Đương quy - vị thuốc bổ máu

30-04-2023 06:50 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Đương quy là vị thuốc đầu tay của các thầy thuốc Đông y trong trị các bệnh phụ nữ, nhuận tràng và nhiều bệnh khác. Trong đó tác dụng bổ máu là một trong những tác dụng vượt trội của vị thuốc này.

1. Tác dụng bổ huyết của đương quy

Đương quy còn có tên gọi là tần quy, vân quy, xuyên quy.

Tên khoa học Angelica sinensis (Oliv.) Diels. Thuộc họ Hoa tần apraceae (Umbelliferae).

Đương quy (Radix Angelicae sinensis) là rễ phơi hay sấy khô của cây đương quy.

Quy là về, vì vị thuốc này có tác dụng điều khí, nuôi huyết, làm cho huyết đang loạn xạ trở về chỗ cũ.

Bài thuốc, món ăn bổ máu có đương quy - Ảnh 1.

Cây đương quy cho ta vị thuốc bổ máu.

Đương quy là một loại cây nhỏ, sống lâu năm, cao chừng 40-80cm, thân màu tím có rãnh dọc.

Theo Đông y đương quy vị cay, ngọt, tính ấm; vào 3 kinh tâm, can, tỳ, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt trường, điều huyết, thông kinh.

2. Bài thuốc bổ máu có đương quy

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh giới thiệu một số bài thuốc, món ăn bổ máu có đương quy như sau:

- Bài tứ vật (tứ vật thang): Đương quy 12g, thục địa 12g, bạch thược 8g, xuyên khung 6g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày, uống khi thuốc còn ấm.

Dùng làm thuốc chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, đẻ xong máu hôi chảy mãi không ngừng.

Bài thuốc, món ăn bổ máu có đương quy - Ảnh 2.

Đương quy - vị thuốc bổ máu.


- Bài đương quy kiện trung thang của Trương Trọng Cảnh dùng chữa bệnh phụ nữ sau khi đẻ thiếu máu, thuốc bổ huyết: Đương quy 12g, quế chi, sinh khương, đại táo, mỗi vị 6g, thược dược 10g, đường phèn 50g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.

- Trường hợp khí và huyết đều kém, người mệt mỏi, vô lực, da xanh xao, gầy còm: Đương quy 20g, hoàng kỳ chích mật 40g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3 - 4 tuần lễ. 

Hoặc đương quy, nhân sâm (đảng sâm), bạch linh, bạch truật, bạch thược, thục địa mỗi vị 12g; xuyên khung 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3 - 4 tuần.

- Trị các chứng xuất huyết: Đương quy, bồ hoàng sao vàng hoặc đen, đại hoàng, hòe hoa, a giao, mỗi vị 30g. Tất cả các vị thuốc đều tán sao, thêm mật ong làm hoàn, ngày 2 lần, mỗi lần 10g.

- Trị tiêu hóa kém do tỳ hư dẫn đến khí huyết đều kém, cơ thể gầy yếu, kém ăn, kém ngủ: Đương quy, viễn chí, cam thảo mỗi vị 4g; bạch truật, hoàng kỳ, bạch linh, hắc táo nhân mỗi vị 12g; đảng sâm, mộc hương mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Chia làm 2 -3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

Bài thuốc, món ăn bổ máu có đương quy - Ảnh 4.

Thục địa phối hợp với đương quy và các vị thuốc khác chữa thiếu máu.

3. Món ăn bài thuốc bổ máu có đương quy

- Canh đương quy thịt dê: Đương quy 15g, hoàng kỳ 45g, nhân sâm 30g, thịt dê 400g. Các dược liệu cho vào cùng nấu với thịt dê tầm 4 giờ đến khi thịt dê chín nhừ, thêm gia vị. Chia làm 2 lần ăn trong ngày.

Tác dụng: Dùng tốt cho người bị thiếu máu suy nhược, sau khi bị bệnh lâu ngày cơ thể suy kiệt, hồi hộp đánh trống ngực, ăn kém.

- Đương quy hầm gà: Đương quy 30g, gà mái 1 con (làm sạch chặt khúc). Cho gà, đương quy, gừng, hành, vài ngọn ngải cứu, gia vị đặt trong nồi, đậy kín, đun trong 2 - 3 giờ.

Tác dụng: Dùng cho phụ nữ kinh nguyệt không đều, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp đánh trống ngực.

Bài thuốc, món ăn bổ máu có đương quy - Ảnh 5.

Đương quy hầm gà dùng cho phụ nữ kinh nguyệt không đều.

- Đương quy tứ vị: Đương quy 12 - 16g, thục địa 12g, long nhãn 9g, đại táo 30g, nước lượng thích hợp, đun nhỏ lửa. Gạn nước uống 2 - 3 lần trong ngày.

Tác dụng: Dùng tốt cho người bị đau đầu hoa mắt, chóng mặt, mỏi mệt, da xanh tái, hồi hộp mất ngủ, phụ nữ kinh nguyệt không đều.

Kiêng kỵ: Người có chứng tỳ thấp, tiêu chảy, nóng sốt (lao đang tiến triển, u thượng thận, bướu độc giáp trạng) không được dùng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đau nhức hốc mắt - Coi chừng mắc bệnh nguy hiểm.


Hải Long
Ý kiến của bạn