Hà Nội

Đường phố Hà Nội không thích hợp trồng cây Vàng tâm?

21-03-2015 11:05 | Thời sự
google news

Đường phố Hà Nội, nhất là những tuyến phố trung tâm mua hè có lúc lên tới 40 độ C, cây Vàng tâm rất khó phát triển, thậm chí còn không tồn tại được…

Cây Vàng tâm chỉ có thể phát triển tốt ở những nơi có khí hậu mát mẻ (dưới 30 độ C). Đường phố Hà Nội, nhất là những tuyến phố trung tâm mua hè có lúc lên tới 40 độ C, cây Vàng tâm rất khó phát triển, thậm chí còn không tồn tại được…

Đó là nhận định của Tiến sĩ Đặng Văn Hà - Giảng viên bộ môn Lâm nghiệp đô thị, khoa Lâm học (Trường Đại học Lâm nghiệp - Hà Nội) trước việc Hà Nội vừa trồng mới hàng trăm cây Vàng tâm thay thế cho những cây xanh bị chặt hạ.

382 cây Vàng tâm vừa được trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh.

 

382 cây Vàng tâm vừa được trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh.
382 cây Vàng tâm vừa được trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh.

TP Hà Nội đã triển khai trồng khoảng 382 cây Vàng tâm trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh; trong đó 191 cây bên dãy phố đánh số lẻ là sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội, 191 cây bên dãy phố đánh số chẵn là do một ngân hàng đóng góp.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Tiến sĩ Đặng Văn Hà, trồng cây Vàng tâm tại các tuyến phố ở trung tâm Hà Nội là không phù hợp. Cây rất khó phát triển, thậm chí không tồn tại được.

Tiến sĩ Đặng Văn Hà trao đổi với PV Dân trí
Tiến sĩ Đặng Văn Hà trao đổi với PV Dân trí

Khó phát triển, thậm chí không thể tồn tại!

Theo Tiến sĩ Hà, cây Vàng tâm chỉ thích hợp trồng ở những nơi thoáng mát, độ ẩm cao, khí hậu mát mẻ, thường phải dưới 30 độ C thì cây mới tồn tại và phát triển được. Cây Vàng tâm nếu trồng làm cảnh quan, người ta thường trồng ở công viên, nơi có không gian thoáng mát; hoặc nếu trồng ở đường phố phải ở những nơi có khí hậu thích hợp như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng)…

Tiến sĩ Hà phân tích: “Cây Vàng tâm ưa nơi có khí hậu thoáng mát, thường dưới 30 độ C và độ ẩm cao, nhưng không được ngập úng. Đường phố trung tâm Hà Nội vào mùa hè, nhiệt độ có chỗ lên đến 40 độ C thì cây làm sao mà phát triển được, nó sẽ cứ còi cọc, thậm chí còn khó tồn tại được. Mặt khác, đường phố Hà Nội vào mùa mưa rất hay ngập úng, cộng với đất dinh dưỡng ít nên Vàng tâm trồng ở đó là không phù hợp. Tôi lấy ví dụ, cây Vàng tâm đã được trồng ở đường vào khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc từ năm 2009, nhưng mấy hôm trước tôi đến, cây vẫn rất còi cọc, mà ở đấy không khí còn thoáng hơn nhiều so với ở trung tâm Hà Nội”.

Tiến sĩ Hà khuyến cáo, nếu tiến hành trồng mới thay thế những cây bị hỏng trên những tuyến phố của Hà Nội, nên trồng những loại cây như Sao đen, Lát hoa, Sấu bởi những cây này có khả năng “chống chọi” tốt với khí hậu, cũng như thổ nhưỡng nghèo dinh dưỡng trên các đường phố.

Cây bị sâu mọt vẫn chữa trị được

Liên quan đến đề án cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh đô thị trên địa bàn Hà Nội, Tiến sĩ Hà cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc làm của TP Hà Nội và cho rằng đề án này đã được triển khai rất vội vàng.

Theo ông, trước khi quyết định “khai tử” 6.700 cây xanh, Hà Nội đáng lẽ nên bàn bạc với các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cây và các đơn vị khác để có những quyết định đúng đắn, hợp lý hơn; tránh sự phản đối kịch liệt của dư luận như hiện nay.

“Tôi thường nói vui với các em sinh viên của tôi là ở Hà Nội các anh công nhân môi trường chặt cây giỏi, có khi giỏi nhất thế giới (cười). Họ chỉ trong thời gian rất ngắn là làm cho cái cây to vật vã đổ sập xuống. Đề án trên có nói cây sâu mọt sẽ bị chặt bỏ. Tôi thấy rất buồn, cây đã tồn tại hàng chục năm, thậm chí lên tới cả trăm năm nay, phải coi nó là di sản của Thủ đô chứ. Cây bị bệnh thì phải chữa, người ta có cả viện nghiên cứu chữa cây. Cây bị sâu mục, chữa trị được là bình thường, phải cứu lấy cây chứ, trường hợp nào nặng quá mới phải chặt bỏ. Chứ không phải hễ cứ sâu mục là chặt bỏ được!” - Tiến sĩ Hà nói.

Khi cắt cành cây phải bôi phủ 1 lớp nhựa composite để mưa và nấm mốc không xâm nhập được vào cây.
Khi cắt cành cây phải bôi phủ 1 lớp nhựa composite để mưa và nấm mốc không xâm nhập được vào cây.

Ông Hà cũng tỏ ra rất quan ngại về kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cành cây của công nhân cây xanh, bởi họ làm chưa thực sự đúng kỹ thuật. Cắt tỉa cành cũng cần được tính toán để cây còn phát triển được. Khi cắt tỉa cành xong cần bôi phủ 1 lớp nhựa composite tại vị trí vết cắt để tránh nước mưa, nấm mốc xâm nhập vào thân cây, làm cây bị mục ruỗng dẫn đến đổ khi gặp thời tiết xấu.

Nói về giá trị gỗ của những cây xà cừ có niên đại nhiều năm, Tiến sĩ Hà cho biết thêm: “Gỗ cây xà cừ có niên đại hàng chục năm như ở Hà Nội rất có giá trị, tôi không phải là dân thương mại nên không định được giá chính xác. Nhưng đối với những cây cổ thụ như vậy, ngoài giá trị về gỗ (giá trị trực tiếp) thì giá trị gián tiếp có thể lên đến 20-30% nữa, đó là những giá trì về cảnh quan, môi trường, di sản… Đối với cây xanh trồng ở trong rừng, giá trị gỗ chỉ là 30%, còn lại 70% là giá trị về môi trường”.

Cũng theo quan điểm của ông, nếu TP Hà Nội muốn thực hiện thay thế những cây “không đúng chủng loại đô thị” thì cần tính toán thêm; phải làm từ từ, trồng xen kẽ, đợi cây con lớn lên rồi mới đánh chuyển cây cần thay thế. Nếu ồ ạt thực hiện thay thế 6.700 cây như đề án trên, Hà Nội sẽ rất “tan hoang”.

Theo Dân Trí

 


Ý kiến của bạn