1. Các loại thuốc điều trị đái tháo đường
Theo TS.BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao hơn bình thường do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc đề kháng insulin (cơ thể không sử dụng hiệu quả insulin).
Sau khi được chẩn đoán đái tháo đường, đa số người bệnh cần dùng thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Theo đó, một số loại thuốc hạ đường huyết thường được sử dụng trong điều trị đái tháo đường bao gồm:
- Insulin: Được sử dụng bắt buộc trong điều trị đái tháo đường type 1 và đái tháo đường thai kỳ. Bên cạnh đó, đối với đái tháo đường type 2, insulin được chỉ định trong các trường hợp trường hợp cấp tính (nhiễm toan, chấn thương…), sụt cân không kiểm soát, phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ…
- Metformin: Thuốc có tác dụng làm giảm sự đề kháng insulin và ức chế gan giải phóng glucose. Đây là một trong những thuốc đầu tay trong điều trị đái tháo đường type 2.
- Sulfonylurea: Làm giảm lượng đường trong máu bằng cách kích thích tuyến tụy bài tiết insulin, đồng thời ngăn gan giải phóng glucose. Thuốc mang lại hiệu quả trên người bệnh đái tháo đường type 2.
- Acarbose: Có tác dụng làm giảm khả năng hoạt động của men tiêu hóa tinh bột tại ruột, giảm hấp thu đường, do đó người bệnh cần uống trước bữa ăn để kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngoài ra, một số thuốc khác như thuốc ức chế DPP4, thuốc chủ vận dopamin, thuốc ức chế SGLT2... thường được kết hợp với metformin để tăng cường hiệu quả kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Tùy vào từng tình trạng cũng như khả năng đáp ứng thuốc điều trị, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho người bệnh.
Người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
2. Mục tiêu điều trị đái tháo đường
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh đái tháo đường. Việc điều trị đái tháo đường nhằm giúp duy trì ổn định đường huyết, kiểm soát và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra.
Nếu người bệnh ngừng thuốc có thể khiến đường huyết tăng dần trở lại mà người bệnh khó nhận biết. Khi đường huyết tăng quá cao, người bệnh có nguy cơ gặp các biến chứng cấp tính khó lường như tăng áp lực thẩm thấu, nhiễm toan ceton dẫn đến hôn mê… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, khi ngừng dùng thuốc, đường huyết không ổn định trong thời gian dài có thể gây tổn thương mạch máu, nhanh dẫn đến các biến chứng mạn tính như suy thận, mờ mắt…
Vì vậy, để đảm bảo đường huyết ổn định, người bệnh không nên ngưng thuốc điều trị. Bên cạnh đó, cần tuân thủ lịch tái khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường để được điều chỉnh liều thuốc phù hợp với tình trạng từng giai đoạn.
Không đi khám định kỳ mà sử dụng một đơn thuốc kéo dài cũng có thể khiến kết quả điều trị và phòng ngừa biến chứng bị giảm sút.
Để đảm bảo đường huyết ổn định, người bệnh đái tháo đường không nên ngưng thuốc điều trị.
3. Các biện pháp kiểm soát đường huyết ổn định ở người bệnh đái tháo đường
Bên cạnh uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần thường xuyên theo dõi đường huyết kết hợp duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp.
- Tránh bỏ bữa, nên chia nhỏ bữa ăn để hạn chế nguy cơ hạ đường huyết.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ nhiều đường, dầu mỡ, ăn nhạt, tăng cường nhiều rau xanh và trái cây có chỉ số đường huyết thấp.
- Tập thể dục đều đặn, phù hợp với thể trạng.
- Hạn chế các thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, thức khuya, uống rượu bia…
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Thực phẩm tốt cho tiêu hóa và giấc ngủ vào buổi tối | SKĐS