Dưỡng sinh phòng bệnh, chống lão suy

“Sinh, trưởng, tráng, lão” là quy luật chung của cuộc sống. Từ xưa, y học cổ truyền đã khuyên con người cần chú trọng tới công tác dưỡng sinh để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, chống lão suy.

Theo y học cổ truyền: “bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”. Tinh - khí - thần là 3 yếu tố căn bản của cuộc sống. Tinh - khí là vật chất công năng thúc đẩy hoạt động cơ thể. Thần là sự hoạt động của thần kinh cao cấp. Tinh - khí - thần có tốt mới duy trì được cân bằng âm dương (phòng được bệnh), lập lại cân bằng âm dương (chữa được bệnh). Vì vậy, muốn nâng cao sức khỏe, tăng cường tuổi thọ thì việc tập luyện dưỡng sinh đã giúp xây dựng được một nếp sống toàn diện. Hằng ngày, rèn luyện cơ thể vừa duy trì vừa khơi dậy những tiềm năng sẵn có trong cơ thể, giúp con người giữ được cân bằng âm dương, khắc phục được bệnh tật để sống vui, sống khỏe, sống có ích. Muốn vậy, phải tuân theo nguyên tắc cơ bản của dưỡng sinh đó là:

Cần chú ý đến dưỡng tinh thần. Sách Linh khu Thiên niên viết: “Mất thần thì chết, còn thần thì sống”.Vì vậy dưỡng sinh nên chú ý đến điền thần. Sách Tố vấn - Tý luận biên viết: “Tĩnh thì thần tăng, động thì thần vong”. Sách Lão lão hằng ngôn nói: “Tĩnh dưỡng là việc đầu tiên của dưỡng sinh”.

Tĩnh là trạng thái tinh thần yên tĩnh, thư thái, vô tư, quả dục. Vì nếu ham muốn danh vọng, vật dục quá mức hay tửu sắc không biết tự chế ước, phóng túng buông thả, khi ham muốn không được sinh buồn nản, cáu giận đều tổn thương chính khí mà đoản thọ. Sách Tố vấn - Tăng khí pháp thời luận viết: “Tâm tĩnh thì thần an,thần an thì khí huyết tạng phủ điều hòa, tà khí khó xâm phạm, kéo dài tuổi thọ”.

Những kích thích tình chí quá mức kéo dài, khi vượt quá khả năng điều tiết của con người mới trở thành nhân tố gây bệnh. Vì vậy, yêu cầu từng người thường qua hoạt động dưỡng sinh tự điều tiết tâm lý, thường qua quá trình nhận thức, hoạt động tư tưởng, thay đổi thói quen tình cảm, loại trừ kích thích có hại, duy trì hoàn cảnh tâm lý tốt đẹp. “Ý chí hòa tinh thần luôn thoải mái, hồn phách không tán, không cáu giận, ngũ tạng không dễ mắc bệnh” (Linh khu - Bản tạng ).

Phòng sự cần có điều tiết: Quan hệ nam nữ là bản năng thiên phú, cần thiết để duy trì giống nòi. Song hoạt động tình dục gây hao tổn thận tinh nên cần phải điều tiết. Tinh khí trong thận là nguồn động lực cho hoạt động sống, là gốc để mà âm dương toàn thân, tiêu hao nhiều không biết giữ gìn toàn thân sớm hư nhược, sớm lão hóa nên thận tinh cần được giữ gìn.

Chú ý rèn luyện thân thể: Rèn luyện thân thể giúp cho lưu thông khí huyết, gân cốt cứng cáp, cơ nhục phát triển, chức năng tạng phủ tốt. Song tuổi già vận động sao cho thích hợp, nhịp nhàng. Có loại lấy động làm chính, vận động toàn thân nhằm giúp cho căn mạch thông suốt, khí huyết điều hòa. Có loại lấy tĩnh làm chính, chủ động luyện “ý, khí, hình”, tức nhấn mạnh rèn luyện tinh thần.

Ăn uống dưỡng sinh: Chú ý vệ sinh thực phẩm, ăn uống nên điều tiết hợp lý, không nên quá đói, quá no, đủ chất dinh dưỡng, không ăn nhiều thức ăn lạnh, sống dễ tổn thương dương khí hoặc cay, nóng quá dễ tổn thương âm. Tránh rượu bia, cà phê, các chất kích thích mà nên điều chỉnh hợp lý để tránh cơ thể thiếu chất, dễ phát sinh thành bệnh.
Xoa bóp dưỡng sinh: Xoa bóp thông qua động tác: đấm, ấn, day, xoa, vỗ... tác động đến nhiều vị trí nào đó của cơ thể nhằm điều chỉnh tình trạng sinh lý hay bệnh lý giúp cơ thể khỏe mạnh. Cũng như châm cứu, cơ thể tác động cơ bản thông qua kích thích lên các huyệt vị trên hệ thống kinh lạc làm thăng bằng các chức năng giúp cơ thể khỏe mạnh. Châm cứu còn kích thích cơ thể tiết ra endomorphin có tác dụng làm giảm đau, an thần.

Tóm lại: Để nâng cao chất lượng cuộc sống, sống vui, sống khỏe, sống có ích nhất là đối với người cao tuổi, nên chú ý các phương pháp tập luyện dưỡng sinh để tự rèn luyện mình thích nghi với hoàn cảnh tự nhiên và xã hội nhằm tránh bệnh tật, đồng thời cũng làm chậm quá trình lão hóa.


TS. Trần Lập Công
Ý kiến của bạn