Hà Nội

Đường dây 500kV mạch 3 giải bài toán thiếu điện ở miền Bắc thế nào?

30-08-2024 10:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Đường dây 500kV mạch 3 sẽ bổ sung khoảng 30 tỷ kW giờ điện mỗi năm ở miền Bắc, khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ dẫn đến cắt điện luân phiên ở nhiều khu vực từng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và phát triển kinh tế.

Tách Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia khỏi Tập đoàn Điện lực Việt NamTách Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tách Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)...

Vì sao phải truyền tải điện từ miền Nam ra Bắc?

Sáng 29/8, đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đã được khánh thành. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng. Đó là công trình mang ý nghĩa chiến lược góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc (bổ sung khoảng 30 tỷ kW giờ điện mỗi năm) như năm 2023.

Đường dây 500kV mạch 3 giải bài toán thiếu điện ở miền Bắc thế nào?- Ảnh 2.

Miền Bắc sẽ giảm nguy cơ thiếu điện khi đường dây 500kV mạch 3 đi vào hoạt động.

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội nước ta có sự phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu tăng trưởng nguồn điện bình quân phải ở mức 10 - 12%/năm. Một số thời điểm, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, công tác điều hành chưa chủ động, linh hoạt, năng lực hệ thống truyền tải còn hạn chế nên đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc đầu năm 2023, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, làm ảnh hưởng đến thu hút và môi trường đầu tư nước ngoài.

Về nguyên nhân miền Bắc thiếu điện, GS.TS Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng biến động của thời tiết, nắng nóng kéo dài đẩy nhiệt độ trung bình lên cao, nguồn nước ở các nhà máy thủy điện giảm thấp khiến khả năng phát điện sụt giảm. Bên cạnh đó, một số nhà máy nhiệt điện gặp sự cố, không thể vận hành bình thường…

Thực tế, thời điểm miền Bắc Việt Nam cách đây 7-10 năm, các địa phương có khu công nghiệp, nhà máy lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… Tuy nhiên, hiện nay miền Bắc đang bước vào giai đoạn thay đổi có tính chất bước ngoặt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nhanh chóng, nhiều tỉnh công nghiệp, nhiều khu đô thị - đại đô thị mới xuất hiện, nhu cầu điện sản xuất, tiêu dùng tăng hai con số, trong khi nguồn điện phát triển chậm, thiếu điện trong thời điểm nào đó là điều dễ hiểu.

Đường dây 500kV mạch 3 giải bài toán thiếu điện ở miền Bắc thế nào?- Ảnh 3.

Đường đi của đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

GS.TS Trần Đình Long cho rằng, chủ trương đầu tư đường dây 500kV kéo điện từ Quảng Bình - Hưng Yên rất đúng của Chính phủ để khắc phục tình trạng thiếu điện. Đây là vấn đề cấp bách, chiến lược cho nền kinh tế.

Theo GS Long, đường dây 500kV mạch 3 giúp tải điện từ miền Trung ra miền Bắc. Điều này hợp lý thôi bởi điện tái tạo từ miền Trung, phía Nam có điều kiện và lý tưởng hơn, cần đường truyền tải để bổ sung kịp thời khi thiếu điện. Đồng thời, đường truyền tải này cũng phục vụ quy hoạch phát triển mạng lưới điện mặt trời, điện gió thời gian tới.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối là dự án quy mô lớn, có tổng chiều dài 519km, 2 mạch với 1.177 vị trí cột, tổng mức đầu tư là hơn 22.300 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), đi qua 9 tỉnh gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên.

Dự án có khối lượng đào đất đá là hơn 2,5 triệu m3, sử dụng hơn 705.000 m3 bê tông, gần 70.000 tấn cốt thép móng; tổng khối lượng lắp dựng cột thép là 139.000 tấn; kéo tổng cộng gần 14.000 km dây dẫn các loại.

Dự án có 4 dự án thành phần gồm: Dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài 226 km; Dự án 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa 2 mạch dài 91 km; Dự án 500 kV Thanh Hóa - Nam Định 1 dài 73 km; Dự án 500kV Nam Định 1 - Phố Nối dài 123 km.

Giải pháp bền vững chống thiếu điện

TS. Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ năng lượng, phân tích: Trước đây, việc tải điện từ miền Trung ra miền Bắc còn yếu. Khi đường dây 500Kv mạch 3 được đấu nối và đi vào hoạt động thì việc truyền tải điện từ các nhà máy điện miền Trung ra miền Bắc chắc chắn sẽ thuận lợi hơn do tăng được quy mô công suất. Điều này giúp đề phòng cho những trường hợp bất thường. Ví dụ trong tình huống các nhà máy thủy điện phía Bắc thiếu nước thì lập tức sẽ có nguồn điện bổ sung từ miền Trung ra.

Theo ông Kiệt, sau năm 2030, chúng ta phải chủ động cân đối nguồn và phụ tải chứ không chỉ chú trọng vào xây dựng đường dây, vì đường dây không sinh ra điện, chỉ làm công việc truyền tải điện mà thôi. "Chúng ta cần phải cân đối nguồn điện và phụ tải của từng vùng, miền. Theo đó, miền Bắc phải cân đối các nguồn cung từ thủy điện, năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà theo đúng tinh thần của quy hoạch điện VIII".

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cũng đồng tình cho rằng, công trình đường dây 500kV mạch 3 sẽ giải được bài toán tăng công suất dự trữ điện ở phía Bắc, từ đó giải quyết được bài toán thiếu điện như đã từng xảy ra căng thẳng trong năm 2023.

Với khả năng truyền tải điện năng lớn, đường dây 500kV mạch 3 còn tạo điều kiện thuận lợi để khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời ở miền Trung. Điều này không chỉ góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch mà còn giúp Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

GS.TS Trần Đình Long cho rằng thiếu điện miền Bắc là bức tranh chỉ ra cho chúng ta hai lựa chọn. Một là ứng phó tức thì và hai là suy nghĩ lớn, làm chiến lược. Vấn đề tức thì là chúng ta kêu gọi dân tiết kiệm, doanh nghiệp tiết kiệm, chuyển đổi công nghệ, hạn chế thâm dụng… "Cơ chế bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất đang khiến doanh nghiệp thiếu động lực đổi mới để hiệu quả. Duy trì chính sách này lâu, sẽ bất lợi cho nền kinh tế..

Theo chuyên gia, vấn đề lớn, chiến lược là phải thay đổi chính sách, làm sao càng dùng nhiều điện, càng bị đánh giá cao, phải thải loại. Sau cùng là chiến lược nguồn điện cần như nào để vừa cung ứng điện trước mắt vừa phải mục tiêu "net zero" vào năm 2050. Nếu không có chiến lược, thiếu điện của thủy điện phải chạy hết tốc lực điện than, thì bao giờ mới thực hiện được mục tiêu chiến lược, cam kết dài hạn?

Chính phủ thảo luận về đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Cấp, thoát nướcChính phủ thảo luận về đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Cấp, thoát nước

SKĐS - Sáng 17/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023 để thảo luận về các đề nghị xây dựng luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Cấp, thoát nước; Luật Điện lực (sửa đổi).

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thanh niên Việt Nam ngày càng kết hôn muộn, ngại sinh con | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn