Hà Nội

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Có thể vận hành trước Tết Nguyên đán?

14-01-2019 14:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau nhiều lần đưa ra lời hẹn về việc vận hành chính thức đoàn tàu, các đơn vị chức năng cam kết đưa vào khai thác thương mại trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi - 2019.

Tuy nhiên, việc có thực hiện được như lời hẹn hay không còn là dấu hỏi lớn, bởi công tác chuẩn bị vẫn còn ngổn ngang dù Tết sắp cận kề.

Chưa có lịch khai thác thương mại chính thức

Trao đổi với PV báo SK&ĐS, ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, việc có thể đưa vào khai thác thương mại trước Tết cổ truyền Kỷ Hợi hay không thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Các đơn vị chức năng đang cố gắng, phấn đấu hoàn thiện các bước nhưng cũng có những phần bị động, phụ thuộc vào chủ đầu tư. Để vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trước Tết Nguyên đán 2019, hiện nay bộ máy vận hành đã sẵn sàng, tuy nhiên còn phải qua quá trình vận hành thử mới đánh giá được mức độ sẵn sàng của nguồn nhân lực. Cũng theo ông Vũ Hồng Trường, có 681 người vận hành tuyến đường sắt này sẽ được thực nghiệm tại hiện trường, sau sát hạch, người nào đủ tiêu chuẩn mới được vận hành chính thức.

Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện chưa có lịch khai thác thương mại chính thức, các tàu đường sắt trên cao vẫn đang nằm trong lịch chạy thử. Quá trình này có thể kéo dài từ 3-6 tháng và sau đó mới tiếp tục đánh giá hoàn thiện. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã có buổi làm việc với các đơn vị đôn đốc việc thực hiện các quy trình liên quan. Tuy nhiên, hiện vẫn còn các vấn đề khác cần hoàn thiện như công tác nghiệm thu, hoàn tất hồ sơ, tài liệu... rồi mới có thể đưa vào khai thác thương mại - Thứ trưởng Đông cho biết.

Như vậy, tất cả các khâu chuẩn bị cho việc chạy chính thức đến nay vẫn trong giai đoạn hoàn tất, do đó chưa có gì chắc chắn rằng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 như đã cam kết trước đó.

Đoàn tàu chạy thử nghiệm của tuyến đường mang số hiệu HN00304 xuất phát từ ga Cát Linh, chạy liên tục trên tuyến đường sắt có chiều dài hơn 13km.

Đoàn tàu chạy thử nghiệm của tuyến đường mang số hiệu HN00304 xuất phát từ ga Cát Linh, chạy liên tục trên tuyến đường sắt có chiều dài hơn 13km.

Giá vé linh hoạt “Đi bao nhiêu - Trả bấy nhiêu”

Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội: Cát Linh - Hà Đông sắp đưa vào vận hành, khai thác với tiêu chí giúp giảm ùn tắc giao thông và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Đề cập về giá vé cụ thể, ông Vũ Hồng Trường cho biết, mức giá vé là do UBND TP. Hà Nội quyết định theo hướng làm sao để cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Nếu vận hành chính thức, đây là tuyến đường sắt đô thị được Nhà nước trợ giá nên mức vé sẽ không quá cao. Dự kiến nếu bình quân hành khách đi khoảng 5 - 6km giá vé sẽ cao hơn vé xe buýt khoảng 30%, còn đi toàn tuyến sẽ cao hơn.

Ông Trường cho biết thêm, công ty đã trình TP. Hà Nội phê duyệt để đưa ra giá vé vào thời điểm vận hành chính thức. Giá vé là giá được trợ giá nên sẽ rất phù hợp với thu nhập người dân, đồng thời là vé điện tử theo chuẩn quốc tế, đi bao nhiêu trả bấy nhiêu. Theo khảo sát, đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến này giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35-37% (xe buýt là 7.000đ/lượt toàn tuyến). Tuy nhiên, số đông người dân thích sử dụng vé tháng hơn và chấp nhận cao hơn 10-15% xe buýt, ông Trường cho biết.

Nói về công tác chuẩn bị, về phía Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành GTĐT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đã báo cáo lên TP. Hà Nội phương án chuẩn bị cho kế hoạch vận hành khi tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động. Trong đó, Sở GTVT cũng đã chuẩn bị kế hoạch liên quan tới công tác tích hợp các phương tiện công cộng với tuyến đường sắt đô thị. Để tạo thuận lợi cho người tham gia dịch vụ này, mạng lưới xe buýt sẽ được thay đổi để tích hợp với tuyến đường sắt. Trên hành lang tuyến đường sắt sẽ có khoảng hơn 30 tuyến xe buýt, trong đó các tuyến đầu cuối sẽ được tăng cường lượng xe. Nếu kết nối 12 ga của đường sắt với các tuyến xe buýt sẽ tăng mạnh hiệu quả đi lại của người dân. Bên cạnh đó, phương tiện cá nhân của người dân sẽ có vị trí thuận lợi để gửi xe, tạm thời có thể bố trí 8 nhà ga cho các phương tiện dừng đỗ và sẽ mở rộng trong tương lai.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị này sẽ thực hiện 144 chuyến/ngày với 960 hành khách/chuyến, theo ước tính, một ngày có khoảng 160.000 - 180.000 lượt hành khách sử dụng dịch vụ này, gấp 10 lần tuyến BRT. Khách đường sắt đô thị tăng sẽ kéo theo khách sử dụng các phương tiện công cộng khác như xe buýt cũng sẽ tăng với tốc độ nhanh, sẽ làm giảm tải phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) Vũ Quang Khôi cho biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu là 552,86 triệu USD. Năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Hiện 48 lái máy đã được cử đi học nước ngoài về, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ tiến hành sát hạch, cấp phép cho những lái máy này để họ có thể làm việc tại các dự án đường sắt đô thị.

Lâm Viên
Ý kiến của bạn