Ngày 6/5, cách đây 20 năm, đường hầm eo biển Manche hoàn thành, mở ra một chương mới cho những hành trình xuyên biển nối hai bờ văn minh của nhân loại, Anh và lục địa châu Âu. Hãy cùng điểm lại những đường hầm loại “khủng” trên thế giới.
Tàu cao tốc chạy trong đường hầm xuyên biển.
Một trong bảy kỳ quan thế giới hiện đại
Đường hầm eo biển Anh là một đường hầm đường sắt dài 50,45km, trong đó 38 cây số được vùi dưới lòng đại dương, sâu 100m dưới mực nước biển Manche. Paris chỉ còn cách London có 2 giờ 15 phút. Với đường hầm, tàu hỏa cao tốc Eurostar băng qua biển Manche trong vỏn vẹn 35 phút. Đây là một đại dự án với nhiều khởi đầu sai lầm nhưng cuối cùng đã thành công vào năm 1994. Đường hầm đường sắt này dài thứ hai thế giới; tuyến đường hầm Seikan ở Nhật Bản dài hơn nhưng đoạn dưới biển chỉ là 37,9km, là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới. Năm 1996, Hội Kỹ sư dân dụng Mỹ đã coi đường hầm này là một trong bảy kỳ quan thế giới hiện đại.
Trong hai thập niên qua, 330 triệu lượt du khách, 60 triệu chiếc xe và 300 triệu tấn hàng đã sử dụng công trình xây dựng này. Tháng 9/2013, Liên đoàn Các văn phòng kỹ sư Quốc tế đã bình chọn đường hầm dưới lòng biển Manche là một trong những công trình quan trọng nhất của ngành xây dựng cầu đường trên thế giới trong suốt 100 năm vừa qua.
Thành công ngoạn mục nhất của tập đoàn khai thác đường hầm là cách nay mới chỉ 20 năm, 75% người Anh cho biết không có ý định sang Pháp bằng đường bộ thế nhưng ngày nay chỉ cần một cuộc đình công của nhân viên hãng xe lửa Eurostar cũng đủ để báo chí London bất bình vì cảm thấy người dân Anh bị “cô lập” với lục địa!
Đường hầm sắt dài nhất thế giới
Đây là hầm đường sắt dài nhất thế giới với tổng chiều dài 53,85km, trong đó phần chìm dưới biển có chiều dài 23,3km. Nó nằm bên dưới eo biển Tsugaru nối liền hai đảo Honshu và Hokkaido - một phần của tuyến Kaikyo thuộc Công ty đường sắt Hokkaido. Hầm được xây dựng năm 1971 và hoàn thành năm 1988, thuộc sở hữu của Cục Công nghệ, Vận tải và Kỹ thuật đường sắt Nhật Bản và chịu sự điều hành của Công ty đường sắt Hokkaido. Ban đầu, hầm chỉ có các rãnh đường ray hẹp. Nhưng sau khi Dự án Hokkaido Shinkansen được khởi công vào năm 2005, nó đã được trang bị các rãnh kép và nối với hệ thống Shinkansen. Hầm có 52km đường ray liên tục với hai nhà ga đầu tiên trên thế giới được xây dựng dưới biển. Hiện nay, mặc dù đây là tuyến đường hầm giao thông dài nhất thế giới, nhưng sự phát triển của các phương tiện hàng không tốc độ cao và giá rẻ đã khiến hoạt động của hầm chỉ ở mức tương đối. Đến năm 2018, khi tuyến đường hầm Gotthard ở Thụy Sĩ hoàn thành, Seikan cũng sẽ không còn là hầm đường sắt dài nhất thế giới nữa.
Đường hầm phá tan rào cản Nam - Bắc Âu
Dù vẫn còn đang trong giai đoạn xây dựng, hầm Gotthard đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Được xây dựng ở Thụy Sĩ với tổng chiều dài lên tới 57km, đây sẽ là hầm đường sắt dài nhất thế giới khi nó được hoàn thành vào năm 2018. Nhưng điều đặc biệt hơn là đường hầm này được đào xuyên qua dãy Alps - vốn được coi là rào cản giữa Bắc Âu và Nam Âu. Người ta sẽ xây một tuyến đường ray cao tốc nối liền thành phố Zurich của Thụy Sĩ và Milan của Italy. Toàn bộ tuyến này sẽ nằm trên cùng độ cao 500m so với mực nước biển, cho phép tàu hoả đạt đến tốc độ 240km/h, rút ngắn thời gian di chuyển từ Zurich đến Milan chỉ còn 2,5 giờ. Đây là một công trình quy mô lớn với những con số khổng lồ: hơn 2.000 người làm việc 24 giờ/ngày, 365 ngày/năm, chi phí tăng vọt từ 8 tỷ USD theo dự kiến ban đầu lên 15 tỷ USD và có lẽ phải đến năm 2018 mới hoàn thành.
Đường hầm ma túy ở biên giới Mỹ - Mexico
Các cơ quan chức năng phát hiện hệ thống đường phục vụ mục đích buôn lậu ma túy qua biên giới Mỹ - Mexico vào cuối năm 2001. Đường hầm khiến tất cả những người tham quan cảm thấy bất ngờ về quy mô cũng như độ tinh vi của nó. Đường hầm được ngụy trang đằng sau các lò sưởi, nhà vệ sinh,... và được trang bị đầy đủ hệ thống chiếu sáng, cung cấp nước, thông gió cũng như thang máy. Cả trần và tường bao đều được bao bọc bởi gỗ.
Đường hầm xuyên biển của Trung Quốc
Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng đường hầm xuyên biển dài nhất thế giới, nối liền hai thành phố cảng biển ở miền Bắc nước này, với chi phí dự kiến lên tới 36 tỷ USD. Theo thiết kế, đường hầm này sẽ có tuyến đường sắt nối thành phố cảng Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) với thành phố Yên Đài (tỉnh Sơn Đông). “Sẽ chỉ mất 40 phút để đi từ Đại Liên tới Yên Đài” - chuyên gia Wang cho biết. Các phương tiện chở khách có thể được đưa lên toa tàu và di chuyển với tốc độ 220km/h. Hiện tại, khoảng cách giữa hai thành phố trên là 1.400km lái xe hoặc 8 giờ đi phà. Wang cho biết dự án gồm hai đường hầm dưới biển có đường kính 10m và một đường hầm dịch vụ đường kính 7m. Tuổi thọ công trình ước tính khoảng 100 năm.
Lê Sơn (Theo AFP, Chinadaily)