Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT cấp quyết định đầu tư, ban đầu Cục Đường sắt Việt Nam làm đại diện chủ đầu tư nhưng từ ngày 1/9/2014, quyền chủ đầu tư dự án đã được chuyển về Bộ GTVT. Dự án sử dụng vốn vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc.
Công cuộc “rùa bò” và “chiến dịch” đội vốn
Được phê duyệt từ tháng 10/2008, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư (TMĐT) 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD và 133,86 triệu USD là vốn đối ứng của Việt Nam.
Theo Ban Quản lý dự án, trong quá trình thực hiện có một số hạng mục phải bổ sung, phát sinh và điều chỉnh, chậm giải phóng mặt bằng làm thời gian thực hiện dự án kéo dài… làm tăng tổng mức đầu tư và cần sớm được giải quyết các thủ tục để kịp thời bổ sung nguồn vốn thì dự án mới có thể hoàn thành kế hoạch đề ra. Vì vậy, tháng 4/2014, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh mức đầu tư từ hơn 552,86 triệu USD lên 891,92 triệu USD, tăng 339 triệu USD (tăng 61% so với phê duyệt dự án ban đầu).
Lý giải việc “đội” vốn thêm hàng trăm triệu USD, Ban Quản lý Dự án này cho biết, do dự án trải qua thời gian khá dài, được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2004 và quyết định đầu tư vào tháng 10/2008, cho đến nay có nhiều biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án. Chi phí dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư đã duyệt năm 2008 là 17%, tương ứng 69,1 triệu USD, tuy nhiên tính toán của chủ đầu tư và Tedi cho thấy giá cả và chế độ chính sách thay đổi nên kinh phí trượt giá cho khối lượng xây lắp phải bổ sung dự tính khoảng 134,1 triệu USD.
Cũng theo Ban Quản lý dự án, đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp nên các đơn vị làm dự án “chưa có nhiều kinh nghiệm”… Một điều đáng nói khác là cả Chủ đầu tư lẫn Tổng thầu đều lần đầu tiên thực hiện hợp đồng EPC nên các điều khoản hợp đồng thống nhất lấy theo mẫu hợp đồng EPC của FIDIC, nhưng việc cụ thể hóa thành các điều khoản chi tiết cho phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện cụ thể của dự án lại chưa được xây dựng đầy đủ, nên quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều tình huống phức tạp và phải thảo luận kỹ mới thống nhất được.
Với việc phải điều chỉnh TMĐT, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội làm rõ nguyên nhân và kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức về việc chất lượng thiết kế cơ sở hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian thi công làm tăng tổng mức đầu tư và phải điều chỉnh dự án Dự án Cát Linh - Hà Đông.
Ở dự án này, tiến độ thực hiện theo phê duyệt ban đầu là phải hoàn thành vào tháng 11/2013, tuy nhiên thực tế tháng 10/2011 dự án mới khởi công nên dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại ngày 31/12/2015.
Từ rơi một thanh thép… đến sập cả hệ thống sàn
Hồi đầu tháng 11/2014, trong quá trình cẩu thép cây để thi công kết cấu phần trên ga Thanh Xuân III, nhà thầu đã để tuột rơi thanh thép khiến một người điều khiển xe mô tô tên là Nguyễn Như Ngọc (học viên Học viện An ninh) tử vong và 2 người khách đang cùng tham gia giao thông bị thương.
Sau khi tai nạn xảy ra, Bộ GTVT đã đình chỉ thi công toàn bộ dự án nhằm rà soát, thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn thi công và hướng dẫn giao thông. Ban Quản lý dự án Đường sắt, Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (FPC), nhà thầu phụ, Tư vấn giám sát kiểm điểm và phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm minh và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, “kiên quyết không để xảy ra sự cố tương tự trong thi công dự án”.
Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau, ngày 28/12, nhà thầu phụ tiếp tục để xảy ra sự cố đáng tiếc trong khi thi công đã đè bẹp chiếc taxi 4 chỗ đang di chuyển qua đoạn này, rất may cả 4 người đều được cứu hộ kịp thời nên thoát chết. Nguyên nhân là giàn giáo bị dịch chuyển, khi đổ bê tông, giàn giáo mất khả năng chịu lực dẫn đến sập hệ thống sàn, đà giáo và sụt bê tông.
Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt bị đình chỉ công tác để kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm (trực tiếp giám sát dự án). Nhà thầu phụ thi công - Công ty CP Tư vấn Công nghệ và Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech) bị Bộ GTVT đình chỉ và “cấm cửa” không cho tham gia thi công bất kỳ hạng mục nào khác của Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Bộ GTVT Đình chỉ vô thời hạn đối với ông Tạ Trung Văn, Tư vấn giám sát phụ trách nhà ga Bến xe Hà Đông và nghiêm khắc cảnh cáo Tư vấn giám sát trưởng Diêm Chí Cương.
Một ngày sau khi xảy ra sự cố, Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định giáng chức người đứng đầu Ban Quản lý Dự án đường sắt từ quyền Tổng Giám đốc xuống làm Phó Tổng Giám đốc. Lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông cũng bị kỷ luật cảnh cáo.
Rõ ràng, lo sợ chồng chất lo sợ khi chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng mà liên tiếp các sự cố nguy hiểm xảy ra trên tuyến đường sắt trên cao đang thi công. Và sẽ không có gì là khó hiểu khi người tham gia giao thông đang có ý định tự bảo vệ mình bằng cách “tẩy chay” cả tuyến đường trên cao Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường Nguyễn Trãi.