Các luật sư bảo vệ cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng cho biết, tinh thần, sức khỏe của bị cáo rất tốt. Dũng thoải mái, không lo lắng, hoảng sợ trước bản án tử hình bị tuyên và tin tưởng sẽ được làm rõ “tội trạng” tại phiên tòa phúc thẩm ngày mai.
Ngày mai, 22/4, phiên tòa phúc thẩm xét xử Dương Chí Dũng và các đồng phạm về các sai phạm tại TCTy Hàng Hải Việt Nam Vinalines sẽ bắt đầu tại tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội.
Luật sư Trần Đình Triển – một trong 3 người bảo vệ cho bị cáo Dương Chí Dũng cho biết, trước phiên xử phúc thẩm, sức khỏe, tâm lý của cựu Chủ tịch Vinalines rất tốt, không có gì phải lo ngại.
Lần gần nhất gặp thân chủ tại trại tạm giam, luật sư Triển kể, Dương Chí Dũng vẫn rất thoải mái nói: “Mình làm thì mình chịu. Còn mình tin các cơ quan chức năng sẽ giải oan cho mình. Tôi khẳng định, tội tham ô tôi không hề có và vẫn tin vào pháp luật, mọi vấn đề sẽ được làm sáng tỏ, công bằng cho bản thân tôi và gia đình”.
Ông Triển nhận xét, tinh thần của thân chủ rất vững, không có gì lo âu, sốt sắng hay sợ hãi, ngay cả khi đứng trước bản án tử hình tòa sơ thẩm đã tuyên. Cựu Chủ tịch Vinalines tin sẽ không phải thi hành mức án cao nhất vì bản thân không có tội thì rồi mọi việc cũng sẽ được làm rõ.
Sau phiên tòa sơ thẩm, Dương Chí Dũng cũng đã làm đơn yêu cầu và được tòa, được trại giam cho gặp mẹ, vợ, con. Người thân của Dương Chí Dũng đã được vào thăm nuôi thân nhân tại trại giam.
Cuộc gặp tại trại giam của cựu Chủ tịch Vinalines với gia đình, theo luật sư Triển, diễn ra rất nhẹ nhàng, thoải mái. Dương Chí Dũng đọc tặng từng người thân những bài thơ bị cáo viết khi ở trại - thơ tặng bố, tặng mẹ, tặng vợ, tặng con gái. Vợ bị cáo, bà Phạm Thị Mai Phương cũng làm lại một bài thơ tặng chồng. Bài thơ hay và rất sâu sắc mà đọc xong mọi người nghe đều rơi nước mắt.
Đề cập đến nội dung phiên xử phúc thẩm bắt đầu vào ngày mai, luật sư Trần Đình Triển cho biết ông vừa từ Singapore trở về sau chuyến đi để thu thập thêm chứng cứ liên quan đến vụ án. Ông Triển đã làm việc với đại diện công ty AP (đơn vị trung gian trong thương vụ mua bán ụ nổi 83M của Vinalines với Nga – đầu mối của khoản tiền tham ô 1,666 triệu USD).
Ông Triển đã thu thập được lời khai của GĐ Công ty AP Goh Hoon Seow với đầy đủ thủ tục chứng nhận của luật sư, của cơ quan chức năng Singapore, Đại sứ quán Việt Nam tại nước bạn.
Theo bản khai này, ông Goh khẳng định việc thương thảo mua ụ nổi được tiến hành giữa ông Goh và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Trần Hải Sơn (nguyên Tổng GĐ Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, một bị cáo trong vụ án) là người đứng đầu. Ông Goh khai số tiền 1,666 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo Tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổ 83M. Ông Goh cũng khẳng định, chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng (nguyên Chủ tịch Vinalines) và ông Phúc (nguyên Tổng GĐ Vinalines) về khoản tiền 1,666 triệu USD.
Từ những chứng cứ thu thập được, luật sư Triển cho rằng, kháng cáo kêu oan của Dương Chí Dũng về tội “tham ô tài sản” là có căn cứ. Số tiền 1,666 triệu USD được gửi về Việt Nam là việc có thật và là tiền bất hợp pháp, là tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề người tham ô khoản tiền này là ai thì luật sư cho rằng cần xem xét lại để làm rõ.
Về chuyện Dương Chí Dũng khai nhiều thông tin về việc Thượng tướng Phạm Quý Ngọ - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an là người mật báo cho Dũng bỏ trốn cũng như tố cáo của cựu Chủ tịch Vinalines về việc đã chi nhiều khoản tiền cho nhiều cán bộ Bộ Công an trong quá trình điều tra vụ án, luật sư Triển cho biết, ông sẽ chỉ quan tâm đề cập đến những thông tin thân chủ tố cáo nhiều cán bộ của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C48). Luật sư đề cập ở góc độ, đã có tố cáo như vậy, nên chăng không để C48 tiếp tục điều tra vụ án này vì có thể thiếu khách quan.
Ông Triển cũng có nhận định, nếu lời khai, tố cáo của cựu Chủ tịch Vinalines giúp cơ quan chức năng khám phá, điều tra ra một vụ án khác thì đây có thể xem là việc “lấy công chuộc tội”, là một tình tiết để tòa cân nhắc giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho bị cáo trong vụ án này.
Luật sư phân tích, theo luật, những vụ đưa hối lộ mà người bị cáo buộc là đưa hối lộ mà tố cáo với các cơ quan có thẩm quyền trước khi khởi tố vụ án về việc đưa – nhận hối lộ đó thì người đưa hối lộ có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về việc đưa hối lộ này. Và việc này đã góp phần phát hiện, đấu tranh chống tội phạm thì phải kết luận có hay không việc này thì mới có thể xác định đây có phải là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm cho bị cáo được.
Tuy nhiên, ông Triển chỉ muốn đề cập đến vấn đề ở khía cạnh, việc xem xét tội trạng, trách nhiệm của Dương Chí Dũng nên để chờ kết luận cụ thể làm rõ những thông tin Dương Chí Dũng tố cáo. Vấn đề này, luật sư sẽ nêu ra trong phiên xử phúc thẩm.
Còn về vụ án này, tội tham ô là chưa đủ bằng chứng để kết tội và đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại mà là yêu cầu cơ quan an ninh điều tra làm chứ không để C48 nữa.
Nêu quan điểm khác, luật sư Ngô Ngọc Thủy – một người bào chữa khác của Dương Chí Dũng cho rằng, chuyện tố cáo của cựu Chủ tịch Vinalines không liên quan đến phiên phúc thẩm.
“Tôi không mấy để ý đến chuyện này mà để ý đến chuyện khác. Tôi chỉ nghiên cứu vụ án dưới góc độ 2 tội “tham ô” và “cố ý làm trái” đối với thân chủ của tôi là có hay không có, nếu có thì mức độ đến đâu” – luật sư Ngô Ngọc Thủy nêu quan điểm.
Những thông tin về việc “mật báo”, về những tố cáo nhận tiền của cán bộ điều tra, ông Thủy sẽ không đề cập trong phiên tòa ngày mai.
Còn việc chuẩn bị cho phiên xử, luật sư cho biết đã làm đẩy đủ trách nhiệm với thân chủ, từ việc gặp gỡ đương sự, thống nhất quan điểm, chuẩn bị tài liệu chứng cứ… Ghi nhận của ông, sức khỏe, tinh thần của cựu Chủ tịch Vinalines đến thời điểm này vẫn đảm bảo để tham dự phiên phúc thẩm.