Chiều tối ngày 16/9, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 16/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 123,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây khoảng 15 km/giờ.
Dự báo trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới chủ yếu di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ của trung bình khoảng 15 - 20 km/giờ. "Vị trí của áp thấp nhiệt đới này hình thành tương đối giống với vị trí hình thành của cơn bão số 3 (bão Yagi) - tức là cùng ở khu vực phía Đông của đảo Luzon.
Tuy nhiên, theo ông Hưởng, điều kiện môi trường hiện nay không như cơn bão số 3, do áp thấp nhiệt đới này phải chia sẻ năng lượng đối với một cơn bão khác đang hoạt động ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Vì thế, khi đi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới này không mạnh ngay thành bão mà phải mất 1, 2 ngày để hoàn thành cấu trúc để có thể phát triển thành bão.
Ngoài chịu sự tương tác với cái cơn bão đang ở ngoài Tây Bắc Thái Bình Dương thì khi vào trong Biển Đông, áp thấp nhiệt đới này còn chịu tác động của dòng dẫn đường quy mô lớn từ áp cao cận nhiệt đới có biến động nhiều; cùng với đó có thể là khối không khí lạnh có thể ảnh hưởng đến nước ta và giai đoạn sau ngày 19/9 cùng một số điều kiện khác.
"Với tất cả những điều kiện khí quyển hiện tại và tương lai cho thấy đường đi của áp thấp nhiệt đới (sau là bão số 4) sẽ rất phức tạp so với cơn bão số 3", ông Nguyễn Văn Hưởng nói.
Theo nhận định ban đầu, khoảng sáng ngày 17/9 khi đi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới sẽ có khả năng mạnh dần nhưng khoảng đến ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới mới có khả năng mạnh lên thành bão. Sau đó, khi di chuyển đến khu vực giữa Biển Đông, ở khu vực chỗ quần đảo Hoàng Sa, thì có khả năng lúc này sẽ có 2 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, khi mạnh lên thành bão số 4 sẽ di chuyển thẳng vào khu vực Trung Trung Bộ.
Kịch bản thứ hai, áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão có khả năng đổi hướng và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ - tức là đi về phía khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Theo ông Hưởng, tất cả những mô hình dự báo của Việt Nam và quốc tế đều nhận định cường độ của áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão sẽ không thể mạnh như bão Yagi, tức là không thể mạnh như bão số 3. Trước mắt, với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và sau đó là khả năng cao thành bão số 4, cơ quan khí tượng nhận định một số cái lưu ý:
Đầu tiên là lưu ý gió mạnh, sóng lớn trên biển ở khu vực phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, vùng phía Đông của kinh tuyến 114, phía Bắc của Vĩ tuyến 14, từ sáng ngày 17/9, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, biển động.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng này đều coi là vùng nguy hiểm và đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn và tác động trên đất liền thì cần phải theo dõi tiếp thì khả năng bão sẽ có nhiều cái thay đổi sau khi đi vào Biển Đông và khi di chuyển đến khu vực giữa Biển Đông.
"Nếu theo kịch bản số 2 ở trên thì tác động của bão sẽ ảnh hưởng vào đất liền vào cuối tuần này. Còn theo kịch bản số 1, tức là khi di chuyển vào khu vực Trung Trung Bộ thì tác động có thể sớm hơn so với khi kịch bản số 1 từ một đến 2 ngày" - ông Hưởng lưu ý.