Hà Nội

Đuối nước ở trẻ em, nỗi lo khi hè về

02-04-2024 14:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Mỗi khi hè đến, trên địa bàn Hà Tĩnh thường xuyên xảy ra tình trạng đuối nước khiến nhiều trẻ em tử vong thương tâm. Nguyên nhân chủ yếu là do sự lơ là, chủ quan của phụ huynh, trong khi đó nhiều trẻ em không biết bơi hoặc thiếu các kỹ năng, kiến thức về phòng tránh tai nạn đuối nước.

Đuối nước ở trẻ em, nỗi lo khi hè về- Ảnh 1.

Khu vực nơi 2 em học sinh gặp nạn.

Mỗi khi hè đến tình trạng học sinh đuối nước ở Hà Tĩnh lại 'nóng'. Thực trạng này là nỗi ám ảnh và lo lắng đối với những bậc phụ huynh.

Mới đây, vào khoảng 13h ngày 29/3, người dân xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) khi đi qua khu vực đập Khe Xai đã phát hiện trên bờ đập có 2 đôi dép, 2 bộ áo quần của học sinh nên đã nghi ngờ có trẻ đuối nước nên đã nhanh chóng thông tin tới chính quyền địa phương.

Theo chính quyền xã Thạch Xuân, trưa 29/3, 2 em học sinh Đ.V.L. và L.M.A. (học sinh lớp 6, cùng trú thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân) rủ nhau đến khu vực đập Khe Xai trên địa bàn để tắm mát, sau đó cả hai không may đuối nước, mất tích.

Đến 14h cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể em Đ.V.L. nam sinh còn lại vẫn mất tích. Trong đêm, hàng trăm người dân, cùng lực lượng chức năng đã xuyên đêm nỗ lực tìm kiếm nam sinh mất tích. Đến sáng ngày 30/3, thi thể nam sinh thứ 2 trong vụ đuối nước được tìm thấy.

Những tai nạn thương tâm liên tiếp cướp đi sinh mạng của trẻ em một lần nữa gióng lên những hồi chuông báo động về đuối nước. Trẻ em bị đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh, day dứt đối với phụ huynh, giáo viên và các cơ quan chức năng về quản lý, bảo vệ trẻ em trong mùa hè.

Đuối nước ở trẻ em, nỗi lo khi hè về- Ảnh 2.

Poster phòng chống đuối nước năm 2023 của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Tĩnh, trong năm 2023, có 17 trẻ em thiệt mạng do tai nạn đuối nước. Mỗi năm một con số thương tâm và nỗi lo vẫn luôn ám ảnh những người có trách nhiệm. Tới đây, công tác tuyên truyền, cảnh báo sẽ được tăng cường, tuy nhiên, hơn đâu hết vẫn là sự giám sát, trang bị kiến thức, kỹ năng, ý thức cho các em của gia đình và nhà trường.

Ở độ tuổi hiếu động, nhiều em có tâm lý ham chơi, ưa mạo hiểm nên đã trốn gia đình đi tắm sông, tắm suối, đùa nghịch ở ngay cả những địa điểm thường xuyên xảy ra đuối nước và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Tại các địa phương vùng sâu, xa, khu vui chơi dành cho trẻ em rất ít, các nhà văn hóa hầu như chỉ để phục vụ hội họp của thôn, xóm… Trong khi số hồ bơi an toàn, đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu vui chơi và học tập kỹ năng bơi lội, phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ còn rất hạn chế.

Hà Tĩnh là địa phương có số lượng ao, hồ khá lớn, mỗi dịp nghỉ hè, các em học sinh thường hay rủ nhau đi tắm, nô đùa ở sông suối. Vì vậy, nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao. Theo thống kê, tại Hà Tĩnh hàng năm đều có các trường hợp trẻ em tử vong thương tâm do đuối nước, thậm chí có nhiều trẻ biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm.

Ông Trần Văn Sang - Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh chỉ đạo các cơ sở đoàn, đội toàn tỉnh tăng cường triển khai các giải pháp phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em.

"Hiện nay các tổ chức Đoàn trên địa bàn đang tiếp tục triển khai, ra mắt các điểm phao cứu sinh, loa phát thanh tuyên truyền phòng chống đuối nước tại các điểm có nguy cơ cao, dễ gây tai nạn đuối nước cho trẻ em. Các hoạt động được triển khai đồng bộ, đã và đang mang lại nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em hiện nay", ông Sang cho hay.

Theo Trưởng ban Thanh thiếu nhi Trường học Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, ngoài việc tuyên truyền, cảnh báo tai nạn đuối nước cho từng hộ gia đình còn triển khai các lớp dạy bơi, học bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em; đồng thời lắp đặt thêm, tăng dày hệ thống pano cảnh báo “Khu vực từng xảy ra đuối nước gây chết người”, “Khu vực từng có người chết do tai nạn đuối nước”...

Đuối nước ở trẻ em, nỗi lo khi hè về- Ảnh 3.

Các buổi tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng chống đuối nước cho trẻ em được nhiều đơn vị tổ chức.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường để xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Đối với các bậc phụ huynh, cần nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, biển, ao hồ mà không có người lớn đi cùng trông nom.

Ngoài ra, các nhà trường cũng cần quan tâm dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc. Hy vọng, những nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng với các nhà trường và các bậc phụ huynh, thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ giảm tối đa tình trạng trẻ em bị đuối nước thương tâm.

"Bẫy’ đuối nước từ hồ điều hòa trong công viên, trách nhiệm thuộc về ai?'Bẫy’ đuối nước từ hồ điều hòa trong công viên, trách nhiệm thuộc về ai?

SKĐS - Là nơi vui chơi, giải trí cho người lớn và trẻ em nhưng một số hồ điều hòa trong công viên ở TP Thanh Hóa lại không có lan can bảo vệ, biển cảnh báo nguy hiểm nên nguy cơ đuối nước luôn rình rập. Thực tế đã có trường hợp tử vong vì ngã xuống hồ nước công viên.


Nguyễn Sơn
Ý kiến của bạn