Việc đưa vào khai thác thương mại trước Tết âm lịch gần như không thể.
Tiếp tục lỗi hẹn
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã trễ hẹn vận hành đến lần thứ 6. Là tuyến đường sắt cao tốc nhưng tiến độ của dự án này như rùa bò.
Trước đó, giữa tháng 5/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đi kiểm tra tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từng chỉ đạo Ban Quản lý dự án, tổng thầu và các đơn vị phải đảm bảo tàu khai thác thương mại vào tháng 12/2018.
Đến giữa tháng 9/2018, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đưa vào chạy thử liên động toàn hệ thống từ ga Yên Nghĩa tới ga Cát Linh và ngược lại. Các đơn vị chức năng cam kết thúc đẩy quá trình này đưa vào khai thác thương mại trước Tết âm lịch Kỷ Hợi (2019). Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, việc đưa vào khai thác thương mại trước Tết Kỷ Hợi là gần như không thể thực hiện được khi khối lượng những công việc liên quan đến tuyến đường sắt này vẫn còn ngổn ngang.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chủ đầu tư là Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường sắt), tổng thầu thi công dự án theo hình thức EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc. Theo Tổng thầu EPC, công trình chưa được khai thác theo kế hoạch tiến độ do còn một số vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các hạng mục cũng như toàn bộ dự án. Các vướng mắc này do quy định khác nhau giữa 2 nước. Hiện nay, công tác nghiệm thu công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa hoàn tất. Đó là lý do gây nên sự chậm trễ nêu trên.
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành vào tháng 4/2019.
Tháng 4/2019 sẽ đưa vào vận hành thương mại
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, hiện còn 30% khối lượng công việc đang hoàn thành. Bộ đang chỉ đạo khẩn trương những công đoạn hoàn thiện cuối cùng để đến tháng 4/2019 sẽ đưa vào vận hành khai thác thương mại.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng đề nghị nhà thầu phải hoàn thiện hồ sơ xuất xứ, nguồn gốc thiết bị, vật tư; hồ sơ hoàn công từng phần để có thể hoàn thành hồ sơ nghiệm thu tổng thể; trên cơ sở đó, bàn giao công trình cho Hà Nội để đưa vào vận hành, khai thác. Sau khi bàn giao, tổng thầu cần tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực khai thác để đảm bảo vận hành tốt, an toàn. Công trình phải đảm bảo chất lượng, tiến độ và quan trọng hàng đầu là vận hành an toàn tuyệt đối, Bộ trưởng Thể yêu cầu.
Được biết, hiện nay, tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa được bàn giao về Ban QLĐS đô thị Hà Nội. Đơn vị này cũng đang trình phương án về giá vé tàu. Tuy nhiên, hiện cũng chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.
Trong khi đó, hiện vẫn đang hoàn thiện giai đoạn cuối nhưng ở một số nhà ga trên đường Láng, Nguyễn Trãi, Trần Phú, Hà Đông, Phùng Khoang..., nhiều nhà ga vẫn đang hoàn thành các công tác khớp nối với toàn hệ thống. Khu vực thang cuốn đi lên các nhà ga chưa được vận hành. Phải đến khi đảm bảo an toàn thì mới có thể đưa vào khai thác thương mại.
Càng chậm vận hành thì lợi ích của tuyến đường này càng bị ảnh hưởng. Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008, đến nay đã đội vốn thêm hơn 300 triệu USD. Phần lớn trong số này phải vay từ Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc và lãi cứ ngày càng phát sinh. Với phần vay này, tiền lãi cứ tăng theo từng ngày, trong khi dự án vẫn tiếp tục lỗi hẹn.
Nhìn nhận một cách khách quan, đối với dự án đầu tư công quy mô lớn, chúng ta chưa có đủ ngay năng lực trình độ về công nghệ, dự trù chi phí phát sinh, không thể làm tốt ngay được, phải có quá trình thử nghiệm tiếp thu. Vấn đề là phải có hệ thống thể chế đầu tư công tốt để nâng cao năng lực quản lý các bên liên quan, từ nhà thầu, nhà quản lý, trình độ khoa học công nghệ... - đó cũng là kinh nghiệm và bài học cho các dự án đầu tư công sau này.
Chỉ tính riêng khoản vay bổ sung 250 triệu USD từ Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc, Việt Nam phải trả nợ đúng hạn cả gốc lẫn lãi 650 tỷ đồng/năm, trong khi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chậm tiến độ 3 năm và chưa biết khi nào hoàn thành. Tất cả đều là vốn vay, càng kéo dài tiến độ thì nợ ngày càng lớn. Lãi chồng lãi, đến một lúc nào đó thì thay vì phát huy được tác dụng phát triển kinh tế, dự án trở thành của nợ đối với người dân.