Đường dài mới biết ngựa hay

15-04-2020 21:01 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Đường dài mới biết ngựa hay”, ấy là câu ngạn ngữ đa nghĩa của nước Trung Hoa cổ xưa! Ngựa là con vật khôn ngoan, mạnh mẽ nên mới thành biểu tượng quyền thế của các quân vương, võ tướng...

Nhưng, đằng sau đấy lại là cả một nghệ thuật binh pháp. Nếu lấy ngựa làm hình tượng cho ý chí, thì đó chính là Việt Nam trên bước đường dài dựng nước và giữ nước, luôn biết cách điều phối sức lực để cán đích thắng lợi. Câu ngạn ngữ trên vận vào ta cũng là lời hay, nghĩa đẹp trong mọi thời cuộc cách mạng!...

Việt Nam dân không đông, vũ khí có hạn, nghèo tiền bạc nhưng luôn biết vượt đường dài, khiến những kẻ ham bá vương phải kiêng nể. Mà nói đâu xa, ngay thì hiện tại, chỉ mới vài tháng lại đây cả thế giới hoảng loạn, điên đảo vì con virus SARC-CoV-2, bùng phát từ Vũ Hán cướp đi sinh mạng của hàng vạn người trên thế giới. Thời buổi bi đát, bị virus hạ gục, thiên hạ đổ mắt về Việt Nam đất nước thân yêu của chúng ta như một điểm sáng soi! Bởi ai cũng biết Việt Nam sẽ là nước có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn bất cứ quốc gia nào, xét về yếu tố địa lý và các mối tương quan với nơi bùng phát dịch bệnh. Hơn nữa Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng, nhu cầu di chuyển quốc tế lớn, là điểm đến kì thú với khách du lịch nên dễ bị dịch bệnh xâm nhập. Vậy mà Việt Nam đã đối đầu hiệu quả, thậm chí rất thành công cho dù virus SARS-CoV-2 “du nhập” ngay từ lúc Vũ Hán của nước bạn “Núi liền núi/ Sông liền sông” lâm trận, nhưng qua ngần ấy thời gian vẫn bị ta kiềm chế với số ca lây nhiễm chỉ ở con số trên 260 người (tính đến ngày 13/4), không có tử vong, số ca phục hồi được tới quá nửa số ca bị nhiễm. Ấy là cái hay của Việt Nam khiến thiên hạ ngưỡng mộ. Coi Việt Nam như ngọn hải đăng về ứng phó với dịch Covid!...

Lực lượng tình nguyện viên cùng hỗ trợ với người làm việc trong khu cách ly.

Lực lượng tình nguyện viên cùng hỗ trợ với người làm việc trong khu cách ly.

Chống dịch như chống giặc”. Đó không chỉ là khẩu hiệu mà là hành động của chúng ta. Bởi, đây là cuộc chiến sinh tử với kẻ giết người vô hình, hủy diệt ghê gớm. Vì thế Việt Nam không chậm chân, không hoảng loạn, bởi Đảng, Chính phủ sớm chủ động kiểm soát tình hình. Thông báo nhanh, nhiều lần nhiều lượt trên các kênh truyền thông tới nhân dân về các biện pháp phòng, chống dịch; ra khuyến cáo chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch COVID-19; các chuyên gia khoa học ra sức phát triển các bộ kít thông minh xét nghiệm nhanh virus. Dân tin yêu nghe theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ phát huy truyền thống yêu nước, ngăn chặn, dập dịch như dập giặc ngoại xâm để cứu dân cứu nước. Toàn dân vào trận chiến theo chức phận của mình. Ai không có việc thì ở yên tại chỗ, với lúc này chính là yêu nước, yêu nhà, yêu chính cuộc đời mình. Phản ứng nhanh, nhưng luôn chắc chắn đó là phong cách Việt Nam; Kiểm soát chặt mọi ngả virus có thể xâm nhập; nhưng vẫn đón con em từ các châu lục trở về đất nước và phải thực hiện cách ly, ấy là nhân văn, là bản sắc văn hóa tốt đẹp của Việt Nam. Chính phủ sớm cho đóng cửa các trường học, hạn chế du lịch. Sớm xác định các nguồn lây; khoanh vùng, xử lý dịch bằng cách đi từng ngõ, gõ từng nhà để ngăn chặn lây lan ra cộng đồng. Áp dụng mạnh các biện pháp kiểm dịch với sự vào cuộc hết mình của bộ đội, công an, của toàn ngành y tế... Bộ đội nhường lán trại làm nơi cách ly cho dân, lo chu đáo từng bữa cho họ. Công an đêm ngày hết mình giữ gìn an ninh trật tự xã hội, hướng dẫn nhân dân tuân thủ pháp luật và những quy định ngăn chặn, dập dịch. Với ngành y thì các y, bác sĩ là những chiến sĩ ở chính nơi tuyến đầu quyết liệt đêm ngày quên ăn, quên ngủ, tự cách ly với tổ ấm để cứu chữa bệnh nhân, chặn dịch lây lan. Báo chí truyền thông Việt Nam luôn cùng các chiến sĩ bám sát trận chiến, thu thập thông tin, loan tin sâu rộng, định hướng dư luận và hành động cho công chúng...

Quyết liệt phòng, chống dịch nhưng Đảng, Chính phủ cũng quyết liệt chăm lo đảm bảo đời sống cho nhân dân, đặc biệt những người yếu thế với những chính sách thiết thực, khả thi. Miễn thuế, giảm thuế với nhiều ngành nghề nhằm duy trì sức sản xuất, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Kêu gọi lòng yêu nước, nhân ái... Tất cả, tất cả truyền thống đẹp của toàn dân tộc lại được khơi dậy. Xúc động biết bao (người viết bài này) từng bao lần giàn giụa nước mắt khi truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin tấm lòng thơm thảo của những doanh nghiệp, những nhà tỷ phú, triệu phú, những nhà hảo tâm góp tiền của lớn để chia sẻ khó khăn cùng đất nước. Xúc động với tấm lòng vàng của những mẹ Việt Nam Anh hùng, những người già, những cháu nhỏ nơi đất nghèo khu IV, khu V... dâng hiến cho đất nước những đồng tiền mọn ky cóp được; tặng nơi những người cách ly từ mớ rau, cân gạo, quả trứng... Thật khó bút pháp nào ghi hết, tả hết... Chỉ biết rằng, đó là lòng dân với Tổ quốc, với đồng bào thân thương của mình, khiến Việt Nam trở thành điểm sáng, là gốc rễ của thành công, nối tiếp thành công!

Giặc giã đi qua, dịch bệnh rồi sẽ đi qua. Niềm tin nhân lên. Kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ mau hồi phục bởi vì Nhà nước, Chính phủ luôn biết chủ động. Những ngày quyết liệt chống đại dịch này khiến tôi thêm tin yêu Tổ quốc mình luôn vượt đường dài, càng vượt càng hay. Hệt như ngạn ngữ: “Đường dài mới biết ngựa hay”. Mới thêm thấm lời ai đó: “Yêu không chỉ là một danh từ - nó là một động từ; nó không chỉ là cảm xúc - nó là quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh”!.

(Hà Nội đầu tháng 4/2020)


Nguyễn Uyển
Ý kiến của bạn