Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, xưa và nay

02-05-2009 16:02 | Quốc tế
google news

Ông đã viết cảm nhận của mình về con đường Trường Sơn, con đường cách mạng qua quá trình tiếp xúc thân tình và cảm động với những người bạn Việt Nam, người bạn bên kia trận tuyến. Sức khỏe & Đời sống xin trích giới thiệu bài viết của ông.

Là phóng viên Thời báo Los Angeles, David Lamb đã có cơ hội tới thăm 120 nước trên khắp các châu lục trong 31 năm nghề báo của mình. Ông là phóng viên chuyên về mảng chiến tranh. Năm 1997, quay trở lại Việt Nam trên cương vị là người phụ trách mảng Đông Nam Á của The Times văn phòng tại Hà Nội, David Lamb nhận thấy sự chuyển mình của một đất nước hòa bình. Ông đã viết cảm nhận của mình về con đường Trường Sơn, con đường cách mạng qua quá trình tiếp xúc thân tình và cảm động với những người bạn Việt Nam, người bạn bên kia trận tuyến. Sức khỏe & Đời sống xin trích giới thiệu bài viết của ông.

 

Đường Trường Sơn hôm nay.

Tại vĩ tuyến 17 ngày và đêm, nơi hàng vạn chiến sĩ tiếp tế cho mặt trận, một con đường đã được xây dựng qua tỉnh Quảng Trị mang tên đường mòn Hồ Chí Minh. Nhà cụ Bùi Thị Duyên ở bản Đội nằm sát mép con đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa. Bản Đội là nơi yên tĩnh và hẻo lánh hầu như ít người biết tới. Thế nhưng năm xưa, trong suốt cuộc “chiến tranh Việt Nam”, nơi đây hàng ngàn chiến sĩ Việt Nam biết tới bản Đội, địa danh nằm cách Hà Nội 80km về phía Nam. Đây là nơi nghỉ đêm trên hành trình Nam tiến của họ. Hệ thống các lối mòn hình thành do lớp lớp các bàn chân đi xuyên qua rừng và những con đường họ đi qua là một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất trên thế giới. Có đến 24 nguyên nhân khiến một người chiến sĩ có thể bị chết trên đường hành quân: sốt rét và kiết lỵ khiến bạn kiệt quệ, mưa bom bão đạn của không quân Mỹ làm cho bạn phải tìm nơi ẩn nấp liên tục, hổ có thể ăn thịt bạn, rắn cắn, lũ và lở đất... Chỉ riêng mệt lả trên đường hành quân cũng là nguyên nhân khiến không ít chiến sĩ hy sinh.

Khi chiến tranh kết thúc năm 1975, con đường mòn này gần như bị bỏ quên. Những tán lá rừng lại mọc um tùm và che khuất những lối mòn tiếp tế, những cây cầu ọp ẹp và boongke bằng đất trải dài hơn một ngàn dặm từ hẻm núi được biết đến với tên gọi Cổng Trời, con đường Nam tiến của các thanh niên xung phong Hà Nội năm xưa. Những thôn bản vốn quen thuộc trên con đường hành quân như bản Đội chìm trong quên lãng, thậm chí quá xa xôi hẻo lánh để được ghi tên trên bản đồ. Quân đội Việt Nam đã xây dựng nên một con đường dưới những đợt không kích thảm khốc của không quân Mỹ. Đây được coi là một trong những kỳ công vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh.

Tôi gặp cụ Duyên khi quay trở lại Việt Nam tháng 5/2007 để tìm hiểu về những người đã trải qua tháng năm trên con đường huyền thoại mang tên vị lãnh tụ của đất nước. Ngồi trên tấm ni-lông màu xanh, cụ đang quạt để xua đi nắng nóng đến ngộp thở, hy vọng bán thêm vài củ khoai và những mớ rau thơm bên mẹt hàng. Năm nay đã 74 tuổi, những hồi ức thời chiến của cụ vẫn còn như in. Cụ nhớ thời đó cái đói luôn dai dẳng: “Chúng tôi phải gieo trồng, cấy cày vào ban đêm vì sợ bom Mỹ. Chúng tôi còn phải leo núi để hái măng ăn nữa”. Hồi đó dân làng rất cưu mang bộ đội, những đồ ăn nào mà họ có, kể cả những con lợn quý giá mà họ nuôi, đều dành cho bộ đội hành quân qua bản. Trên những chiếc xe đạp của đoàn người hành quân chở đầy đạn dược hoặc trĩu nặng gạo, muối, thuốc men và vũ khí. Cụ gọi họ là những “chàng trai Hà Nội”, nhưng đôi khi họ chỉ qua độ tuổi niên thiếu một chút. Tuy nhiên, ngày hôm nay, trong ký ức của cụ còn nhiều điều khác hơn là chiến tranh. Cụ suy nghĩ về những tác động của những dự án sau chiến tranh với bản Đội. “Không có con đường đó, chúng tôi không có tương lai”.

Dự án bắt đầu từ năm 2000 và dự tính mất 20 năm để hoàn thành, sẽ biến con đường mòn thành đường cao tốc Hồ Chí Minh, đường giao thông huyết mạch chạy 1.980 dặm từ biên giới Trung Quốc tới tận địa đầu đồng bằng sông Cửu Long. Việc chuyển đổi con đường mòn đó thành đường cao tốc như một phép ẩn dụ về hành trình của Việt Nam từ chiến tranh sang hòa bình. Đặc biệt rất nhiều công nhân xây dựng con đường này là con trai, con gái của những người chiến sĩ năm xưa, có những người chiến sĩ đã từng hy sinh trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Đường mòn Hồ Chí Minh có thể được sánh với con đường mòn Hannibal qua đỉnh Alps và công trình này có thể sánh với Hiến pháp Hoa Kỳ của Tướng Washington, một điều tưởng chừng như không thể lại trở thành có thể và làm thay đổi cả lịch sử.

 

Con đường vận chuyển tiếp tế cho trận tuyến năm xưa mà người Việt Nam gọi bằng tên gọi đường Trường Sơn, ngay sau những dãy núi không phải là một con đường đơn lẻ. Đó là một hệ thống dài 12.000 dặm gồm các con đường mòn, đường xe tải, đường vòng vắt xuyên qua Đông Lào và Đông Bắc Campuchia và xuyên chằng chịt qua Việt Nam. Từ 1959-1975, khoảng 2 triệu chiến sĩ và dân công Bắc Việt đã đi qua tuyến đường này, biến nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm đánh bại ngụy quyền, thống nhất hai miền thành hiện thực.

Trong suốt cuộc chiến, tôi từng làm việc cho United Press International vào cuối những năm 1960, khi đó Đường mòn Hồ Chí Minh vẫn còn là một bí ẩn. Tôi không thể tưởng tượng nổi con đường đó như thế nào. Tôi chưa từng biết về một con đường nào như vậy cả. Năm 1997, khi tới Hà Nội, “thủ đô của kẻ thù”, đó là cách mà tôi thường gọi vào thời chiến khi hai miền chia cắt trong các chuyến biệt phái của mình với tư cách một phóng viên cho tờ Thời báo Los Angeles. Hầu hết những người đàn ông từng băng qua con đường huyền thoại mà tôi gặp đều ngấp nghé ngũ tuần, trong 4 năm tại Hà Nội và các chuyến đi xuyên Việt, tôi đã ghi chép lại những câu chuyện của họ. Họ mời tôi về nhà, niềm nở nói chuyện, và tôi được tiếp đón trong bầu không khí bạn bè thân tình. Tôi chợt nhận ra rằng người Việt Nam đã gác lại quá khứ, ngay cả khi nhiều người Mỹ vẫn còn vật lộn với tàn tích của cuộc chiến.

Trọng Thanh là một trong những người vui mừng chào đón tôi trước cửa trong một con hẻm ở Hà Nội, với một chén trà xanh trên tay. Là một trong những nhiếp ảnh gia danh tiếng nhất miền Bắc thời đó, ông đã dành 4 năm để xây dựng tư liệu về cuộc sống trên con đường Trường Sơn và đã từng triển lãm tranh tại Mỹ năm 1991. Những hình ảnh nói lên cảm xúc của chiến tranh nhiều hơn là sự hỗn độn của cuộc chiến: một người lính Việt Nam đang chia sẻ bi-đông nước cùng một lính ngụy bị thương; phút giây trìu mến giữa một người lính tuổi thiếu niên với một nữ y tá cũng chỉ chừng 15 tuổi; 3 thanh niên gượng cười khoác vai nhau, chuẩn bị cho một sứ mệnh mà họ biết là có lẽ ra đi sẽ không quay trở về. “Sau khi chụp ảnh cho họ xong, tôi đã quay mặt đi và khóc”, ông Thanh xúc động nói.

BQT (Theo smithsonianmag.com)

 


Ý kiến của bạn