tính được khán giả bình chọn nhiều nhất tại liên hoan Búp sen vàng với 86.423 lượt bình chọn. “Nhà đối diện” của Lê Mỹ Cường là “sản phẩm” thuộc dự án 10 tháng 10 phim tài liệu của Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh (TPD). Bộ phim nói về đề tài đồng tính – một đề tài không mới nhưng vẫn đem đến cho người xem trải nghiệm cảm xúc mới. Phim thành công nhờ những cảnh quay đẹp từ sự giản dị và trung thực.
Vương một chút buồn…
Phim ngắn trẻ đang lớn mạnh và cộng đồng làm phim ngắn đã góp một tiếng nói vào sự phát triển của nền công nghiệp sản xuất phim Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, phim ngắn đang có sự “dịch chuyển” mạnh mẽ đến nhiều mảng đề tài xã hội, các đạo diễn trẻ có sự trưởng thành rõ nét. Tuy nhiên, nhiều phim tham gia liên hoan cho thấy sự thiếu hụt vốn sống, sự trải nghiệm nên phim còn hời hợt, chưa có chiều sâu, chưa chạm đến trái tim khán giả. Đạo diễn Nguyễn Kim Hải - thành viên Ban giám khảo Liên hoan Búp sen vàng 2014 nhận định rằng, mặc dù lượng phim tham gia liên hoan tăng về lượng nhưng lại thiếu tác phẩm gai góc, “ngồn ngộn” hiện thực cuộc sống như một số phim tham gia liên hoan 2013. Bên cạnh đó, các đạo diễn phim ngắn trẻ chưa tìm được cái tôi của riêng mình, định hình phong cách làm phim riêng biệt mà vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc phong cách làm phim của những bậc tiền bối đi trước. Phong trào “người người làm phim” vẫn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, thiếu nền tảng và sự hỗ trợ. Các nhà làm phim trẻ gặp không ít khó khăn trong quá trình hiện thực hóa đam mê điện ảnh của mình. Đó là sự khó khăn về kinh phí, vì thiếu hụt những kiến thức nền tảng nhất định về điện ảnh… Với những người không chuyên, đôi khi làm phim ngắn chỉ là cuộc dạo chơi để thử thách bản thân, để tìm kiếm sự trải nghiệm chứ không phải là định hướng rõ ràng và sẵn sàng dấn thân vì nghệ thuật.
Thông tin mới nhất thì YxineFF sau 5 lần liên hoan đã tuyên bố chính thức khép lại vì nhiều lý do khác nhau. Đây có lẽ là điều vô cùng đáng tiếc với những ai yêu phim trẻ. Một trong những liên hoan phim ngắn trực tuyến đầu tiên và có thâm niên lâu nhất ở Việt Nam sẽ không được tổ chức. Một sân chơi mất đi, điều đó đồng nghĩa rằng, các nhà làm phim trẻ sẽ mất đi cơ hội để giao lưu, học hỏi và hoàn thiện chính mình…
Tường Phạm