Ngay sau lễ bàn giao, đưa vào khai thác tuyến đường sắt, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, TP. Hà Nội là những vị khách đầu tiên lên tàu tại ga Cát Linh (đầu tuyến) khởi hành đến ga Yên Nghĩa (cuối tuyến).
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt chỉ đạo Tổng thầu EPC (Trung Quốc) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Metro Hà Nội trong quá trình khai thác, vận hành, bảo hành hệ thống.
Theo Thứ trưởng Đông, để phát huy hiệu quả dự án, tới đây cần có sự kết nối đồng bộ giữa các loại hình giao thông khác; đồng thời sớm hoàn thiện hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông đã được thông qua.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, thành phố sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417,8 km. Đây là loại hình vận tải khối lượng lớn nên cần được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, với tiến độ hiện nay, 8-10 năm mới xây dựng được một tuyến đường sắt đô thị. Do vậy, tới đây cần có bước đột phá trong việc huy động nguồn vốn ODA để đầu tư, xây dựng.
“Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có ý nghĩa quan trọng đối với giao thông công cộng của Hà Nội và là khởi đầu cho quy hoạch đường sắt. Đến nay, công trình đã hoàn thành và chấp nhận nghiệm thu, chuẩn bị đủ nhân lực, năng lực quản lý, xây dựng kế hoạch tiếp nhận bàn giao để vận hành khai thác”, ông Dương Đức Tuấn nói.
Đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Quản lý dự án đường sắt, Tổng thầu EPC, các sở ngành và địa phương nơi tuyến đường sắt đi qua đã nỗ lực thi công đưa dự án vào vận hành và khai thác, tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, dự án này thành phố cũng rút ra nhiều bài học để triển khai dự án sau.
Ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT - cho biết, tháng 10/2011 dự án chính thức được khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.
Từ tháng 12/2018, dự án thực hiện căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử kỹ thuật và vận hành thử nghiệm. Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đến cuối tháng 12/2020, dự án mới hoàn thành công tác chạy thử liên động toàn hệ thống.
"Trong thời gian chạy thử 20 ngày, Tổng thầu EPC đã thực hiện vận hành hơn 5.740 chuyến tàu chạy, với tổng số hơn 70.000 km vận hành an toàn dưới sự giám sát bởi các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn, các cơ quan chức năng và Hội đồng kiểm tra Nhà nước", ông Phương nói.
Cách đây hơn 1 tuần, tại cuộc làm việc với Bộ GTVT (ngày 27/10), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại, bàn giao tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho Thành phố Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác, sử dụng. Đến nay, các bước chuẩn bị tiếp nhận bàn giao tuyến đường sắt đô thị dài hơn 13km này cơ bản đã được hoàn thành và sẵn sàng đưa vào hoạt động thương mại ngay.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, toàn bộ đi trên cao. Điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa, trên tuyến có 12 nhà ga trên cao.
Việc tiếp nhận và khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ diễn ra ra trong 2 giai đoạn kéo dài khoảng 1 năm kể từ thời điểm bàn giao cho TP Hà Nội. Trong giai đoạn đầu tiên, dự án có 13 đoàn tàu, nhưng trong 6 tháng đầu sẽ vận hành cơ bản 6 đoàn không ngừng nghỉ, thời gian giãn cách là 15 phút; trong 6 tháng tiếp theo vận hành 9 đoàn tàu với thời gian giãn cách là 6 phút. Hà Nội sẽ khai thác toàn bộ 13 đoàn tàu dựa trên căn cứ vào lưu lượng hành khách. Sức chở tối đa là 960 người/đoàn.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác 35km/giờ. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông hoặc ngược lại là hơn 23,63 phút.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19