Hà Nội

Dưỡng sinh bốn mùa - Bí kíp của Y Dược Tây Tạng mật truyền

SKĐS - Theo quan niệm của Y Dược Tây Tạng mật truyền (Tạng Y), sự biến đổi khí hậu bốn mùa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người.

Theo quan niệm của Y Dược Tây Tạng mật truyền (Tạng Y), sự biến đổi khí hậu bốn mùa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người. Quá trình trưởng thành, phát triển, thoái hóa của cơ thể con người đều có liên quan tới sự biến đổi của tự nhiên. Vì vậy, dưỡng sinh phải có sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên.

Tạng Y có nguồn gốc từ cao nguyên Thanh Tạng, quanh năm giá rét. Với hơn 2000 năm lịch sử, Tạng Y đã chắt lọc được những tinh hoa của phương pháp dưỡng sinh tứ thời, điều hòa tam nhân sinh lý (Long - khí, Xích ba - hỏa, Bồi căn - thủy thổ) chính là bí quyết để khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ.

Phương pháp dưỡng sinh này được thịnh hành ở nhiều vùng như Tây Tạng, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Cam Túc và một số nước Nam Á như Ấn Độ, Nê Pan… Theo Tạng Y, con người tùy vào mỗi mùa mà sinh hoạt khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo các yếu tố tăng sức đề kháng, đủ dưỡng chất cho cơ thể. Đặc biệt, phải luôn giữ cho tinh thần vui vẻ, nuôi dưỡng thiện tâm và lòng từ bi để loại bỏ tam độc gây bệnh “tham, sân, si” - Đó là nguồn gốc của mọi loại bệnh.

1. Dưỡng sinh mùa xuân

Mùa xuân tiết trời trở nên ấm áp hơn, lúc này, các lỗ chân lông trên bề mặt cơ thể mở rộng, lớp bì trên cơ thịt cũng mở rộng, các vòng tuần hoàn được thúc đẩy. Do đó, cơ thể dễ bị các vi khuẩn thâm nhập, nhiều bệnh tật đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm phát sinh vào thời kỳ này.Tăng lượng hấp thu vitamin A từ thực phẩm vào mùa đông có thể tăng được khả năng chịu lạnh của cơ thể.

Tăng lượng hấp thu vitamin A từ thực phẩm vào mùa đông có thể tăng được khả năng chịu lạnh của cơ thể.

Vào mùa xuân, quá trình trao đổi chất tăng lên, nhu cầu oxy cũng tăng lên, lượng máu đến các mao mạch dưới da nhiều cho nên lưu lượng máu cấp cho cơ thể chưa kịp thích ứng dẫn đến não bị thiếu oxy, gây buồn ngủ. Tuy là hiện tượng sinh lý nhưng lại gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày như học tập hay làm việc. Vì vậy, cần phải có những biện pháp dưỡng sinh thích hợp để thuận theo tự nhiên, khắc phục và cải thiện tình trạng này. Mùa xuân nên ngủ sớm dậy sớm, đảm bảo ngủ đủ giấc và cần lưu thông không khí phòng ngủ. Để phòng tránh bệnh mùa xuân cần phải giữ vệ sinh cá nhân, môi trường và an toàn thực phẩm.

Trong giai đoạn này, nên hạn chế ăn đồ lạnh hoặc đồ ăn có nhiều dầu mỡ vì là những thực phẩm có hại cho dạ dày, khó tiêu hóa. Có thể chọn một số đồ ăn có vị ngọt, có lợi cho việc bổ sung năng lượng, phục hồi dương khí. Với người cao tuổi, cơ thể yếu, nên ăn một số loại cháo dinh dưỡng như cháo gan lợn, cháo tề thái…

Nên chú ý vận động rèn luyện với cường độ thích hợp để giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện chức năng các cơ quan, thu nạp dương khí.

Về mặt tinh thần, mùa xuân nên tham gia các hoạt động giải trí như đi dã ngoại, nghe nhạc, nói chuyện nhiều, duy trì tâm trạng thoải mái, vui vẻ.

2. Dưỡng sinh mùa hè

Lượng mưa nhiều, không khí ẩm ướt, ánh mặt trời chói chang, nhiệt độ tăng cao của mùa hè gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Mùa hè cũng là thời kỳ đa phát của nhiều loại bệnh, trong đó có cảm nắng. Để phòng chống cảm nắng, trước tiên, chúng ta cần cập nhật nhiệt độ không khí hàng ngày. Khi nhiệt độ không khí đạt tới 330C thì con người sẽ có cảm giác nóng và bắt đầu phải chống nóng. Khi đạt tới 350C thì một số chức năng của cơ thể sẽ bị giảm sút. Lúc này, sự ra mồ hôi là cách tản nhiệt quan trọng nhất, thậm chí là duy nhất. Vì vậy, trong thời gian này, chúng ta nên kịp thời bổ sung lượng nước đã mất và các chất điện giải như kali, natri. Ở 370C thì sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa, chúng ta sẽ có cảm giác ăn không ngon, khó tiêu… Ở mức nhiệt độ cao hơn nữa (38 - 390C), cơ thể có thể xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng. Nhất là trong trường hợp cộng thêm độ ẩm trong ngày quá lớn, khả năng bị cảm nắng, các bệnh về tim mạch, huyết áp, thần kinh dễ xảy ra. Lúc này, chúng ta nên phòng bị cao độ, tiến hành giảm nhiệt và chuẩn bị thuốc phòng ngừa nếu cần thiết. Để đảm bảo cơ thể thích nghi, nhiệt độ phòng cần phải được điều chỉnh bằng thiết bị làm mát, tuy nhiên, không nên để chênh lệch quá 50C so với nhiệt độ ngoài trời.

Mùa hè nên tránh ăn đồ cay, chua, mặn, uống rượu; nên ăn những thực phẩm có tính mát như rau, củ, quả tươi.

Ngoài ra, cần phải chú ý chống nắng, không đi dưới ánh mặt trời quá lâu, chú ý tắm rửa vệ sinh cá nhân thường xuyên. Vào mùa hè cũng cần mặc áo mỏng, ở trong phòng thoáng mát.

Giấc ngủ trưa của mùa hè cũng là cần thiết, vì thông qua giấc ngủ trưa sẽ giúp cơ thể và não bộ hồi phục lại trạng thái tốt như ban đầu, điều hòa nội tiết và chuyển hóa cơ thể. Thời gian ngủ trưa không nên quá nhiều, khoảng 1 giờ là thích hợp nhất.

3. Dưỡng sinh mùa thu

Mùa thu khí hậu đã dịu xuống, nhưng sự chênh lệch nhiệt độ giữa các buổi sáng, trưa và tối cũng là một vấn đề. Theo quy luật tự nhiên thì cơ thể con người chưa kịp thoát nhiệt tà từ mùa hè gây bức huyết vọng hành, dễ mắc các bệnh như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, các bệnh về mạch máu não, huyết áp, tim, phổi cũng dễ khởi phát hoặc tái phát. Vì vậy, mùa thu nên ăn đồ ngọt, đắng, hạn chế muối ăn (dưới 5g/ngày), dùng các loại hương cỏ thảo dược để có tác dụng dưỡng sinh. Hoạt động thể lực vừa phải giúp giảm gánh nặng cho hệ tuần hoàn. Duy trì tinh thần ổn định, không nên quá hưng phấn, kích động.

Đặc biệt, mùa thu nên chú ý tránh bị trúng độc khi ăn một số loại thực phẩm như mật ong là một ví dụ. Mật ong là sản phẩm bổ dưỡng và có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, vào mùa thu, khi dùng mật ong đặc biệt phải cẩn thận, vì dùng mật ong có thể bị trúng độc. Độc tố trong mật ong chủ yếu là thành phần có độc từ nhụy hoa. Thời kỳ nở hoa của thực vật không độc vào mùa xuân, nhưng mùa thu thì ngược lại. Lúc này, nếu ong hút mật từ những loại hoa có thể sẽ lẫn chất độc vào mật. Nếu trúng độc sẽ có thể xuất hiện những hiện tượng như dị ứng, thở dốc, đau đầu, chóng mặt, đau tim, buồn nôn, đi ngoài…

4. Dưỡng sinh mùa đông

Mùa đông khí hậu lạnh giá, vạn vật đều ở trạng thái tàng ẩn. Cơ thể con người cũng biến đổi theo môi trường, các lỗ chân lông ở trạng thái bịt kín. Trong giai đoạn này, chúng ta cần phải bổ sung và tích lũy năng lượng. Nếu không có đủ năng lượng, thể chất sẽ trở nên yếu dần, sức đề kháng giảm, khả năng thích nghi kém, dễ mắc các bệnh ngoại cảm phong hàn.

Vì vậy, mùa đông chúng ta cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống và thực đơn để tăng cường  năng lượng tích lũy, nâng cao sức đề kháng chống lại môi trường khắc nghiệt.

Vitamin và khoáng chất có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Khi thiếu vitamin có thể dẫn đến nhiều loại bệnh. Do đó, cần phải đảm bảo cho cơ thể hấp thu đủ lượng vitamin vào mùa đông. Ví dụ, tăng lượng hấp thu vitamin A có thể tăng được khả năng chịu lạnh của cơ thể, tăng hấp thu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng, tăng cường miễn dịch, bảo vệ huyết quản. Các loại vitamin này thường có trong các loại rau củ, trái cây tươi… Do đó, trong khẩu phần ăn lúc này nên có thêm các thực phẩm trên.

Ngoài ra, khả năng chịu lạnh của cơ thể còn liên quan đến lượng chất khoáng hấp thu trong cơ thể. Ví dụ như hàm lượng calci trong cơ thể nhiều hay ít sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ tim, huyết quản và sự hưng phấn hay co rút của cơ vân. Nếu cơ thể thiếu calci, khả năng chịu lạnh cũng giảm xuống. Hơn nữa, vào mùa đông, ánh sáng mặt trời hạn chế cũng làm cơ thể giảm sự tự tổng hợp vitamin D dẫn đến giảm chuyển hóa calci. Có thể bổ sung calci và vitamin D từ sữa và các loại đậu…

Vào mùa đông, nên ăn các vị cay, nóng, mặn nhưng cũng không nên ăn quá mặn, quá cay. Mỗi ngày, lượng muối được hấp thu không nên quá 6g, nếu không sẽ sinh ra những phản ứng bất lợi cho cơ thể.

Theo quan niệm của Tạng Y, mùa đông nên ăn nhiều cháo. Việc ăn cháo nóng mỗi sáng có tác dụng dưỡng vị khí, thường dùng cháo thịt dê, cháo bách hợp táo đỏ, cháo bát bảo…

Mặc dù mùa đông thường ít mồ hôi, tiểu tiện ít nhưng không có nghĩa là nhu cầu sử dụng nước trong mùa đông của cơ thể giảm đi. Lúc này, tế bào của các cơ quan và não bộ vẫn cần nước để đảm bảo quá trình trao đổi chất diễn ra bình thường. Vì vậy, cần phải đảm bảo đủ lượng nước cho cơ thể.

Ngoài việc chú ý đến chế độ ăn uống, mùa đông phải luôn mặc đủ ấm, đặc biệt là giữ ấm đôi bàn chân. Mỗi ngày nên kiên trì dùng nước ấm pha muối để ngâm chân, có thể cho vào một số dược liệu khác như quế, ngải, gừng..., sau đó mát-xa và kích thích các huyệt vị của hai bên chân để thúc đẩy tuần hoàn máu.

Mùa đông nên ngủ sớm, dậy muộn. Ngủ đủ giấc và chất lượng giấc ngủ tốt sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, dưỡng dương khí, vững chắc âm tinh.

Điều chỉnh cân bằng trạng thái tinh thần cũng là một yếu tố quan trọng trong việc dưỡng sinh mùa đông. Rất nhiều người trong mùa đông thường rơi vào trạng thái trầm ưu. Do đó, nên tập luyện vận động nhẹ nhàng như chạy bộ, khiêu vũ, yoga… vừa có tác dụng củng cố tinh thần vừa tăng cường sức khỏe.

Nắm vững phương pháp dưỡng sinh theo mùa cũng là yếu tố cốt lõi giúp cơ thể con người tránh được bệnh tật, sống khỏe mạnh, trường thọ.


Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Ý kiến của bạn