Đường đi và những hệ lụy của tài khoản ngân hàng 'ảo'

29-09-2021 22:38 | Pháp luật
google news

SKĐS - Một ổ nhóm mua bán, làm giả thông tin tài khoản ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng tỷ đồng vừa bị Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội triệt phá. Đường đi của các tài khoản ngân hàng này được thực hiện như thế nào và đâu là những hệ lụy khi những tài khoản ảo này được sử dụng?

Trục lợi hàng tỷ đồng từ mua bán, làm giả thông tin tài khoản ngân hàng

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các đối tượng lợi dụng thời gian giãn cách xã hội, tiện lợi của mạng xã hội làm phương tiện phạm tội, nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Mới đây, Cơ quan CSĐT - Công an quận Cầu Giấy đã bắt giữ đối tượng Vũ Đức Anh (SN 2000; trú tại phố Đặng Trần Côn, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội) có hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác, quy định tại điều 291 - Bộ luật hình sự.

Các đối tượng trong ổ nhóm mua bán, làm giả thông tin tài khoản ngân hàng bị Công an quận Cầu Giấy bắt giữ.

Các đối tượng trong ổ nhóm mua bán, làm giả thông tin tài khoản ngân hàng bị Công an quận Cầu Giấy bắt giữ.

Theo điều tra ban đầu, Vũ Đức Anh đã sử dụng mạng xã hội Telegram, Zalo, Facebook đăng thông tin thu mua tài khoản ngân hàng của học sinh, sinh viên với giá 400.000 đồng/1 tài khoản.

Để lấy được lòng tin của mọi người, Đức Anh đã nói dối mục đích mua nhiều tài khoản ngân hàng để phục vụ việc thanh toán tiền trên mạng và chạy quảng cáo nên cần số lượng lớn nhất.

Thấy việc bán thông tin tài khoản không mất nhiều thời gian, lại có lợi nhuận cao, chi phí bỏ ra ban đầu thấp, Đức Anh đã tuyển nhiều cộng tác viên và khuyến khích mọi người mở nhiều tài khoản để thu mua không giới hạn. Sau khi mua, Đức Anh tiếp tục rao bán lại những thông tin tài khoản ngân hàng này cho các đối tượng khác với giá 1 triệu đồng/tài khoản, để hưởng tiền chênh lệch.

Đến thời điểm cơ quan Công an phát hiện bắt giữ, Đức Anh khai nhận đã hưởng lợi số tiền khoảng 1 tỷ đồng từ hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác.

Điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Công an đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Đinh Thành Long (SN 1999, trú tại tòa A, chung Cư Green Park, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) về hành vi tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đinh Thành Long cũng lợi dụng thưởng tiền voucher được áp dụng cho ví điện tử Momo đăng ký lần đầu thành công, nên Long cùng đồng bọn đã nảy sinh ý định tạo nhiều tài khoản ví điện tử để chiếm đoạt số tiền trên.

Cụ thể, Long đã thu mua nhiều ảnh chụp chứng minh nhân dân trên mạng xã hội và sim điện thoại rác. Sau đó, Long thực hiện việc chỉnh sửa dãy số trên ảnh chứng minh nhân dân để tiến hành làm thủ tục mở các tài khoản ngân hàng, đồng thời dùng sim điện thoại rác đã mua để đăng nhập và đăng ký dịch vụ Internet banking.

Sau khi mở tài khoản ngân hàng thành công, Long sử dụng để liên kết mở tài khoản ví điện tử Momo của Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền voucher (là gói quà ngẫu nhiên của ví điện tử trị giá từ 400.000 đồng trở lên). Sau đó, Long rao bán các voucher trên mạng xã hội để lấy tiền sử dụng.

Sau khi chiếm đoạt được tiền từ các tài khoản ví điện tử Momo, Long tiếp tục mang các sim điện thoại chứa thông tin tài khoản ngân hàng trên rao bán trên mạng xã hội kiếm tiền.

Liên quan đến vụ án này, Công an quận Cầu Giấy còn bắt giữ đối tượng Nguyễn Hoàng Lân, với hành vi dùng số tài khoản này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những người mua lại tài khoản ngân hàng "ảo" phần lớn đều có mục đích gian dối

Theo cơ quan công an, tổng số lượng sim số điện thoại phát hiện, thu giữ trong vụ án là hơn 2.700 sim điện thoại, trong đó có nhiều sim điện thoại chứa thông tin về tài khoản của nhiều ngân hàng như: BIDV, MB Bank, Viettin Bank, Vietcom Bank...

Đáng chú ý, những người mua lại tài khoản ngân hàng của nhóm đối tượng này đều có mục đích gian dối, phần lớn là những tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đơn cử như lập nhiều Facebook và kênh Youtube có nội dung bán chim cảnh với giá dao động từ 800.000 đồng đến hàng chục triệu đồng. Khi người mua chuyển tiền vào số tài khoản không chính chủ được mua trước đó, đối tượng chặn số điện thoại và cắt đứt mọi liên lạc.

Theo Trung tá Phạm Minh Dũng – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Cầu Giấy cho biết, quá trình điều tra, cơ quan công an đã phát hiện rất nhiều học sinh, sinh viên và những người lao động có thu nhập thấp, ít hiểu biết về pháp luật đã vô tình tiếp tay khi bán hoặc cho thuê tài khoản ngân hàng để các đối tượng này lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Họ cho rằng bản thân không sử dụng tài khoản ngân hàng, nên sau khi bán thì sẽ không còn liên quan hay có bất kỳ rắc rối nào đến tài khoản ngân hàng đó nữa. Qua thực tế điều tra, nhận thấy các đối tượng thuê người mở tài khoản, thẻ ngân hàng sau đó sử dụng tài khoản, thẻ thường được dùng vào mục đích vi phạm pháp luật.

Người dân cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không mua, bán, mở tài khoản thuê, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, dễ tạo sơ hở cho các đối tượng lợi dụng để phạm tội.

Xem thêm video đang được quan tâm:

10 lưu ý đối với F0 tại cơ sở điều trị ban đầu.


H. Phong
Ý kiến của bạn