Hà Nội

Đường đời tủi nhục của thí sinh giả gái ở X Factor

26-06-2014 09:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

Là một thí sinh nhẵn mặt tại các cuộc thi hát trên truyền hình như Sao Mai, Hát với thần tượng, The Voice 2012 hay X Factor, Bùi Caroon không còn lạ lẫm với khán giả

"Gà cưng" của Hồ Ngọc Hà có tuổi thơ dữ dội khi phải kiếm tiền từ cấp 2, chật vật mưu sinh ở Sài Gòn để theo đuổi đam mê và từng rớt từ vòng ngoài của nhiều cuộc thi âm nhạc.

Là một thí sinh nhẵn mặt tại các cuộc thi hát trên truyền hình như Sao Mai, Hát với thần tượng, The Voice 2012 hay X Factor, Bùi Caroon không còn lạ lẫm với khán giả. Dù có giọng hát tốt và khá cá tính nhưng Bùi Caroon không có duyên với các cuộc thi khi... thi đến đâu, trượt đến đó.

Ở The Voice mùa đầu tiên, Hồ Ngọc Hà từng tranh giành quyết liệt với các huấn luyện viên khác để có Caroon trong đội của mình. Tuy nhiên, anh phải dừng chân sớm khi đối đầu với một đối thủ nặng ký như Tiêu Châu Như Quỳnh. Không vội nản lòng, nam ca sĩ tiếp tục đổi nghệ danh thành Khải Tâm và đăng ký thi X Factor. Dù gây ấn tượng với 4 vị giám khảo ngay ở vòng Hội ngộ nhưng nam thí sinh sinh năm 1989 không may mắn được ngồi vào một trong 6 chiếc ghế nóng.

Ít người biết đằng sau sự thiếu may mắn và nỗ lực không ngừng của chàng trai miền biển là cả một chặng đường gập ghềnh và truân chuyên.

Thất bại ở nhiều cuộc thi, Bùi Caroon giả gái để thử sức ở X Factor với nghệ danh mới là Khải Tâm.

Lên núi vác gỗ để kiếm tiền học năm lớp 9

Tôi sinh ra và lớn lên ở Phú Yên. Năm tôi học lớp 12, bố mẹ tôi vào Cam Ranh để lập nghiệp vì gia đình quá nghèo. Hàng ngày, mẹ tôi đi bán cháo nhưng cũng chỉ lời được vài chục ngàn. Bố tôi làm thợ xây, vừa vất vả mà chẳng kiếm bao nhiêu. Khoản tiền dành dụm từ gánh cháo của mẹ hay nghề thợ xây của bố không đủ tiền lo cho anh em tôi ăn học. Do đó, bố mẹ dẫn em trai vào Cam Ranh, khó khăn chắc chắn là có nhưng ai cũng hy vọng, kinh tế sẽ ổn định hơn.

Lúc này, tôi ở chung với một người bạn ở Phú Yên để học hết lớp 12. Thỉnh thoảng, mẹ gửi cho tôi một khoản tiền nhỏ để đóng học phí còn chuyện ăn uống thì nhờ gia đình người bác họ.

Ngay từ năm lớp 9, tôi đã đi lên núi vác gỗ thuê để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Trong đoàn vác thuê, tôi nhỏ tuổi nhất nên thường xuyên bị người ta ăn hiếp, chèn ép. Lúc đó, đi lên rừng, đi chăn bò hay làm gì tôi cũng hát và chỉ mong có thật nhiều tiền để lên thành phố học thanh nhạc. Tôi thuộc rất nhiều bài hát và nhạc gì cũng hát được.

Khoảng thời gian ở quê nhà tuy khó khăn nhưng chỉ là về thể xác... Tôi không bao giờ quên những ngày đầu mới lên Sài Gòn lập nghiệp. Lúc đó, vất vả không chỉ ở thể xác mà ngay cả tinh thần cũng chênh vênh.


Bùi Caroon có cuộc sống vất vả từ nhỏ.

Học hết lớp 12, chỉ có hai bàn tay trắng nhưng tôi vẫn quyết tâm bỏ nhà lên thành phố với mong muốn kiếm tiền để thực hiện đam mê trở thành ca sĩ. Tôi muốn đi làm để có tiền đi học. Tôi tin rằng chỉ có học, mình mới rẽ được sang con đường sáng sủa hơn.

Tôi và anh trai lóc cóc đạp xe khắp thành phố xin việc nhưng ròng rã suốt một tuần mà chẳng nơi nào nhận. Hai anh em ngồi trước ủy ban thành phố thở dài trong cái lo: "Tiền ăn cũng hết, nhà ở cũng không có mà việc thì không xin được, không biết phải làm thế nào?". Trong lúc bế tắc, anh em chúng tôi xin được vào làm phục vụ tại khách sạn. Sau giờ làm việc, họ cho anh em tôi ngủ dưới hầm gửi xe. Tôi thấy như vậy cũng tốt vì mình không mất tiền thuê nhà. Tuy nhiên, chẳng đêm nào ngon giấc vì chuột nhiều như đi hội. Làm ở đây được một thời gian ngắn, gia đình gặp trục trặc, tôi phải về quê giải quyết cùng bố mẹ.

Từng bưng trà phục vụ Thái Trinh hát

Khi vào lại Sài Gòn, tôi không làm phục vụ khách sạn nữa mà làm thêm ở quán cà phê. Từ lúc làm ở tiệm cà phê, tôi được mở mang trí tuệ về âm nhạc vì ngày trước tôi chỉ nghe nhạc thị trường thôi. Làm ở đây, tôi được nghe nhạc Pháp, nhạc Mỹ, chơi piano vì ông chủ ở đây học Nhạc viện, quen biết nhiều ca sĩ trong giới showbiz, thầy cô giáo trong trường… Hồi đó, tôi đi bưng trà cho Thái Trinh uống khi cô ấy tới quán hát. Thái Trinh lúc đó còn rất nhỏ. Sau này, đi thi The Voice, tôi và Thái Trinh về cùng đội của chị Hồ Ngọc Hà. Tôi có kể lại cho Thái Trinh nghe nhưng cô ấy không nhớ.

Một thời gian dài làm phục vụ cà phê, được nghe nhạc sang trọng, cao cấp, tư duy âm nhạc của tôi thay đổi rõ rệt. Tôi không còn nghe nhạc thị trường nữa. Tôi bắt đầu tự mò mẫm, tìm hiểu về âm nhạc để thi vào vào Nhạc viện TP.HCM. Tuy nhiên, đây chỉ là bắt đầu với tôi.

Tôi xin nghỉ phục vụ cà phê vì làm ở đây từ sáng sớm đến 23 h khuya, không còn thời gian cho việc học. Nhưng nghỉ làm nghĩa là tôi lại tốn thêm một khoản tiền để thuê nhà trọ. Khi đó anh tôi đang làm ở công ty bao bì giấy có chỗ ăn chỗ ở nên tôi sang làm cùng anh. Ở đây, tôi lại có thêm một bước phát triển mới.


Nam ca sĩ từng bưng trà cho Thái Trinh uống và sau này lại tái ngộ nữ ca sĩ trong đội của Hồ Ngọc Hà ở The Voice.

Làm việc ở xưởng bao bì giấy vất vả và môi trường rất độc hại. Tôi chịu khó học hỏi, nhờ mọi người chỉ bảo và làm việc chăm chỉ nên chẳng mấy chốc cũng thành thợ giỏi (cười). Nhờ thế nên lương của tôi tăng chóng mặt từ 30 ngàn đến tiền trăm. Thời đó, lương thế là cao lắm rồi. Tôi có tiền dư rồi dành dụm để đăng ký một lớp học thanh nhạc. Chiều chiều, cứ tan làm là tôi lại lóc cóc đạp xe đi học. Tuy nhiên, vì làm việc trong môi trường ô nhiễm, mặt tôi dày kín mụn. Tôi sợ không dám nhìn mình trong gương nhưng cũng không biết phải làm sao. Không biết có phải vì hồi đó mặt nhiều mụn, xấu trai nên tôi thi vào Nhạc viện TP.HCM bị rớt. Tôi lại mất một năm đi làm thêm, học thêm thanh nhạc và thi tiếp mới đậu. Lúc này, mặt tôi cũng hết mụn và sáng sủa hơn. Khi vào trường, điểm chuyên môn của tôi bao giờ cũng cao vì mình được học thêm nhiều ở ngoài. Từ đây, tôi cũng bỏ hết những công việc, những con đường trước đây mình đi để bắt đầu một trang mới. Tôi tập trung vào học và làm những công việc liên quan đến âm nhạc.

Để có tiền đóng học tại Nhạc viện, tôi xin đi đánh guitar, hát đám cưới... Tôi không thấy ngại, chỉ cần có tiền thì ở đâu tôi cũng nhận lời hát. Lâu lâu đi biểu diễn cho trường, tôi cũng được trả vài trăm ngàn. Tôi thấy như vậy bấp bênh và khó khăn quá, tôi bèn lên mạng xin đi hát ở những đám cưới. Tôi đi hát được khách bo nhiều lắm. Mọi người còn bảo: "Sao cháu không đi thi tiếng hát truyền hình?"…

Tôi tiếp tục đi thi những cuộc thi nhỏ như VOH, Hát với thần tượng để kiếm tiền. Tôi thi VOH 2 lần cũng được gần 20 triệu, còn Hát với thần tượng, tôi song ca cùng anh Tùng Dương cũng được 15 triệu. Nhờ đi thi hát, tôi được biết đến nhiều hơn và được mời hát ở các quán cà phê và được mời về làm tại đội văn nghệ của một công ty bia. Hàng tháng tôi có lương cứng, mỗi lần đi diễn đều được trả tiền nên cuộc cũng ổn định hơn. Khi tôi thi The Voice, tôi vẫn làm ở công ty bia.

Tôi làm ở đây một thời gian dài, mọi việc tuy ổn nhưng tôi thấy không tiến xa được. Tôi xin nghỉ để bước ra ngoài, mở rộng các mối quan hệ, phát triển công việc.

Cuộc sống của tôi ở TP.HCM hiện tại chưa ổn định vì ngoài đi học, tôi vẫn phải đi làm để có thêm thu nhập hỗ trợ gia đình, lo kinh tế nên khá xáo trộn. Khi kinh tế vững, mình mới có thể yên tâm cống hiến. Đôi khi tôi cũng cảm thấy áp lực nhưng tôi vẫn trong khuôn khổ chịu đựng được.

Vì cuộc sống ở quê khá chật vật nên bố mẹ và em tôi đã bán nhà ở quê để lên Sài Gòn sống. Tôi có thuê một căn hộ nhỏ để gia đình sinh sống. Hàng ngày bố mẹ tôi bán bánh bột lọc để có đồng ra đồng vào. Tôi vẫn là người lo kinh tế chính trong gia đình. Từ tiền nhà, điện nước và tiền đi chợ, tiền học cho em trai… mỗi tháng, tôi đều đưa cho mẹ một khoản để chi trả cho cả gia đình. Bây giờ hàng tuần tôi đi hát cố định ở 4 quán cà phê, đi dạy guitar, thanh nhạc nên vừa đủ để lo cho gia đình nhưng để có tiền làm MV thì chắc vẫn là giấc mơ dài.

May mắn chưa mỉm cười, thi đâu rớt đó

Tôi thi rất nhiều nhưng có cuộc thi thành công và không thành công. Tôi từng được giải nhất cuộc thi Hát với thời hoa đỏ. Đó là cuộc thi hiếm hoi mà tôi thành công trọn vẹn (cười). Còn những cuộc thi như Sao Mai, The Voice, X Factor, tôi chỉ đi được một đoạn đường ngắn đã phải dừng chân. Qua mỗi bước đi, tôi rút ra kinh nghiệm bản thân vì sao mình bị rớt, vì sao mình chưa thành công. Thay vì chán nản, thiếu tự tin, tôi lại cảm thấy đó là động lực để mình ngày càng hoàn thiện hơn. Đôi khi tôi cũng thấy hụt hẫng vì chưa làm hết được những gì mình muốn thì đã bị rớt. Tôi nghĩ, nguyên nhân khiến mình sớm bị loại do cách chọn bài và tâm lý biểu diễn ngày hôm đó chưa tốt. Tôi thường chọn những ca khúc khó khi thi để đáp ứng phần chuyên môn mà không chọn ca khúc gần gũi với khán giả.


Bùi Caroon tiếp tục hội ngộ Hồ Ngọc Hà tại Xfactor nhưng may mắn chưa mỉm cười với anh.

Đến với The Voice và X Factor, tôi có cơ hội được làm việc với Hồ Ngọc Hà và học hỏi được nhiều điều ở chị. Chị rất có tâm huyết với nghề, làm việc nghiêm túc, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Sau The Voice, chị cũng giúp cả đội thực hiện chung một album, mỗi thí sinh thu một bài.

Tôi vẫn chưa có ý định dừng thi vì tôi vẫn muốn thử sức mình, thi để tôi tiếp tục học hỏi về chuyên môn. Thời điểm này chưa có cuộc thi nào hấp dẫn nên tôi dành thời gian để thực hiện những sản phẩm âm nhạc. Tôi cũng mong mình tìm một ê-kíp chuyên nghiệp để chuẩn bị các dự án mới. Tôi vẫn có niềm tin với nghề, nếu mình đi lên bằng chính thực lực của mình, trước hay sau công chúng cũng biết đến. Tôi tin mình đi chậm nhưng sẽ chắc.


Nam ca sĩ đang không ngừng cố gắng để khẳng định tên tuổi của mình.

Dừng chân ở X Factor, tôi cố gắng thực hiện một MV để tri ân khán giả. Tôi dành dụm được một khoản tiền, nhờ anh em quen biết quay MV cho mình. Đó là ca khúc khiến tôi bị rớt tại cuộc thi. Tôi muốn làm lại ca khúc để nó hoàn hảo hơn.

 

 


Ý kiến của bạn