Đuối nước xảy ra ở nhiều địa phương, chuyên gia đề xuất đưa bể bơi an toàn vào tiêu chí nông thôn mới

04-05-2022 15:25 | Xã hội
google news

SKĐS - Trước tình trạng đuối nước diễn ra ở nhiều nơi, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đề xuất cần đưa bể bơi an toàn thành một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Mưa lũ bất thường: Người phụ nữ ở Thừa Thiên Huế đuối nước thương tâm Mưa lũ bất thường: Người phụ nữ ở Thừa Thiên Huế đuối nước thương tâm

SKĐS - Một người phụ nữ ở Thừa Thiên Huế tử vong thương tâm do đuối nước khi đang trên đường đi chợ.

Nhà văn hóa phải có bể bơi

TS Khuất Thu Hồng chia sẻ, bà rất trăn trở với tình trạng đuối nước ở trẻ em liên tiếp xảy ra thời gian gần đây. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa gửi công điện yêu cầu phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.

"Tôi lớn lên và đi học chủ yếu ở nông thôn, chẳng biết bơi vì không có bể bơi, bơi dưới ao hồ thì nguy hiểm và mất vệ sinh (cũng thử vài lần nhưng sợ). Còn nhớ có năm đang phải sơ tán vì Mỹ ném bom miền Bắc, trường mình có một số bạn học sinh Hà Nội sơ tán về, một hôm giờ thể dục lại được học bơi. Thầy trò dắt nhau ra sông Tích, cả lớp ngẩn ra nhìn mấy bạn gái Hà Nội mặc đồ bơi đẹp mê hồn, bạn nào cũng trắng nõn nà. Các bạn ấy xuống sông bơi như rái cá. Cả lũ nhà quê thì mặc nguyên quần áo đi học đứng trên bờ nhìn như mất hồn. Cuối cùng thì chỉ có mấy bạn đó bơi", TS Hồng nhớ lại.

Chuyên gia đề xuất đưa bể bơi an toàn vào tiêu chí nông thôn mới - Ảnh 2.

Một vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở Nghệ An vào cuối tháng 4/2022.

Cho đến nay, gần 50 năm trôi qua, trẻ em nông thôn vẫn không có cơ hội học bơi đàng hoàng và không tiếp cận được bể bơi an toàn. "Trong khi xem lại 19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới theo QĐ 318-TTg, tôi thấy tiêu chí thứ 6 về "Cơ sở vật chất văn hoá" có nói đến sân thể thao, điểm vui chơi thể thao cho trẻ em nhưng không thấy nhắc cụ thể để bể bơi.

Tôi nghĩ có bể bơi an toàn cho tất cả trẻ em phải là tiêu chí ưu tiên của nông thôn mới. Đi qua một số  xã nông thôn mới, tôi thấy họ xây chợ to đùng nhưng khoá cửa để đấy. Đua nhau xây nhà văn hóa to, rộng, đẹp rồi để không, trong khi trẻ em cứ chết vì đuối nước, thấy xót xa lắm", TS Hồng chia sẻ.

Theo bà Hồng, nhiều địa phương phấn đấu trở thành nông thôn mới, xây dựng nhiều hạng mục công trình công cộng rất hoành tráng, nhưng quên mất bể bơi. Trong khi ở các vùng nông thôn, không cần là phải cần bể bơi hoành tráng, miễn là một nơi để các cháu có thể bơi an toàn, có người trông nom, quản lý, các cháu được dạy bơi… Có làm như vậy thì tình trạng đuối nước ở trẻ em mới được giải quyết tận gốc.

PGS.TS Vũ Thành Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo đồng tình với quan điểm này. Ông cho biết, đến nhiều nơi thấy có khi nhà văn hóa xây rất to, có khi hai nhà văn hóa của hai xóm xây cạnh nhau, mỗi cái có ao riêng, nhưng không có bể bơi.

Cần có chương trình quốc gia về dạy bơi

Theo TS Khuất Thu Hồng, để khắc phục tình trạng đuối nước ở trẻ, cần có một chương trình có tầm cấp quốc gia về chuyện hướng dẫn kỹ năng bơi, hoặc sống thích nghi cao với nước. Chính quyền các cấp phải xây dựng kế hoạch hành động, đầu tư các hạng mục tương xứng.

Ở thành phố, muốn tránh, giảm được tình trạng đuối nước, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cụ thể, các bậc phụ huynh bố trí đưa đón con đi bơi, đầu tư học phí cho con học bơi, gương mẫu tích cực học bơi, thường xuyên động viên, khuyến khích cho con luyện tập môn bơi.

Dạy trẻ các kỹ năng an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh. Trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước: cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp, thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ.

Ngày 3/5, Thủ tướng Chính phủ gửi công điện yêu cầu phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trước đó về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo này, gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước trẻ em. Rà soát sửa đổi cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần phối hợp ban ngành, đoàn thể để Ban bảo vệ trẻ em cấp xã, cá nhân tình nguyện tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời gian bão, lũ, thiên tai.

Rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa. Địa phương bố trí ngân sách để thực hiện phòng, chống đuối nước trẻ em, phổ cập bơi an toàn cho trẻ em, hỗ trợ kinh phí phù hợp đối với việc học bơi.

Đuối nước - nguy cơ, cách sơ cứu, điều trị, chẩn đoán và tiên lượngĐuối nước - nguy cơ, cách sơ cứu, điều trị, chẩn đoán và tiên lượng

SKĐS- Liên tiếp thông tin về các ca đuối nước và cứu người bị đuối nước trong thời gian vừa qua lại đặt ra vấn đề cần hiểu biết về đuối nước cũng như sơ cứu đuối nước như thế nào cho đúng cách.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 4/5: Cả nước có 55 người tử vong dịp lễ 30/4; Covid - 19 ở Châu Phi có diễn biến lạ | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn