Ngày 10/4, 4 người đuối nước tại bãi biển Vũng Tàu được cứu sống. Trước đó chiều ngày 9/4, một bé gái nhảy từ cầu Thịnh Long ( Nam Định) xuống sông tự tử cũng được cứu thoát khỏi bàn tay Hà Bá… Để cứu người đuối nước, người cứu hộ/ cần có hiểu biết và kỹ năng nhất định.
Đuối nước là tình trạng bị ngạt khí khi ở trong môi trường lỏng. Đuối nước gây ra tình trạng thiếu oxy của các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan sống còn. Đuối nước có thể làm tổn thương nhiều cơ quan, bao gồm cả phổi và não. Cấp cứu đuối nước là hỗ trợ, bao gồm hồi phục tình trạng ngừng hô hấp và ngừng tim, giảm oxy máu, hạ huyết áp, và hạ thân nhiệt.
Trên phạm vi toàn thế giới, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên.
1. Ai dễ gặp nguy cơ đuối nước?
Đuối nước có thể xảy ra ở các vùng nước tự nhiên như sông, biển, ao hồ hoặc ở bể bơi, thậm chí là bồn tắm, chậu nước, xô nước… Theo PGS.TS.BS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, những người sau đây dễ gặp nguy cơ đuối nước:
- Người không biết bơi hoặc quá tự tin về khả năng bơi của mình;
- Người có hành vi thói quen nguy hiểm, liều lĩnh;
- Người sử dụng rượu, bia và ma tuý (thống kê cho thấy > 50% người lớn tử vong do đuối nước được cho là có liên quan đến rượu bia);
- Trẻ em bơi, lội không có người lớn giám sát;
- Người bơi lâu, bị nước lạnh làm hạ thân nhiệt, dẫn đến nhanh kiệt sức và rối loạn nhịp tim;
- Người có bệnh khác kèm theo như chấn thương, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim;
- Trẻ em hoặc người lớn bị động kinh hoặc rối loạn phát triển tâm thần, hành vi;
- Người có rối loạn nhịp tim không được phát hiện (ví dụ hội chứng QT dài);
- Người gặp Hội chứng tăng thông khí khi bơi vì nhịn thở lâu sau đó thở nhanh (giảm CO2 và Oxy máu) gây co quắp chân tay.
Như vậy, tai nạn đuối nước đe dọa từ người lớn tới trẻ em, từ người không biết bơi lẫn người biết bơi nếu không cẩn trọng cũng có thể xảy ra hậu quả thương tâm.
2. Sinh lý bệnh và hệ quả của đuối nước
- Thiếu oxy
Thiếu oxy là hệ quả nặng nề do đuối nước, ảnh hưởng đến não bộ, tim và các mô khác; ngừng thở kéo theo sau là ngừng tim có thể xảy ra. Thiếu oxy não có thể gây phù não và đôi khi dẫn tới di chứng thần kinh vĩnh viễn. Tình trạng thiếu oxy máu toàn thể có thể gây ra nhiễm toan chuyển hóa. Tình trạng thiếu oxy tức thời do hít phải dịch tiết hoặc dịch dạ dày, phản xạ cấp tính co thắt thanh quản (còn gọi là đuối nước khô), hoặc cả hai. Tổn thương phổi do hít phải dịch hoặc chính tình trạng giảm oxy máu có thể gây ra tình trạng thiếu oxy muộn (còn gọi là đuối nước thứ phát). Hít phải, đặc biệt là với các chất lỏng dạng hạt hoặc hóa chất, có thể gây ra viêm phổi, kết quả gây xẹp phổi. Xẹp phổi vùng rộng khiến phổi không đàn hồi và thông khí kém, gây suy hô hấp với tăng CO2 và nhiễm toan hô hấp. Sự tưới máu của vùng phổi giảm thông khí sẽ làm nặng thêm tình trạng thiếu oxy. Thiếu oxy phế nang có thể gây phù phổi không do huyết động.
- Hạ thân nhiệt
Tiếp xúc với nước lạnh gây ra hạ thân nhiệt toàn cơ thể một cách đáng kể. Tuy nhiên, hạ thân nhiệt có thể được bảo vệ bằng cách kích thích phản xạ lặn, làm chậm nhịp tim, và co thắt các động mạch ngoại biên, đưa máu giàu oxy từ các đầu chi và ruột đến tim và não. Ngoài ra, hạ thân nhiệt làm giảm nhu cầu oxy của mô, có thể kéo dài sự sống và trì hoãn sự khởi phát tổn thương mô do giảm ôxy. Phản xạ lặn và các tác động bảo vệ trên lâm sàng của nước lạnh thường cao nhất ở trẻ nhỏ.
- Hít phải dịch
Hít phải dịch có thể dẫn đến viêm phổi, đôi khi kèm theo các mầm bệnh kỵ khí hoặc nấm, và gây phù phổi. Co thắt thanh quản thường làm hạn chế lượng dịch hít phải. Sự phân biệt giữa nước ngọt và nước biển khi đuối nước đã từng được coi là quan trọng với lý giải: Đuối nước nước lợ, lượng nước nhiều đi vào máu, máu bị làm loãng, xảy ra tán huyết, kali tăng cao dẫn đến rung tâm thất - ngưng tim; đuối nước nước biển, nhiều natri gây tăng áp lực thẩm thấu máu, tạo thành phù phổi nghiêm trọng, dẫn đến suy tim rồi tử vong. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở hầu hết các trường hợp đuối nước, lượng nước hít vào thường không đủ nhiều để tạo nên những hiệu ứng này.
- Các hành vi nín thở dưới nước nguy hiểm
Các hành vi nín thở dưới nước nguy hiểm hay gặp ở những người đàn ông trẻ khỏe mạnh (thường là những người bơi lội tốt) cố gắng kéo dài khả năng lặn của mình. Có 3 loại:
- Tăng thông khí chủ ý - đào thải CO2 trước khi lặn xuống, do đó trì hoãn phản ứng thở khi tăng CO2 trung ương
- Luyện tập với tình trạng giảm oxy - kéo dài khả năng lặn sâu dưới nước hoặc nín thở
- Ngừng thở kéo dài - nín thở lâu nhất có thể trong khi ngập nước và bất động
Ở các hành vi nín thở dưới nước nguy hiểm, trong khi ngập nước, tình trạng thiếu ô xy xảy ra trước, sau đó là mất ý thức (mất ý thức do thiếu oxy, nín thở) và sau đó bị chết đuối.
- Thương tích liên quan
Có thể xảy ra chấn thương xương, mô mềm, đầu và tạng bên trong, đặc biệt là ở những người lướt sóng, lướt ván trên mặt nước, người đi thuyền, nạn nhân lũ lụt, và người ở trong các xe bị tai nạn chìm dưới nước. Những người lặn xuống nước có thể bị thương tích cổ và vị trí cột sống khác và có thể là nguyên nhân của đuối nước.
3. Triệu chứng và dấu hiệu đuối nước
Nạn nhân ở dưới nước hoặc sắp có nguy cơ bị chìm, dấu hiệu bị sặc nước như: Ho dữ dội, sặc sụa, mặt đỏ hoặc tím, khó thở hoặc ngừng thở. Bất tỉnh do ngừng thở, ngừng tim.Trẻ em không biết bơi có thể bị chìm trong thời gian chưa đến 1 phút, nhanh hơn so với người lớn.
Sau khi được cứu, bệnh nhân thường gặp tình trạng lo lắng, nôn, thở khò hè, và ý thức thay đổi. Bệnh nhân có thể bị suy hô hấp với dấu hiệu thở nhanh, co kéo liên sườn, hoặc tím tái. Các triệu chứng về hô hấp đôi khi bị trì hoãn đến 6 giờ sau khi ngập trong nước. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng do chấn thương hoặc nặng lên của các rối loạn nền.
4. Hồi sức sau đuối nước
PGS.TS.BS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hướng dẫn các bước cơ bản sơ cứu tại chỗ và trên đường vận chuyển như sau:
- Gọi người xung quanh đến hỗ trợ.
- Ưu tiên xác định được tình trạng ngừng tuần hoàn để tiến hành hồi sinh tim phổi càng sớm càng tốt, nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ.
- Thổi ngạt bằng cách hít một hơi thật sâu rồi ngậm miệng nạn nhân thổi một hơi thật mạnh, lặp lại lần thứ 2, việc này cần phải tiến hành ngay khi có thể, khi nạn nhân đã được kéo đến chỗ nông hơn, ít nguy hiểm hơn, khi chân người cứu chạm đất.
- Nếu nạn nhân không tỉnh trở lại sau 2 lần thổi ngạt đủ mạnh làm ngực phồng lên thì cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi kết hợp ép tim và thổi ngạt:
- Đặt nạn nhân nằm ngửa trên bờ, đặt cườm tay lên giữa ngực ép mạnh xuống, tốc độ nhanh 100 đến 120 lần/phút; cứ sau 30 lần ép tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt 2 lần.
- Có thể sốc điện nếu có nhịp nhanh thất, rung thất và máy phá rung sẵn có.
- Phải làm liên tục cho đến khi có đơn vị cấp cứu ngoại viện, nhân viên y tế đến hỗ trợ. Hạn chế tối đa gián đoạn ép tim ngoài lồng ngực.
- Không được dốc ngược nạn nhân với mục đích tống nước ra từ phổi, vì không có tác dụng gì. Nước hít vào trong phổi không dễ ép ra, nước đi vào dạ dày lại không liên quan đến hô hấp, đồng thời cho người bị nạn nôn ra nước, lại dễ đi nhầm vào khí quản gây sặc. Không nên mất thời thời gian, cần tập trung để ép tim cho nạn nhân.
- Cởi bỏ quần áo ướt.
- Làm ấm cơ thể nạn nhân.
- Tập trung cấp cứu nạn nhân liên tục, kiên trì hàng giờ. Chỉ chuyển nạn nhân đến bệnh viện khi đã thở trở lại, khi tuần hoàn được tái lập. Vận chuyển bằng xe chuyên dụng, kể cả người đã tự thở vẫn có nguy cơ suy hô hấp sau đó do nước đã vào phổi, nên vẫn phải vận chuyển vào bệnh viện.
5. Chẩn đoán tại viện
-Đánh giá lâm sàng
-Đối với thương tích cùng lúc, chỉ định làm chẩn đoán hình ảnh
- Đo bão hòa oxy máu (SpO2) và nếu kết quả bất thường hoặc có triệu chứng hô hấp và dấu hiệu khí máu cho chụp Xquang phổi. Bởi vì các triệu chứng hô hấp có thể bị trì hoãn, nên ngay cả những bệnh nhân không có triệu chứng cũng phải được chuyển đến bệnh viện và theo dõi trong vài giờ.
- Ở bệnh nhân có triệu chứng hoặc thời gian chìm trong nước lâu, cần đo nhiệt độ cơ thể để loại trừ hạ nhiệt, làm điện tâm đồ và xét nghiệm điện giải, đo độ bão hòa oxy, theo dõi tim liên tục.
- Đánh giá các rối loạn là nguyên nhân hay yếu tố góp phần gây ra đuối nước (ví dụ, co giật, hạ đường huyết, nhồi máu cơ tim, nhiễm độc, thương tích)
- Theo dõi thường xuyên các biến chứng hô hấp muộn
Hồi sức, nếu được chỉ định, nên làm trước tiên. Chấn thương cột sống cổ cần được xem xét, và cố định cột sống ở bệnh nhân hôn mê hoặc cơ chế thương tích liên quan đến lặn hoặc chấn thương. Kiểm tra những tổn thương ở đầu thứ phát và những điều kiện có thể góp phần gây đuối nước (ví dụ như hạ đường huyết, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, say xỉn, rối loạn nhịp tim).
Bệnh nhân hôn mê cần chụp CT sọ não. Bất kỳ trường hợp nghi ngờ nào khác có nguy cơ hoặc các tổn thương thứ phát được đánh giá bằng xét nghiệm thích hợp.
Bệnh nhân bị đuối nước mà không có các yếu tố nguy cơ rõ ràng cần được đánh giá hội chứng QT kéo dài và xoắn đỉnh nhanh thất. Ở bệnh nhân thâm nhiễm phổi, viêm phổi do vi khuẩn hoặc nấm được phân biệt với viêm phổi hóa học và phù phổi bằng cách cấy máu và lấy đờm nhuộm Gram và nuôi cấy. Nếu được chỉ định (ví dụ, nghi ngờ là viêm phổi do vi khuẩn hoặc nấm gây ra nhưng không xác định được mầm bệnh gây bệnh), cần phải rửa phế quản để kiểm tra, và nuôi cấy.
6.Tiên lượng
Các yếu tố làm tăng cơ hội sống sót nếu không có thương tích nặng bao gồm:
- Tổ chức hồi sức nhanh (quan trọng nhất)
- Thời gian chìm dưới nước ngắn
- Nhiệt độ nước lạnh
- Trẻ tuổi
- Không có các tình trạng bệnh lý cơ bản, chấn thương thứ phát, và hít phải các di vật hoặc hóa chất
Khả năng sống sót có thể xảy ra khi ngâm nước lạnh kéo dài > 1 giờ, đặc biệt là ở trẻ em; do đó, ngay cả những bệnh nhân bị chìm dưới nước kéo dài cũng cần được hồi sinh tích cực.
7. Điều trị tại viện
Điều trị tại bệnh viện bao gồm: Hồi sức; Hiệu chỉnh nồng độ oxy và carbon dioxide và các bất thường về sinh lý khác; Hỗ trợ hô hấp tích cực; Điều trị nhằm mục đích ngăn ngừa ngừng tim, tình trạng giảm ôxy máu, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, và các bệnh lý khác.
Mời xem video được quan tâm:
Kỹ năng cứu đuối nước an toàn từ trên bờ mùa mưa bão (1)