Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo rút kinh nghiệm và triển khai các can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em năm 2020 được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 25-26/6/2020. Theo đó, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ từ 0-5 tuổi là cao nhất, nông thôn cao hơn thành thị và các trường hợp đuối nước trẻ em đa số gặp ở hộ gia đình nghèo, có thu nhập thấp. Trẻ bị bị tử vong do đuối nước thường xảy ra ở những khu vực có sông hồ, ao đầm... Đáng lưu ý, tử vong do đuối nước hiện vẫn là một trong năm nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở trẻ em tại Việt Nam.
Nguyên nhân chính là do trẻ đi ra ngoài, tiếp xúc với các nguồn nước mở ( ao, hồ, sông, suối, biển, lu nước, bể nước, bể bơi...) mà thiếu kỹ năng an toàn ( không biết bơi hoặc bơi chưa tốt), thiếu sự theo dõi giám sát của người lớn, nhận thức của cộng đồng về nguy cơ đuối nước còn hạn chế. Cũng còn có nguyên nhân khác là kỹ năng cứu đuối và sơ cấp cứu chưa được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Nên vẫn còn có những trường hợp thiệt mạng vô cùng đáng tiếc khi trẻ vì cứu bạn mà đuối nước.
Bà Nguyễn Thị Hà,Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và xã hội phát biểu tại Hội nghị-Ảnh MT
Trước thực trạng đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) và Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ (GHAI) tổ chức triển khai Chương trình hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam. Từ tháng 6/2018, Chương trình đã triển khai tại 103 xã của 21 huyện thuộc 8 tỉnh. Đây là những địa phương có con số tử vong do đuối nước trẻ em cao nhất cả nước. Ba can thiệp chính để giảm các yếu tố rủi ro, tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi đuối nước bao gồm dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong nước và tăng cường giám sát trẻ em tại gia đình và nhà trường.
Theo đánh giá của độc lập của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương thuộc Trường Đại học Y tế công cộng, trước khi được can thiệp, tỷ lệ biết bơi của trẻ từ 6-15 tuổi là rất thấp ở các địa phương thuộc chương trình, điển hình như Lào Cai chỉ có 2%.
Sau khi Chương trình được triển khai, chỉ tính riêng năm 2019, đã có hơn 8.000 trẻ được dạy bơi an toàn, hơn 17.000 trẻ được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Tỷ lệ biết bơi chung tại 8 tỉnh thuộc chương trình hiện nay là 25,5% cao hơn so với tỷ lệ trung bình 14,7% vào thời điểm trước can thiệp của chương trình.
Ngoài ra, có hơn 4.700 cha mẹ có con dưới 6 tuổi và trên 700 giáo viên mầm non được đào tạo kỹ năng giám sát trẻ an toàn. Để thực hiện được những hoạt động này, Chương trình đã huy động 35 bể bơi của địa phương, thậm chí cả bể bơi cá nhân và lắp đặt 8 bể bơi mới của chương trình để tổ chức dạy bơi cho trẻ em. Xây dựng và chuẩn hóa các tài liệu hướng dẫn, đào tạo hơn 550 giảng viên nòng cốt về bơi an toàn và phòng chống đuối nước.
Bộ tài liệu được xây dựng và chuẩn hóa của chương trình
Cũng theo báo cáo, hơn 90% phụ huynh hài lòng với các lớp dạy bơi. Nhiều phụ huynh đưa con vượt hàng chục cây số để đến lớp học bơi. Phần lớn các phụ huynh sẵn sàng đồng chi trả 500.000 đồng cho các hoạt động dạy bơi cho trẻ ( chiếm 42,2%). Còn lại là 36,6% người đồng ý trả 300.000 đồng và 21,5% phụ huynh sẵn sàng trả tối tiểu dưới 200.000 đồng. Tỷ lệ phụ huynh đồng ý mức chi trả cao cho khóa học của chương trình ở các tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Bình và Lào Cai. Tỷ lệ này thấp hơn ở Đồng Tháp, Sóc Trăng và Ninh Bình. Trong khi nhận thức của phụ huynh ở các địa phương không can thiệp không tăng , thì ở các địa phương có hoạt động can thiệp của chương trình tăng từ 63,8% lên 71,9%.
Mặc dù những con số đã nói lên hiệu quả của Chương trình hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam trong 2 năm triển khai, nhưng theo đại diện của Cục Trẻ em, hiện nay tai nạn tử vong do đuối nước ở trẻ em vẫn đang là vấn đề nhức nhối ảnh hưởng tới quyền sống còn của trẻ em Việt Nam. Nhiều khó khăn, thách thức đã được đề cập và thảo luận trong hội thảo. Bà Nguyễn Thị Hà,Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và xã hội cho rằng, kết quả của chương trình là thể hiện sự đồng bộ phối hợp giữa các cấp, ngành, sự huy động các nguồn lực từ nhà nước tới các tổ chức xã hội. Nhưng kết quả dù đáng kể thì vẫn còn thấp, chưa sâu rộng. Và cái đích là những can thiệp này phải có ảnh hưởng sâu tới tận thôn xã, thôn bản, và rộng khắp cả nước để đây đó không còn những trường hợp trẻ tử vong thương tâm do đuối nước xảy ra.