Hà Nội

“Đường đua” vắc xin COVID-19 không dành riêng cho Nga

13-08-2020 13:43 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 11/8, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép thông qua loại vắc xin được gọi với cái tên Sputnik V được cho rằng có khả năng chống lại COVID-19.

Niềm hy vọng

Theo thông tin từ Bộ Y tế Nga, các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin Sputnik V được tiến hành từ ngày 18/6 với tổng cộng 76 tình nguyện viên. Kết quả, tất cả người tham gia thử nghiệm vắc xin đều phát triển khả năng miễn dịch. Nhóm đầu tiên xuất viện ngày 15/7 và nhóm thứ hai vào ngày 20/7.

Ông Kirill Dmitriev - Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (tổ chức tài trợ cho dự án phát triển vắc xin Sputnik V) cho hay, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiếp theo của vắc xin này sẽ được khởi động từ 12/8, tức 1 ngày sau khi vắc xin được Bộ Y tế Nga cấp phép thông qua. Thử nghiệm sẽ được tiến hành ở nhiều quốc gia, bao gồm UAE, Saudi Arabia, Philippines và có thể cả Brazil với hàng nghìn người tham gia.

Nga trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép vắc xin ngừa COVID-19.

Nga trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép vắc xin ngừa COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn trên toàn quốc sẽ được tổ chức từ tháng 10 tới. Còn các nhân viên y tế, bác sĩ và các nhóm dễ bị tổn thương có thể được tiêm vắc xin ngay trong tháng 8 này.

Hôm 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí tiết lộ rằng 1 trong 2 con gái ông đã được tiêm ngừa vắc xin Sputnik V sau khi có triệu chứng sốt. Nhà máy dược phẩm Binnopharm thuộc Công ty AFK Sistema của Nga - nơi sản xuất vắc xin Sputik V, tuyên bố tổng sản lượng của loại vắc xin này sẽ đạt 500 triệu liều trong 12 tháng đầu tiên và dự kiến sẽ sản xuất 1,5 triệu liều vắc xin/năm.

Tại một cuộc họp dành riêng cho việc công bố đăng ký vắc xin, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết, Nga đã nhận được đơn đặt hàng 1 tỉ liều vắc xin từ 20 quốc gia ở Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á.

Nhà chức trách bang Parana, Brazil tuyên bố sẽ ký thỏa thuận với Moscow để sản xuất và phân phát vắc xin này ở địa phương vào ngày 12/8 tới. Còn Tổng thống Serbia Aleksandar Vuci - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn được thử vắc xin này khi nó qua được các thử nghiệm an toàn.

Gấp nhưng không được vội vàng

Ngay sau khi Nga thông qua vắc xin Sputnik V, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tarik Jasarevic cho biết tổ chức này đang liên lạc chặt chẽ với giới chức y tế Nga. Các cuộc thảo luận đang tập trung vào khả năng WHO thông qua chất lượng vắc xin. “Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với cơ quan y tế Nga và thảo luận về khả năng WHO xác nhận tính an toàn và hiệu quả của vắc xin”, người phát ngôn của WHO cho biết và nói thêm rằng: “WHO lạc quan trước tốc độ nghiên cứu vắc xin trên toàn thế giới, song việc đẩy nhanh tốc độ không đồng nghĩa với việc giảm bớt độ an toàn”.

Người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier phát biểu: “Đôi khi các nhà nghiên cứu tuyên bố họ đã tìm được vắc xin nào đó và tất nhiên đó là tin rất tốt. Nhưng giữa việc tìm ra vắc xin và biết được vắc xin có tác dụng hay không, đồng thời trải qua tất cả các giai đoạn nghiên cứu có sự khác biệt rất lớn.

Theo tiết lộ của hãng tin Reuters (Mỹ), các bước cuối cùng trong thử nghiệm lâm sàng hiệu quả và mức an toàn của vắc xin mà Nga vừa cấp phép được nhận định rằng vẫn chưa hoàn thiện bởi vắc xin này chỉ đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3 - giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và quan trọng nhất với sự tham gia của hàng nghìn người. Việc tiến hành thử nghiệm ở giai đoạn 3 là cách duy nhất để xác định chắc chắn vắc xin có an toàn trong sử dụng để ngăn ngừa bệnh dịch ở quy mô lớn hay không.

Theo thống kê của WHO, không chỉ có vắc xin của Nga, hiện có khoảng 165 loại vắc xin ngừa COVID-19 đang được bào chế trên toàn thế giới. Trong số này, có 139 vắc xin vẫn đang trong giai đoạn đánh giá, trong khi 26 loại khác đang được thử nghiệm trên người ở nhiều giai đoạn khác nhau với 6 loại bước sang giai đoạn 3 về đánh giá lâm sàng. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, ít có hy vọng tìm ra một loại vắc xin ngừa COVID-19 có thể được sử dụng trên quy mô lớn trước cuối năm nay.


Hà Anh
Ý kiến của bạn