Với chủ đề "Xuân yêu thương, Tết sum vầy", đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 sẽ được bố trí thành 3 phân đoạn như ba tổ khúc trong bản hòa âm sắc màu đa cung bậc, từ khúc thoại đầu "Nguồn cội quê hương" đến quãng cao trào "Băng sông vượt biển" và khúc hạ màn "Vươn mình hội nhập".
Kỷ lục linh vật rồng dài hơn 100 mét
Đường hoa có đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật rồng uốn lượn với tên gọi "Lưỡng Long triều liên" (đôi rồng chầu sen). Mỗi linh vật có 5 đoạn thân uốn lượn dọc hai bên đường hoa với độ dài hơn 100m và kích thước vòng đầu hơn 2m, miệng ngậm ngọc đường kính 50cm, thân Lưỡng Long sẽ đan chéo vào nhau tạo mái trần trang trí.
Ngoài việc lập kỷ lục về kích thước con giáp từng xuất hiện trên đường hoa Nguyễn Huệ, linh vật rồng năm nay còn được tạo hình thân thiện với môi trường, khi hơn 90% chất liệu được sử dụng trong ốp tạo hình là mây tre và mành quạt nan.
Theo ban tổ chức, ba linh vật rồng là sự kết hợp các đặc điểm rồng của thời Trần, thời Lý và thời Nguyễn. Thân rồng uốn lượn hình sin theo hướng bay lên là đặc điểm thường thấy trong hình ảnh rồng thời Lý và Trần, hình dáng đuôi xòe như ngọn lửa là đặc điểm của rồng thời Nguyễn.
Rồng trên đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 mang những đặc tính được chọn lọc và trau chuốt, với ba màu sắc chủ đạo là vàng đất, xanh lam và cam đỏ bã trầu.
Đại cảnh hoành tráng
Bên cạnh linh vật rồng khổng lồ, công trình đường hoa Nguyễn Huệ Tết năm nay còn có các đại cảnh hoành tráng. Ở đại cảnh "Vườn mai Bác Hồ", năm nay làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TPHCM) tiếp tục góp thêm vẻ đẹp rực rỡ mà dung dị cho khu vực tôn nghiêm này. Hàng nghìn lá nhôm mỏng được treo lên cành mai nhà vườn, tôn thêm vẻ đẹp, tạo hiệu ứng óng ánh, long lanh cả ngày và đêm.
Đại cảnh "Thuyền rồng hoa xuân" đầu phân đoạn 2 chiếm trọn bề ngang đường hoa và bao phủ phần diện tích lên đến 900 m2. Trên đường hoa Tết 2024, du khách sẽ dạo bước bên ngoài mạn thuyền, vừa chiêm ngưỡng hoa lá ở hai bên, vừa có thể nhìn thấy hướng lưu thông ở chiều ngược lại.
Lấy ý tưởng từ lễ hội đua thuyền rồng, đội thuyền gồm 1 thuyền chính dài 66 m và 5 thuyền hộ tống theo ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ dài hơn 9m, cao gần 3m, ốp mành mây tre đan kín, sơn màu tạo họa tiết. Hiệu ứng nhân đôi xuất hiện ở thân thuyền lớn nhờ tấm vật liệu giả gương chạy dọc chiều dài thân. Đại cảnh được chiếu sáng bởi hệ thống đèn lắp đặt trên 48 mái chèo.
Đại cảnh "Nhất đại Thăng Long", đây là đại cảnh lớn nhất trên đường hoa với diện tích bao phủ hơn 1.000m2. Linh vật của đại cảnh toàn thân lộ trên mặt đất với 4 đoạn uốn thân cách mặt đất 5m và hệ thống đèn led dài hơn 100m chạy dọc toàn bộ thân rồng.
Trung cảnh và gian hàng trưng bày của lãnh sự quán các nước
Trung cảnh đường hoa là đầm sen rộng hơn 1.000 m2 với những bông sen và lá sen khổng lồ được làm từ kẽm, vải voan và "Cửa chín rồng" gồm 9 ghế rồng mang tên chín cửa của sông Cửu Long.
Trung cảnh hứa hẹn được nhiều du khách sưu tầm trọn vẹn 9 tấm ảnh độc đáo của con sông dài nhất chảy qua lãnh thổ Việt Nam.
Ngay trước đại cảnh cổng kết đường hoa, trung cảnh "Lễ hội mùa xuân" và "Mây thủy tinh" được bố trí nối tiếp nhau. Đây là sự kết hợp các màu sắc vàng, hồng đậm tươi tắn của 5 chiếc quạt có đường kính dao động từ 13 m đến 18 m và đám mây xanh do các tấm giả thủy tinh uốn gợn sóng kết thành đám mây hình tròn.
Đồng thời, giữa phân đoạn 1 và 2 sẽ là gian hàng trưng bày, cắm hoa nghệ thuật của lãnh sự quán các nước tại TPHCM. Hơn 90.000 giỏ hoa các loại sẽ được sử dụng để trang trí trải dài hơn 600m đường hoa Tết 2024.
Dự kiến, đường hoa sẽ được thi công từ 7h ngày 21/01/2024 đến 12h ngày 07/02/2024. Mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách từ 19h ngày 07/02/2024 đến 21h ngày 14/02/2024.