Khi 2 án tử hình cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc được tuyên, tiếng gào thét thảm thiết vang lên giữa phòng xử án... Riêng Dương Chí Dũng vẫn giữ được nét mặt bình thản, không phản ứng.
17h32'
Với nhóm bị cáo Dương Chí Dũng và các đồng phạm là lãnh đạo tại TCty Hàng hải Vinalines, HĐXX nhận định, đủ căn cứ kết tội các bị cáo về hành vi tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định quản lý của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tòa quyết định tuyên phạt Dương Chí Dũng án tử hình về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt tử hình. Tương tự, Mai Văn Phúc nhận án tử hình về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt tử hình.
Khi 2 án tử hình cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc được tuyên, tiếng gào thét thảm thiết vang lên giữa phòng xử án... Riêng, Dương Chí Dũng vẫn giữ được nét mặt bình thản, không phản ứng.
Chủ tọa phiên tòa buộc phải dừng giữa chừng yêu cầu lực lượng bảo vệ phiên tòa đưa người phụ nữ kêu khóc thảm thiết ra ngoài để tiếp tục phần tuyên án.
Tòa tiếp tục tuyên án. Cựu Phó Tổng GĐ Trần Hữu Chiều bị tuyên 10 năm tù về tội tham ô tài sản, 9 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 19 năm tù.
Nguyên Trưởng BQLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam Trần Hải Sơn nhận 14 năm tù về tội tham ô tài sản, 8 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt năm tù 22 năm tù.
Mai Văn Khang - Trưởng Ban đóng mới tàu biển Vinalines bị phạt 7 năm tù về tội cố ý làm trái. Cựu Đăng kiểm viên Lê Đăng Dương nhận án 7 năm tù vì cố ý làm trái. Cựu kế toán trưởng Bùi Thị Bích Loan 4 năm tù tội cố ý làm trái.
Nhóm 3 bị cáo là lãnh đạo, cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong “bỏ lọt” cho khối sắt phế liệu khổng lồ 83M được thông quan vào Việt Nam là Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện cùng chia nhau án phạt 8 năm tù về tội cố ý làm trái.
Ngoài ra, tòa cũng tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường khoản thiệt hại 367 tỷ đồng gây ra do thương vụ mua bán ụ nổi “cao niên” 83M. Cụ thể, chia theo tính chất, mức độ hành vi phạm tội, 2 bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc phải bồi thường 110 tỷ đồng/người; Trần Hữu Chiều 39 tỷ 340 triệu đồng; Trần Hải Sơn 42 tỷ đồng; Bùi Thị Bích Loan 6 tỷ đồng; Lê Văn Dương 15 tỷ đồng; Mai Văn Khang 12 tỷ đồng; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng mỗi người 9 tỷ đồng.
17h5'
Tòa kết luận, hành vi của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đã phạm tội tham ô tài sản, các bị cáo Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn với vai trò đồng phạm giúp sức. VKS truy tố các bị cáo về tội danh này là đúng pháp luật.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc là người có thẩm quyền quyết định vụ án, đã trực tiếp chỉ đạo tham gia, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Các bị cáo bị áp dụng tình tiết tăng nặng khi xét tội cố ý làm trái. Riêng bị cáo Dương Chí Dũng đã cố ý bỏ trốn, định trốn sang Mỹ nhưng không được nhập cảnh nên bị trục xuất. Đây là hình thức trốn tránh trách nhiệm, phạm vào tình tiết tăng nặng khi xét cả 2 tội danh.
Dũng có nhiều thành tích, được tặng nhiều bằng khen, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bị cáo có bố mẹ là cán bộ cách mạng, có nhiều thành tích, được khen thưởng nên cũng được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ở mục này.
Bị cáo Mai Văn Phúc cũng được xác định có nhiều thành tích trong quá trình công tác, là quá trình xem xét giảm nhẹ trách nhiệm của bị cáo trong vụ án.
Trần Hữu Chiều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã nhờ gia đình nộp lại đủ 340 triệu đồng đã chiếm hưởng để góp phần khắc phục hậu quả. Trần Hải Sơn cũng được nhận định đã thành khẩn khai báo, có bố đẻ là cán bộ tham gia cách mạng.
HĐXX cho rằng, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có vai trò ngang nhau, cần nghiêm trị với tính chất người chủ mưu cầm đầu. Bị cáo Trần Hữu Chiều là người sau Dũng, Phúc, tham gia có mức độ. Trần Hải Sơn tuy không có vai trò quyết định nhưng có tính chất tham gia rất tích cực. Ý thức của Chiều cao hơn Sơn.
Nhóm bị cáo phạm tội tham ô, Dũng và Phúc đều không nhận tội; việc chiếm hưởng mỗi người 10 tỷ đồng là số tiền đặc biệt lớn, cần nghiêm trị. Chiều chỉ nhận 1 số tiền nhỏ trong số 1,666 triệu USD tham ô. Trần Hải Sơn tham gia với vai trò tích cực, chiếm hưởng 7,8 tỷ đồng, gia đình đã nộp lại 2 tỷ đồng nhưng mức trách nhiệm vẫn cao hơn Chiều. Cần buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền chiếm hưởng và buộc bồi thường số tiền gây thiệt hại.
Với vật chứng, 3 căn hộ đang kê biên của Dương Chí Dũng có 2 căn hộ mang tên chị T., trong khi theo lời khai, các căn bộ này chủ yếu Dương Chí Dũng bỏ tiền mua hoặc mua toàn bộ, vậy nên không có căn cứ lời khai của bà Phạm Mai Phương (vợ Dũng) khai là đúng nên tiếp tục kê biên 2 căn hộ này để đảm bảo thi hành án.
Với căn nhà của Dũng ở phố Nguyên Hồng, xác định thuộc sở hữu của vợ chồng Dũng – Phương, tiếp tục kê biên để đảm bảo trách nhiệm thi hành án. Với nhà ở Quảng Ninh thuộc sở hữu của vợ chồng Mai Văn Phúc, tiếp tục kê biên để đảm bảo trách nhiệm thi hành án của Mai Văn Phúc.
Đối với Bộ GTVT, để Vinalines xảy ra nhiều sai phạm có trách nhiệm của Bộ này, tòa kiến nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định. Với Bộ Tài chính, trong thời gian dài triển khai dự án của Vinalines, bộ không thanh kiểm tra để xảy ra sai phạm lớn. Ngân hàng Citibank làm thủ tục khiến thất thoát số tiền lớn của nhà nước, kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra
16h10'
Nêu quan điểm của mình đối với những lập luận trái ngược giữa cơ quan công tố và các luật sư, tòa cho rằng, đủ cơ sở kết luận hành vi của các bị cáo. Với Dương Chí Dũng, HĐXX lập luận, Dũng biết việc đầu tư dự án nhà máy giá trị trên 1000 tỷ đồng nên phải xin ý kiến Thủ tướng. Tuy nhiên, khi chưa có ý kiến đồng ý của Thủ tướng thì bị cáo đã ký quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.
Những người tổ chức mua ụ nổi buộc phải biết việc ụ nổi 83M được quản lý theo quy chế đối với tàu biển. Vậy nên không có cơ sở chấp nhận quan điểm bào chữa về việc này.
Tòa cũng xác nhận, Vinalines mua ụ nổi bằng vốn nhà nước, được xác định từ việc, dù thời điểm đó vay tiền ngân hàng nhưng sau đó DN đã thực hiện các thủ tục thanh quyết toán đối với nhà nước.
Về hành vi tham nhũng, theo HĐXX, Dũng và Phúc không ai thừa nhận việc mình thỏa thuận với ông Goh nhưng khoản tiền chia mà Sơn khai phù hợp vì vai trò của 2 bị cáo tại Vinalines là ngang nhau và cũng chỉ 2 bị cáo có quyền quyết định đầu tư dự án nên nhận được những khoản bằng nhau.
Các chứng cứ khác như các lần chuyển tiền, rút tiền tại công ty Phú Hà tương ứng với những khoản tiền Sơn khai đã chuyển cho Dũng, Phúc.
Lần tại TPHCM, khi Dũng đi công tác, Sơn mang đến phòng VIP khách sạn Victory 1 valy tiền, Dũng nói cảm ơn. Kết quả xác minh tại khách sạn này cho thấy, Dũng có lưu trú tại khách sạn, ở loại phòng tương ứng với nội dung Sơn khai.
Về việc đưa Phúc 10 tỷ đồng, tòa sơ thẩm nhận định, lời khai của Sơn phù hợp với lời khai của các nhân chứng Trần Thị Hải Huyền, Nguyễn Quang Hưng về những lần Sơn nhờ tài khoản để nhận tiền, rút tiền, đưa Sơn đến các địa điểm hẹn Phúc. Hai lần Hưng đưa Phúc đến nhà Sơn tại làng Quốc tế Thăng Long “chuyển tiền vụ ụ nổi”. Một lần, Sơn lấy tiền từ nhà em gái cho vào cặp đen 2,5 tỷ đồng mang đến quê Phúc ở An Hồng, An Sương, Hải Phòng…
Các từ bị cáo Sơn dùng để trao đổi với các nhân chứng là “bác Chủ tịch”, “bác Dũng Chủ tịch”, “bác Phúc tổng”… được xác định là Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc.
Với những chứng cứ nói trên có căn cứ để kết luận lời khai của Trần Hải Sơn về việc chia, chuyển tiền cho các bị cáo là đúng.
15h45'
Về quan điểm của các luật sư, HĐXX khái quát, hành vi tham ô của Dương Chí Dũng, các luật sư của bị cáo nhận định chưa đủ căn cứ kết tội. Luật sư cho rằng cáo buộc của cáo trạng là sai vì ụ nổi không phải tàu biển, chỉ là các bị cáo nhận định không đúng, chỉ là thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngoài ra, khoản tiền 1,666 triệu USD không phải là của Vinalines nữa nên không thể cấu thành tội tham ô mà chỉ là nhận hối lộ nhưng nếu thế phải xác định được bên đưa bên nhận.
Luật sư của bị cáo Mai Văn Phúc đề nghị xác định lại hành vi của bị cáo có phải vi phạm hay không vì chỉ quá tin tưởng cấp dưới khi mới nhậm chức Tổng GĐ Vinalines nên ký tờ trình để HĐQT xem xét, không có vai trò quyết định dự án. Khoản tiền 1,666 triệu USD chuyển về tài khoản của công ty Phú Hà là thật nhưng không xác định được chủ sở hữu tài sản này. Vì vậy luật sư đề nghị tuyên Phúc không phạm tội tham ô tài sản.
15h10'
Về hành vi tham ô 1,666 triệu USD, thông qua việc chỉ đạo ký kết hợp đồng mua ụ nổi 83M với AP, HĐXX nhận định GĐ công ty AP – ông Goh có quan hệ thân thiết trước đó với Dương Chí Dũng, đã nhờ Dũng ủng hộ việc bán ụ nổi này và được Dũng đồng ý. Trước đó, AP đã thỏa thuận mua ụ nổi này từ Nakhoka, Nga chỉ có giá 2,3 triệu USD.
Thỏa thuận về việc ăn chia số tiền, công ty môi giới Global Success nhận được 4,3 triệu USD trong đó có 1,666 triệu USD phải chuyển về Việt Nam qua một bên thứ 3 thông qua thư tín dụng, chính là công ty Phú Hà của em gái Trần Hải Sơn.
Trong thời gian năm 2008, Vinalines đã chuyển đủ số tiền 9 triệu USD cho AP làm 2 lần.
Kết quả điều tra cho thấy, ngày 18/6/2008, sau 5 ngày nhận đủ tiền mua ụ nổi, công ty AP đã chuyển về đủ 1,666 triệu USD về công ty Phú Hà. Trần Hải Sơn yêu cầu em gái rút tiền và đưa cho Dương Chí Dũng 10 tỷ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỷ đồng, Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng, còn lại 7,8 tỷ đồng Trần Hải Sơn chiếm hưởng cá nhân (cho em gái Trần Hải Hà 2 tỷ đồng).
Thực tế, ông Goh chỉ làm môi giới, biết trước chuyến đi khảo sát của Vinalines sang Nga, tổ chức việc thương thảo hợp đồng này. Ông Goh sau đó đã đến Việt Nam đàm phán trực tiếp về việc mua bán này. Bản thỏa thuận ngày 7/7/2007 được xác định đã quyết định những nội dung ăn chia trước khi mọi việc diễn ra theo “kịch bản” được dựng lên để hợp thức hóa các thủ tục.
Để thực hiện việc chuyển nhận 1,666 triệu USD, Trần Hải Sơn và ông Goh thống nhất lập 1 hợp đồng khống về việc liên doanh liên kết thực hiện một dự án giữa công ty AP với công ty Phú Hà. Số tiền về trót lọt, Trần Thị Hải Hà đã rút hơn 28 tỷ đồng đưa cho Sơn. Sơn đã chuyển 10 tỷ đồng cho Dương Chí Dũng 3 lần, Mai Văn Phúc 10 tỷ đồng làm 3 lần…
Việc Dương Chí Dũng khai Sơn chuyển cho 1 va ly tại TPHCM nhưng là va ly rượu, cơ quan điều tra đã cho đối chất giữa Dũng và Sơn, xác định đó là va ly đựng tiền 5 tỷ đồng.
Về mối quan hệ với ông Goh, ban đầu khi bị tạm giam, Dũng chối cho rằng không quan hệ nhưng sau đó khai lại là có quan hệ thân thiết với ông Goh từ 2000. Con gái Dũng sang Singapore học cũng nhờ ông Goh giới thiệu, thuê nhà, kiểm tra giúp. Vợ chồng Dũng từng sang Singapore, đến nhà ông Goh chơi và gia đình ông Goh cũng từng sang Việt Nam, đến nhà Dũng chơi.
Mai Văn Phúc cũng được xác định đã gặp ông Goh tại Vinalines, thỏa thuận trước các nội dung trong thương vụ ụ nổi 83M. Sau đó ông Goh mới gặp Trần Hải Sơn thông báo nhận tiền “lại quả” theo thỏa thuận của ông Goh với Dũng, Phúc.
HĐXX lập luận, chỉ có thỏa thuận thì mới có việc AP chuyển lại 1,666 triệu USD. Chỉ có Dũng, Phúc có thẩm quyền quyết định mới thảo thuận được việc này. Trần Hải Sơn không lý gì tự nhiên chia tiền cho Dũng, Phúc nếu không có chỉ đạo. Sơn cũng không đủ thẩm quyền quyết định mọi việc nếu không có ý kiến của Dũng, Phúc.
Khoản tiền 1,666 triệu USD được xác định của Vinalines đã có sự thống nhất của Dũng, Phúc trước khi dùng để thanh toán ụ nổi được chuyển cho công ty AP. Dù Dũng, Phúc không thừa nhận việc này, nhưng kết quả điều tra đủ cơ sở quyết định hành vi của các bị cáo.
Hành vi nhận và chia nhau 28 tỷ đồng này của Dũng, Phúc, Chiều, Sơn được cho là phạm vào tội tham ô tài sản. Bản cáo trạng của VKSND Hà Nội truy tố các bị cáo về hành vi này theo khoản 4 Điều 278 BLHS là đúng.
Bị cáo Chiều, Sơn có thừa nhận hành vi vi phạm, tỏ ra ăn năn hối cải trong khi Dũng, Phúc không thừa nhận.
Mai Văn Khang cũng không nhận tội vì cho rằng hoạt động của mình khi đi khảo sát tại Nga chỉ là phiên dịch không có vai trò lập báo cáo giám sát.
VKS lập luận cho rằng đủ căn cứ kết luận các bị cáo đã có hành vi vi phạm như nêu trên, gây thiệt hại cho nhà nước 367 tỷ đồng, vi phạm Điều 165 BLHS. Giữ nguyên quan điểm truy tố của VKSND tối cao, Viện Hà Nội xác định mức độ, tính chất hành vi của từng bị cáo.
Dương Chí Dũng là người chủ mưu trong việc cố ý làm trái, tham ô 28 tỷ đồng, cá nhân chiếm đoạt 10 tỷ đồng, quanh co chối tội nên đề nghị tăng nặng hình phạt. Tương tự, Mai Văn Phúc cũng được nhận định như vậy.
Trần Hải Sơn được xác định phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức, chiếm hưởng 7,8 tỷ đồng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả.
Các bị cáo khác phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức để Dũng, Phúc có thể mua trót lọt ụ nổi 83M.
14h55', trong phần tuyên đọc nội dung vụ án, tòa nhận định, Vinalines là DNNN 100% vốn nhà nước, hoạt động theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng chính phủ. Khi dự án chưa được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch ngành hàng hải, Dương Chí Dũng đã ký quyết định hợp thức hóa thông tin về ụ nổi 83M theo đúng quy chế để Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư mua ụ nổi với giá ban đầu 14,5 triệu USD, sau đó lại ký quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư mua ụ nổi lên 19,5 triệu USD.
Hành vi cố ý làm trái với mua ụ nổi gây thiệt hại 367 tỷ đồng. Trước hết, hành vi của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, HĐXX xác định, ngày 9/2/2006 Dũng ký văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị bổ sung dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam vào quy hoạch. Bộ GTVT sau đó đã có văn bản gửi Thủ tướng chấp thuận về nguyên tắc cho chủ trương này. Tiếp đó, theo quy định, Bộ sẽ phải cập nhật dự án này vào quy hoạch ngành.
Thủ tướng sau đó cũng đồng ý vấn đề này nhưng yêu cầu Bộ cập nhật quy hoạch, báo cáo lại Thủ tướng.
Dù chưa được chính thức đồng ý, nhưng ngày 3/5/2007, Phúc đã ký quyết định lập BQLDA nhà máy sửa chữa tàu biển này do Trần Hữu Chiều làm Trưởng Ban với tổng mức đầu tư trên 3000 tỷ đồng. Theo quy định, giá trị đầu tư dự án trên 1000 tỷ đồng do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Việc làm của Vinalines như này được xác định “phạm lệnh” Thủ tướng. Dự án có nội dung lắp đặt 1 ụ nổi sức nâng trên 1.500 tấn. Hành vi trên của 4 bị cáo được xác định cố ý làm trái.
Trong việc đầu tư, khảo sát, tổ chức đấu thầu đối với ụ nổi 83M, Vinalines không có thông báo chào thầu nhưng cũng có 2 đơn vị chào bán hàng, một của Mỹ nhưng Vinalines không xem xét phương án này, chỉ quyết định khảo sát món hàng của Nga rao bán.
Tại cảng Nakhodka (Nga), đoàn khảo sát chỉ làm việc với GĐ Cty AP Goh Hoon Seow mà không làm việc trực tiếp với chủ sở hữu trong khi giá phía Nga đưa ra đàm phán chỉ dưới 5 triệu USD. Thực hiện sự chỉ đạo của Dũng, Phúc, Triều, Sơn đã gặp đăng kiểm viên Lê Văn Dương để nghị lập báo cáo khảo sát không đúng thực tế về ụ nổi này.
Theo đó, Dũng phê duyệt việc mua ụ nổi với giá 14,5 triệu USD với phương thức mua rồi sửa chữa, sau lai dắt về Việt Nam. Sau đó Dũng lại điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 19,5 triệu USD (giá ụ nổi là 9 triệu USD) do thay đổi phương thức vận chuyển, đưa lên tàu nâng trọng tải lớn đưa về Việt Nam.
Về việc thanh toán thương vụ mua bán ụ nổi 83M, kế toán trưởng Bùi Thị Bích Loan được xác định, bị cáo biết Vinalines không cung cấp đầy đủ thủ tục mua ụ nổi (18 loại giấy tờ) nhưng vẫn quyết định chuyển tiền ký quỹ (900.000 USD) cho công ty AP. Khoản 8,1 triệu USD còn lại, dù không đủ thủ tục, hồ sơ thanh toán còn nhiều khiếm khuyết, đáng ra Loan phải báo cáo Bộ GTVT về việc này. Tuy nhiên, Loan duyệt chi mà không ký vào mục kế toán trưởng theo quy định.
Việc mua bán này đã gây thiệt hại gần 367 tỷ đồng. Các bị cáo như thế đã làm trái luật Thương mại, luật Đấu thầu, luật Kế toán.
Về hành vi của các cán bộ Hải quan trong việc thông quan ụ nổi 83M. 6/6/2008 ụ nổi cập cảng Vân Phong (Khánh Hòa). Hồ sơ tại đây chỉ có hợp đồng mua bán u nổi, hóa đơn thương mại do Vinalines phát hành với nội dung ụ nổi là tàu biển sản xuất năm 1965.
Huỳnh Hữu Đức là phó cục trưởng nhận được báo cáo của Lê Ngọc Triện, dù biết ụ nổi cũ, vi phạm nhưng vẫn chuyển yêu cầu cho công chức cấp 3 Lê Văn Lừng duyệt trình Đức ký quyết định cho thông quan.
Bản kết luận giám định đã nêu, tính đến thời điểm được thông quan này, ụ nổi 43 tuổi, không đủ điều kiện nhập khẩu. Như vậy các bị cáo Đức, Triện, từng đã làm trái quy định luật Hải quan, Hàng hải, tạo điều kiện cho Vinalines nhập khẩu ụ nổi này trái phép, gây thiệt hại hiện nay.
Đủ cơ sở quyết định Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và các bị cáo khác cố ý làm trái. Tính hết vụ án, ụ nổi này đã gây thiệt hại 525 tỷ đồng, đối trừ một số khoản chi phí hợp lý (37 tỷ mua ụ nổi, vận chuyển, bảo hiểm… ) thì còn lại 367 tỷ đồng.
Đúng 14h40', tòa bắt đầu đọc bản án. Tòa bắt đầu nội dung tuyên án chậm hơn so với thời gian ấn định ban đầu 14h.
Vẫn gương mặt cố giữ vẻ điềm tĩnh như 3 ngày xét xử trước đó nhưng Dương Chí Dũng cũng không giấu được chút bối rối, căng thẳng, liên tiếp chớp mắt và quay mặt nhìn ngang mỗi khi gặp ống kính máy quay hướng tới. Bị cáo Dương Chí Dũng khẽ cười gượng, gật đầu chào với người quen.
Hàng ghế sau, cựu Tổng GĐ Mai Văn Phúc căng thẳng thấy rõ.
Trước đó, trong khi cơ quan công tố đề nghị xử “tội chết” đối với cựu Chủ tịch Vinalines, Cục trưởng Cục Hàng hải vì tham ô 1,666 triệu USD, 3 luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng bật lại “không đủ căn cứ kết tội”.
Phiên tòa "gay cấn" kéo dài 3 ngày cuối tuần vừa qua với thời lượng làm việc “căng như dây đàn” (liên tục từ 8h sáng đến 12h30 trưa rồi lại từ 13h30 đến 18h chiều) đã tạm dừng sau khi kết thúc các khâu tranh tụng. 2 án tử hình được đề nghị dành cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc (chỉ riêng với tội “tham ô tài sản”). 2 kiểm sát viên sau đó “đấu” với 15 luật sư.
3 luật sư bảo vệ cho Dương Chí Dũng tại tòa đều đặt vấn đề còn nhiều điểm “mờ” trong hồ sơ vụ án. Theo đó, một “bí mật khủng khiếp” mà CQĐT khai thác được từ Singapore lại được luật sư phản biện, coi như chứng cứ “gỡ tội” cho cựu Chủ tịch Vinalines. Đó là biên bản thỏa thuận ngày 7/7/2007 giữa chủ sở hữu ụ nổi 83M – công ty Nakhodka với công ty AP (bên mua bán sang tay) và bên thứ 3 – công ty Global Success về việc ăn chia khoản tiền bán ụ nổi cho Vinalines. Cụ thể, chủ sở hữu chỉ được 2,3 triệu trong số 9 triệu USD bán ụ, AP cũng chỉ được 700.000 USD, còn phần lớn khoản tiền vào tay công ty môi giới Global Success. 1,666 triệu USD trong phần của Global Success sẽ được chuyển ngược trở lại Việt Nam qua một trung gian do công ty môi giới này chỉ định.
Đây chính là khoản tiền chuyển về cho công ty Phú Hà của em gái Trưởng BQLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam Trần Hải Sơn mà sau này Sơn khai chia cho Dũng, Phúc theo chỉ đạo của “đàn anh” mỗi người 10 tỷ đồng.
Quan trọng nhất, các nội dung thỏa thuận này được lập trước khi Tổng GĐ Vinalines ký quyết định đưa đoàn khảo sát đi Nga để “mục sở thị” ụ nổi 83M.
Cả Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và các luật sư đồng loạt yêu cầu xác minh người đứng ra đàm phán, ký thỏa thuận tại Singapore này là ai trong bộ máy Vinalines. Đó sẽ là người “đạo diễn” mọi thủ tục, đường hướng để rút ruột 28 tỷ đồng của nhà nước và dựng vở “đổ vấy” cho 2 sếp Vinalines.
Đại diện VKS “vặn” lại, chính 2 sếp là người có quyền quyết định cao nhất đối với thương vụ mua bán ụ nổi này. Thực tế “khối sắt phế liệu khổng lồ” này đang nằm chết dí, bán thanh lý không xong, gây thiệt hại đến hơn 500 tỷ đồng. 2 căn hộ siêu sang Dương Chí Dũng mua cho “bồ” với trị giá hàng chục tỷ đồng mỗi căn, cuộc sống của các bị cáo và gia đình, con cái ăn học ở nước ngoài… cũng là những viện dẫn kiểm sát viên đanh thép đưa ra để đặt vấn đề “nếu là công chức bình thường, các bị cáo lấy đâu ra tiền chi cho những xa hoa khó tưởng đó? Theo cơ quan công tố, không có gì để biện minh, bênh vực cho hành vi của Dương Chí Dũng và các đồng phạm.
Phiên tòa căng thẳng khi nhiều luật sư không giữ được bình tĩnh, lớn tiếng tại tòa, có người thậm chí bật khóc. HĐXX cũng phải liên tiếp “vãn hồi trật tự”. Các bị cáo phút nói lời sau cùng trước khi tòa nghỉ nghị án cũng không nén được nước mắt. Duy có Dương Chí Dũng vẫn điềm tĩnh “diễn thuyết”, đọc thơ về nỗi lòng, tâm huyết, thành tích của mình…
Theo Dân trí